Mức phí tham quan Vịnh Hạ Long kể từ 1/12/2011, chính thức tăng lên ít nhất gấp đôi mức phí cũ. Điều này đã tạo ra không ít bức xúc cho các đơn vị lữ hành và du khách tham quan. Câu hỏi đặt ra, phải chăng Vịnh Hạ Long “lên đời” là một trong bảy kỳ quan mới của thế giới nên phải tăng vé cho xứng tầm? Và liệu chất lượng phục vụ du lịch có được tăng gấp đôi như giá vé hay không?
Du thuyền trên vịnh Hạ Long. Ảnh minh họa |
Lộ trình siêu tốc và “ma trận”... 108 loại giá vé
Theo Quyết định số 3620/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh thì bắt đầu ngày 1/12, tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức áp dụng mức phí tham quan Vịnh Hạ Long mới đối với tất cả các du khách. Theo đó, mức thu phí tham quan một số tuyến trên Vịnh Hạ Long khác với trước đây được thu theo từng địa điểm, nay sẽ tiến hành điều chỉnh thu theo lộ trình như sau: Thiên Cung - Đầu Gỗ - Hòn Chó Đá, làng chài Ba Hang, Hòn Đỉnh Hương, Hòn Trống Mái, Làng chài Hoa Cương giá vé là 80.000 đồng/người; Hang Sửng Sốt, Ti Tốp (hoặc Soi Sim), Động Mê Cung, Hồ Động Tiên có giá vé là 90.000 đồng/người; Hang Sửng Sốt - Ti Tốp hoặc Soi Sim - Động Mê Cung - Hồ Động Tiên - Điểm nghỉ đêm giá vé 130.000 đồng/người; Trung tâm Văn hoá làng chài Cửa Vạn - Hang Tiên Ông - Hồ Ba Hầm - Điểm nghỉ đêm giá vé là 60.000 đồng/người...
Trước sự tăng giá vé, nhiều du khách và hãng lữ hành cảm thấy chóng mặt. Bởi, ở các nước, việc tăng giá vé như vậy, được chuẩn bị cả năm và báo trước tối thiểu 6 tháng để các công ty lữ hành kịp điều chỉnh dịch vụ và giá thành cho du khách. Còn ở vịnh Hạ Long, Quyết định 3620 được ký ngày 18/11/2011, chỉ 48 giờ sau khi có đề xuất của Sở Tài chính vào ngày 16/11 và có hiệu lực từ ngày 1/12. Không biết việc tăng giá thông qua HĐND tỉnh lúc nào, trước hay sau khi có đề xuất của Sở Tài chính?
Liệu, từ giờ tới Tết Nguyên đán, các địa phương có danh lam thắng cảnh khác kịp có “học” theo sự “siêu tốc” này hay không? Một sự chóng mặt khác đó là, Quyết định 3620 còn kèm theo bảng phụ lục “ma trận” về các giá vé. Phụ lục có 8 giá vé của 8 tuyến tham quan. Trong mỗi tuyến có từ 1 đến 10 mức giá riêng. Vé được chia làm 3 loại: người lớn, trẻ em, người già. Mỗi loại có 36 giá, cộng chung là 108 loại giá, tương ứng với 108 loại vé khác nhau. Trong khi đó, nhìn sang Campuchia, vé tham quan quần thể Angkor hơn 15 năm qua không hề tăng giá.
Người yêu Vịnh buồn lòng
Trước sự kiện này, ý kiến của đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long đại ý rằng chủ trương xin tăng giá vé thắng cảnh đã có từ trước khi Vịnh Hạ Long đăng quang kỳ quan từ khá lâu, việc tăng giá vé là một chủ trương đúng đắn và đã được tỉnh đồng ý, mong được sự ủng hộ, đồng thuận từ phía các doanh nghiệp, du khách. Quan trong nhất là lời hứa: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long...để du khách, doanh nghiệp, đơn vị hưởng lợi từ thắng cảnh thấy thật sự hài lòng...”.
Tuy nhiên, nhiều du khách hoài nghi với lời hứa này bởi lẽ, họ thấy buồn lòng với những gì mắt thấy, tai nghe ở kỳ quan này.
Anh Nguyễn Công Hoàng - một du khách bức xúc: “Chúng tôi đi tham quan Vịnh Hạ Long. Khi lên thuyền tham quan vịnh thì trên chiếc thuyền chỉ có sức chứa khoảng 30 người, nhưng ở đó có tới hơn 40 khách lên, khiến nhiều người trong đoàn lo ngại về sức chứa, lo ngại về an toàn tính mạng khi lênh đênh trên biển”. Nếu làm phép so sánh thì dịch vụ của Ban quản lý vịnh còn kém hơn cả của các doanh nghiệp tư nhân. Giá cả bị chặt chém, đò bán hàng rong ngổn ngang trên biển, đó luôn là những gì cần phải dọn dẹp để có một khu du lịch văn minh lịch sự hơn, theo nhận xét của anh Hoàng.
Còn chị Lê Thu Trà (Việt kiều Nga) kể: “Chúng tôi lên động Thiên Cung xem vội vàng rồi phải đi ra vì nhà tàu chỉ hẹn cho 40 phút thăm động. Ra đến nơi phải chờ ở cầu tàu vừa nắng vừa chật chội gần một tiếng đồng hồ sau tàu mới chen được vào để đón khách. Đến bãi tắm Titop cũng vội vàng vì chỉ được tắm có 40 phút”.
Sự vội vàng mà chị Trà gặp phải là điều phiền lòng của rất nhiều khách du lịch Hạ Long. Vì nếu thuê tàu du lịch theo tour, tàu sẽ chạy rất nhanh cho hết địa điểm để về bến đi được chuyến nữa mặc cho du khách có ngắm được gì hay không. Còn nếu thuê theo giờ thì tàu sẽ chạy như thi với... rùa bò trên cạn để đủ giờ tính tiền. Thế mới có chuyện, khi thấy du khách đề nghị vào bến và thanh toán đúng số giờ đã thuê thì chỉ 10 phút tàu đã cập bến dù trước đó chủ tàu đã nói phải đi non tiếng nữa(?!).
Người Việt Nam nói chung và cá nhân người viết bài này nói riêng, vì yêu Vịnh Hạ Long nên đã nỗ lực bầu chọn để giúp Vịnh đăng quang kỳ quan. Nhưng cũng vì thế mà chúng tôi mong rằng ngành du lịch Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng song song với việc tăng giá vé, cần nghiêm túc nhìn nhận lại cung cách phục vụ và khẩn trương nâng cấp “thương hiệu” chất lượng du lịch để xứng tầm với di sản thiên nhiên được công nhận là kỳ quan thế giới.
Mức giá mới tăng ở Vịnh Hạ Long là trái quy định? Mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa tùy thuộc vào điều kiện của từng nơi mà có mức khác nhau cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mức thu được áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài đến tham quan. Cụ thể, đối với người lớn, mức thu không quá 20.000 đồng/lần/người; trẻ em, mức thu không quá 10.000 đồng/lần/người; Đối với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có thể áp dụng mức thu cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức thu quy định. Nếu đối chiếu với những quy định của Bộ Tài chính trên đây thì có thể thấy mức giá mới hoàn toàn không đúng quy định. |
Bảo Châu