Vĩnh Phúc thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp (DN), tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc, qua đó, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo đà thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa tỉnh đi vào ổn định, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương. (Ảnh: Lê Trang)
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa tỉnh đi vào ổn định, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương. (Ảnh: Lê Trang)

Kết quả thu NSNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm ước đạt gần 16.000 tỷ đồng (đạt xấp xỉ 50% dự toán được giao và đạt gần 75% so với cùng kỳ).

Đối với công tác thu ngân sách nội địa, ngành Thuế chỉ đạo quyết liệt việc nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; đặc biệt chú ý một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như: Môi trường, đất đai, kinh doanh - chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn.

Ngành Thuế tỉnh cũng chỉ đạo việc quản lý nguồn thu theo từng sắc thuế, từng người nộp thuế, bám sát địa bàn và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; thu hồi nợ đọng thuế... Các cơ quan thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống phần mềm quản lý thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế kịp thời theo quy định.

Đáng chú ý, thời gian qua toàn ngành đã tăng cường quản lý và hỗ trợ người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử; xây dựng kế hoạch, phương án và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn. Qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích, hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống gian lận, thất thu thuế. Kết quả thu NSNN trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt gần 16.000 tỷ đồng (đạt xấp xỉ 50% dự toán được giao và đạt gần 75% so với cùng kỳ).

Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 13.200 tỷ đồng (đạt gần 49% dự toán, bằng xấp xỉ 74% so với cùng kỳ); thu xuất nhập khẩu ước đạt gần 2.600 tỷ đồng (đạt gần 52% dự toán, bằng gần 81% so với cùng kỳ). Trong cơ cấu các khoản thu nội địa, một số sắc thuế đạt kết quả đáng ghi nhận như thu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 10.200 tỷ đồng (đạt 48% dự toán); các khoản thu từ đất ước đạt 800 tỷ đồng (đạt hơn 44% dự toán)...

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 8,8 nghìn tỷ đồng (đạt xấp xỉ 46% dự toán, tăng gần 29% so với cùng kỳ).

Trước tình hình chung của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, dự báo nhiệm vụ hoàn thành dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2023 là rất khó khăn đối với các cấp ngân sách. 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan và các ngành, địa phương sẽ nỗ lực và quyết tâm hơn để hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch thu NSNN năm 2023 đề ra.

Trong thời gian tiếp theo, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được áp dụng, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển, qua đó kỳ vọng tác động tích cực đến số thu NSNN. Để bảo đảm hoàn thành toàn diện dự toán số thu NSNN cả năm, trên cơ sở dự báo những thách thức và thuận lợi, các cơ quan thu (Thuế, Hải quan) cần chủ động xây dựng và thực hiện phương án thu ngân sách cụ thể trong các tình huống, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đó, cần thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nắm chắc các nguồn thu trên địa bàn, chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hoá, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng,... góp phần chống thất thu ngân sách. Đôn đốc nộp kịp thời vào NSNN đối với các khoản tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán và thanh tra. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm