Vĩnh Phúc: Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mọi người dân đều phải được hưởng thành quả của sự phát triển. Nhiều chương trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, cứu trợ xã hội, quan tâm tới các đối tượng yếu thế, cải thiện mức sống và điều kiện sống cho dân cư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo động lực phát triển bền vững.
Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế cho tỉnh.
Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế cho tỉnh.

Chi hàng trăm tỷ cho đối tượng bảo trợ xã hội

Việc chăm lo phúc lợi cho người dân là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Điều đó được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, điển hình như chăm sóc sức khỏe, đổi mới giáo dục - đào tạo, hỗ trợ bảo hiểm, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân khó khăn.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và trong tất cả các Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, hệ thống các chính sách an sinh xã hội luôn thể hiện trên cả 3 mặt, gồm: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương, nâng mức sống người dân.

Cùng với đó, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, đưa công tác an sinh xã hội lan tỏa, diện bao phủ ngày càng mở rộng và phát huy tác động tích cực trong cuộc sống của mỗi người dân, người lao động. Đặc biệt là xu hướng phát triển trợ giúp xã hội luôn nằm trong nhóm các tỉnh đi trước và cao hơn so với quy định của Trung ương, mặt bằng chung các tỉnh, thành phố, nhất là các chính sách đối với người cao tuổi, đối tượng không có khả năng thoát nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật…

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được triển khai thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa toàn xã hội. Mọi thành viên trong xã hội đều được bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, dịch vụ y tế khi đang hoạt động kinh tế hoặc nghỉ hưu, thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tuổi già, tàn tật mà không có khả năng tạo thu nhập. Số người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng từ 39.816 người năm 2016 lên 43.809 người năm 2023 và 43.435 người năm 2024, chiếm 2,9% dân số toàn tỉnh.

Các đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng được quan tâm chăm sóc, thụ hưởng chế độ cao hơn 1,24 lần mức chuẩn chung do Trung ương ban hành, với tổng kinh phí hằng năm chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng là trên 330 tỷ đồng/năm. Minh chứng rõ ràng nhất cho công tác an sinh xã hội ở Vĩnh Phúc là sự đồng sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau” và “sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết” được thể hiện qua dịch bệnh COVID -19 và mới đây nhất là cơn bão số 3.

Cụ thể, trước sức ảnh hưởng và mức độ thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa phương nằm dọc tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy khiến hàng nghìn người dân phải sơ tán, làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của bà con Nhân dân, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã thường xuyên có mặt kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các đoàn viên thanh niên đã dầm mưa, thức thâu đêm suốt sáng để hỗ trợ bà con di dời đến nơi an toàn. Hàng trăm tổ chức, cá nhân đã khởi phát các hoạt động vận động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng. Những nghĩa cử cao đẹp này rất đáng trân quý vì đã giúp người dân, chính quyền các địa phương từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu.

Riêng xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 3, với 10/12 thôn bị cô lập, trên 2.000 người phải di dời; 2 nạn nhân bị tử vong do lật thuyền trong mưa bão. Với đạo lý “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, hơn 300 tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong, ngoài tỉnh bằng tình cảm và trách nhiệm đã “nhường cơm, sẻ áo” hỗ trợ người dân vùng bị cô lập vượt qua khó khăn.

Mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm, các phiên hỗ trợ, tư vấn lao động việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, sàn giao dịch việc làm online. Ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho công tác giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo, xuất khẩu lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 30%. Bình quân mỗi năm, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người, vượt mục tiêu Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Quan tâm đến đối tượng người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương tập trung giải quyết các tồn đọng về chính sách, hỗ trợ người có công về nhà ở; làm tốt công tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, công tác đền ơn đáp. Trung bình mỗi năm, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 40.000 người có công. 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời.

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 về quy định mức trợ giúp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07 về quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2025… Trung bình mỗi năm, Vĩnh Phúc dành hàng trăm tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng dịch vụ an sinh xã hội phục vụ Nhân dân.

Cùng với đó, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động các tổ chức, đoàn thể ủng hộ, giúp đỡ các hộ nghèo; huy động các nguồn lực trong xã hội, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, giảm nghèo, trợ giúp xã hội... đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm đời sống Nhân dân.

Đọc thêm