Vĩnh Phúc chủ động đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP huyện Tam Dương làm xét nghiệm mẫu rau cải tại bếp ăn bán trú Trường mầm non Duy Phiên (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Cán bộ Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP huyện Tam Dương làm xét nghiệm mẫu rau cải tại bếp ăn bán trú Trường mầm non Duy Phiên (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Để làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian từ ngày 15/4 - 15/5, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm để người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiểu đúng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm; thực hiện kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vào các đợt cao điểm trong năm; xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra gần 850 cơ sở sản xuất, kinh đoàn thực phẩm. Qua đó, phát hiện, xử phạt 391 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt hơn 1 tỷ đồng; khởi tố 3 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tiêu hủy hơn 4 tấn thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kiểm dịch lại gần 9 tấn sản phẩm động vật.

Các đơn vị chuyên môn đã lấy gần 1.450 mẫu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, 2.800 mẫu rau, củ, quả, giò, chả tại các cơ sở sản xuất, chế biến để giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phát hiện 5 mẫu cá nước ngọt thương phẩm có hàm lượng chì và vi khuẩn vượt mức cho phép. Năm 2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp diễn biến nặng và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Để xây dựng và phát triển nguồn thực phẩm an toàn, cùng với việc hỗ trợ, phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất gần 1.760 ha rau quả hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP; hỗ trợ hơn 30 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất; tiếp tục duy trì điều kiện sản xuất tại 8 vùng trồng đã được cấp mã số với tổng diện tích 73,4 ha.

Trong thời gian tới, để đảm bảo công an toàn thực phẩm trong tình hình mới, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh thanh tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Đồng thời, rà soát, đánh giá lại các phòng thí nghiệm, bổ sung chức năng xét nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, cử cán bộ đi học chuyên môn về xét nghiệm an toàn thực phẩm, cấp kinh phí cho hoạt động kiểm soát, phân tích, đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Đọc thêm