Xác định hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế; đồng thời đây cũng là nhóm khách hàng sử dụng trên 90% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Vì thế thời gian qua, PC Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp tối ưu để chất lượng điện được bảo đảm.
Tổng quản lý Ban Quan hệ KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: “Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương và công tác đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, thời gian qua, việc cấp điện phục vụ sản xuất trong KCN luôn ổn định, an toàn và hiệu quả. Tình trạng mất điện đột xuất và kéo dài được hạn chế. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN triển khai triệt để các giải pháp tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải đỉnh, huy động các nguồn phát dự phòng”.
Toàn tỉnh có 16 KCN đã được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, có 9 KCN đã đi vào hoạt động.
Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp khôi phục được chuỗi cung ứng và phục hồi sản xuất, dự báo nhu cầu phụ tải tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới là rất lớn. Theo đó, công suất lớn nhất năm 2023 có thể đạt 950MW hoặc cao hơn nếu xuất hiện nắng nóng cực đoan. Trong khi đó, tổng công suất 3 MBA 220kV tại các trạm biến áp 220kV Vĩnh Yên, Vĩnh Tường chỉ có 750MVA, công tác bảo đảm cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, theo dự báo, thời tiết năm 2023 có xu hướng diễn biến bất thường, nắng nóng có thể xuất hiện sớm và kéo dài hơn so với cùng kỳ năm 2022, vì vậy khu vực miền Bắc có nguy cơ sẽ thiếu hụt công suất đỉnh. Đồng thời, mùa mưa lũ có thể có chịu ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão, gây khó khăn đến việc bảo đảm cung cấp điện cho khách hàng.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, PC Vĩnh Phúc đã báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương và chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cấp điện trong tình hình thời tiết cực đoan; phụ tải tăng trưởng sau hồi phục của suy thoái kinh tế; chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để nâng cao độ chính xác của công tác dự báo phụ tải, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời gian ca kíp.
Đồng thời, PC Vĩnh Phúc đẩy mạnh truyền thông về những khó khăn trong việc cung ứng điện mùa nắng nóng trong năm 2023 để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết, cùng chia sẻ và tăng cường thực hiện tiết kiệm điện. Từ đó, tăng cường phối hợp xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện để giảm thiểu sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Ngoài ra, PC Vĩnh Phúc bảo đảm tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực truyền tải cho hệ thống điện, chống quá tải, giải tỏa công suất, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên phục vụ cấp điện bảo đảm trong mùa nắng nóng cũng như củng cố lưới điện trước mùa mưa bão 2023.
Lãnh đạo quản lý bộ phận điện (Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 - VPIC1) cho biết: “Thời gian qua, PC Vĩnh Phúc luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đáp ứng điện phục vụ nhu cầu sản xuất cho VPIC1 và các đơn vị phụ trợ. Cụ thể, khi cắt điện Công ty luôn gửi thông báo và lấy ý kiến đề xuất của đơn vị trước từ 3 - 5 ngày. Theo đó, lịch đề xuất cắt điện của chúng tôi đa phần được Điện lực chấp thuận”. Tương tự tại các KCN như: KCN Bá Thiện I (huyện Bình Xuyên), KCN Thăng Long... ngay từ những năm đầu đi vào hoạt động, PC Vĩnh Phúc cũng đã đầu tư TBA 110kV.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, PC Vĩnh Phúc đã nâng cấp máy biến áp công suất 40MV nâng lên 63MV. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao của các KCN. Đặc biệt, để gia tăng hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa chi phí, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, PC Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ thông tin ở tất cả các lĩnh vực.
Nổi bật phải kể đến công nghệ sửa chữa điện nóng, cho phép thực hiện sửa chữa trên lưới điện mà không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng hay trung tâm điều khiển từ xa, các trạm biến áp 110kV không người trực, các thiết bị kiểm tra hệ thống điện từ xa, văn phòng số, công tơ điện tử, thanh toán trực tuyến...
Những tiện ích trên giúp ngành điện điều hành lưới điện thông suốt, an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển công nghiệp. Năm 2022, tổn thất điện năng của PC Vĩnh Phúc giảm xuống còn 2,66%.
Có thể thấy, nhờ sự quan tâm đầu tư trên, thời gian qua, PC Vĩnh Phúc đã nâng cao độ ổn định cung cấp điện cho các KCN, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng mất điện đột xuất và kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.