Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phát triển Vĩnh Phúc thành trung tâm công nghệ cao, sản xuất thông minh đây là nội dung phương án được lựa chọn của Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; được xây dựng trên quan điểm phát triển nhanh và bền vững, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, môi trường, đồng thời lấy khoa học công nghệ làm động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển đồng đều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện đa dạng hóa nền kinh tế và vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. (Ảnh cổng thông tin Vĩnh Phúc)
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn của cả nước. (Ảnh cổng thông tin Vĩnh Phúc)

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, những 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc ước tăng 9,55% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 lĩnh vực chủ lực ưu tiên thu hút đầu tư tăng trưởng mạnh như chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,62%; doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 15,2%.

Đặc biệt, sản xuất linh kiện điện tử là ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất đạt hơn 1,8 tỷ USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ; tạo việc làm cho hơn 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong định hướng phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc, sản xuất điện tử và thiết bị điện là một trong những ngành đã được khuyến khích đầu tư phát triển. 5 năm gần đây, nhiều dự án đã được đầu tư phát triển mạnh và đến nay đã trở thành 1 trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh.

Tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và công bằng, đạt mục tiêu “3 tốt” của Vĩnh Phúc gồm môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt; phục vụ doanh nghiệp tốt.

Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh. .(ảnh cổng thông tin Vĩnh Phúc).

Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh của tỉnh. .(ảnh cổng thông tin Vĩnh Phúc).

Bên cạnh đó, duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ như Châu Âu, Hoa Kỳ.

Đến hết tháng 5/2024, lũy kế trên địa bàn tỉnh có 472 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhờ có các dự án của các công ty, tập đoàn lớn, tỉnh đã phát triển các ngành kinh tế chủ lực trong sản xuất, chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô của khu vực.

Tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 450 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 15%, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, nhất là các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản; khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Vĩnh Phúc đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp.

Trước mắt, Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Từng bước thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các ngành công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp.

Đọc thêm