VIPFA và thách thức lôi kéo dự án tỷ đô công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TS. Phan Hữu Thắng, tân Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp (KCN) Việt Nam (VIPFA) cho biết, mục tiêu của VIPFA là cùng cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và hoàn thiện chính sách, sao cho vừa dễ quản lý, vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động. “Thách thức của chúng ta là phải làm sao lôi kéo được dự án tỷ đô công nghệ cao” - Chủ tịch VIPFA nhấn mạnh.
Hướng tới phát triển một hệ thống KCN sinh thái, xanh và bền vững. (Ảnh: VGP).
Hướng tới phát triển một hệ thống KCN sinh thái, xanh và bền vững. (Ảnh: VGP).

Hợp tác đầu tư

Chủ tịch VIPFA, TS. Phan Hữu Thắng chia sẻ, trong bối cảnh mới, xu thế đầu tư cũng khác trước rất nhiều. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030.

“Đây là Nghị quyết về hợp tác đầu tư chứ không chỉ về thu hút ĐTNN. Nghị quyết nêu quan điểm: Hợp tác ĐTNN có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…” - nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, sứ mệnh của VIPFA là khơi dậy và phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng vươn lên của các DN hội viên, hướng tới phát triển một hệ thống KCN sinh thái, xanh và bền vững. “Để hoàn thành được sứ mệnh to lớn đó, VIPFA phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo, có vai trò tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển trong khu vực” - ông Thắng khẳng định.

Nhấn mạnh xu thế hiện nay đầu tư vào các KCN, khu kinh tế (KKT) là chủ yếu và thực tiễn cho thấy trong kết quả thu hút FDI thì 70% là đóng góp ở các KCN, KKT, Chủ tịch VIPFA cho biết VIPFA đã nhìn thấy rõ xu hướng đó. Do đó, mục tiêu của VIPFA là cùng cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách và hoàn thiện chính sách, sao cho vừa dễ quản lý, vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động. “Thách thức của chúng ta là phải làm sao lôi kéo được dự án tỷ đô công nghệ cao” - Chủ tịch VIPFA nhấn mạnh.

Đóng góp chính sách

Cũng theo Chủ tịch VIPFA, một trong những vấn đề VIPFA chú trọng, đó là đóng góp chính sách. Để có đóng góp trong việc hoàn thiện và xây dựng chính sách, VIPFA phải có một bộ phận và một đội ngũ nghiên cứu và phải có các sản phẩm cụ thể. Hiện, thế mạnh của VIPFA là có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm, và có viện nghiên cứu đầu tư quốc tế, đều là những chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết. “Chúng tôi đều cùng quyết tâm, cùng chí hướng và có được nhiều DN tham gia. Mục tiêu là phục vụ DN, từ đó góp phần vào sự phát triển của KCN, KKT và sự phát triển chung của đất nước” - Chủ tịch VIPFA khẳng định.

Tính đến hết năm 2023 trên cả nước đã có 417 KCN được thành lập; 293 KCN và khu chế xuất đã đi vào hoạt động thu hút đầu tư với tổng diện tích đất tự nhiên 89.171ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.116ha. Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến năm 2030 diện tích đất phát triển các KCN sẽ đạt khoảng 210.930ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm khoảng 120.000ha KCN, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 80.000 - 85.000ha.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), ước tính chi phí đầu tư phát triển KCN bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các KCN đã được quy hoạch đến năm 2030, đang và sẽ triển khai xây dựng vào khoảng 72 tỷ USD. Nếu tính suất đầu tư bình quân 6,5 triệu USD/ha đất công nghiệp thì nhu cầu thu hút vốn đầu tư lấp đầy diện tích còn lại của các KCN của Việt Nam đã được quy hoạch khoảng 600 - 650 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng KCN và lấp đầy các KCN khoảng 670 - 720 tỷ USD.

Ngoài ra, còn phải tính đến nhu cầu vốn đầu tư đổi mới công nghệ của các DN trong KCN, tái cấu trúc và chuyển đổi 293 KCN hiện hữu thành các KCN sinh thái để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

VIPFA được kỳ vọng sẽ là một nhân tố quan trọng đồng hành cùng các DN và các cơ quan quản lý trong việc tìm kiếm các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển các KCN, KKT của Việt Nam theo đúng định hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Đọc thêm