Lễ tuyên dương do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Tham dự lễ tuyên dương năm nay có 120 em, trong đó có 17 em đạt giải nhất, nhì trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia năm nay; 6 em đạt giải nhất, nhì trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia; 10 em thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) không học trong trường phổ thông dân tộc nội trú đã trúng tuyển vào đại học năm 2019...
Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, đồng thời, biểu dương, khích lệ tinh thần nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số.
Phát biểu chỉ đạo buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Lễ tuyên dương là hoạt động rất có ý nghĩa, tạo sức lan tỏa sâu rộng, động viên khích lệ thế hệ trẻ dân tộc thiểu số cả nước đã nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, chuẩn bị những hành trang cần thiết cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình |
Phó Thủ tướng khẳng định, hiếu học là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Những tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi sáng tạo ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn được trân trọng, tôn vinh. 120 em học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương hôm nay thực sự là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, dân tộc và quê hương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc và miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết tại Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận gần hơn nữa với sự phát triển ở miền xuôi.
Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 5 vấn đề để phát triển giáo dục vùng dân tộc thiếu số và miền núi. Đó là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo, quyền học tập và tiếp cận bình đẳng của trẻ em về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo;
Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập, tích cực tham gia vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp;
Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới và đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục, các trung tâm đào tạo việc làm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên; Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, tổ chức tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số;
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quan tâm chăm lo về vật chất và tinh thần, vận động các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay cùng nhà trường, gia đình hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các em, cho phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc dân tộc và miền núi, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội.
Phó Thủ tướng mong các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số luôn tự tin, đoàn kết, tiếp tục phấn đấu không ngừng vươn lên, phát huy năng lực sáng tạo, chuẩn bị tốt tâm thế lập thân, lập nghiệp và trở thành những công dân có ích, cống hiến ngày càng nhiều cho quê hương đất nước.