Vĩnh Phúc thu hút được 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

(PLVN) - Với phương châm Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp phát triển.
Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều khu công nghiệp được đầu tư bởi các doanh nghiệp nước ngoài
Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều khu công nghiệp được đầu tư bởi các doanh nghiệp nước ngoài

Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút được nhiều dự án của các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, tỉnh ban hành các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; chủ động quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp (KCN) hợp lý; hỗ trợ người dân mất đất khi thực hiện thu hồi đất phục vụ dự án; đào tạo nghề theo yêu cầu của dự án.

Đồng thời, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN, đảm bảo kết nối và đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư trong các KCN, vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa tạo diện mạo mới, hấp dẫn các nhà đầu tư khi đến Vĩnh Phúc.

Theo Ban Quản lý các KCN, hiện nay giá thuê mặt bằng nhà xưởng xây sẵn khoảng 3-4 USD/m2/tháng, giá thuê lại đất khoảng 70 USD/m2/đời dự án. So với một số tỉnh thành lân cận có hệ thống hạ tầng tương đương thì mức giá này khá ưu đãi. 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn toàn cầu như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo; Patron Vina, Heasung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan); Weldex (Hoa Kỳ)…

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều DN tên tuổi trong nước, điển hình như: FLC, VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Thép Việt Đức… tất cả những nhà đầu tư này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Vĩnh Phúc.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong các KCN cũng quan tâm tạo mảng xanh trong khuôn viên, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cho người lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện mô hình “cà phê doanh nghiệp” định kỳ thứ sáu hàng tuần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp... Xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đồng thời, ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2020 Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu phát triển khu vực đầu tư nước ngoài có tiềm lực cao hơn về công nghệ và sản xuất được một số công đoạn sử dụng công nghệ cao thay vì chỉ sản xuất lắp ráp, gia công và tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước phải thu hẹp sản xuất, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chọn Vĩnh Phúc là điểm đến tin cậy. Đây là một trong những tín hiệu tích cực để tỉnh Vĩnh Phục tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đến để phát triển./.

Đọc thêm