Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G
Việc triển khai 5G được Chính phủ coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 của Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chú trọng phát triển công nghệ 4G/5G, mạng IoT để thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Với 4G, Việt Nam triển khai chậm hơn khoảng 5 năm so với thế giới nên với 5G mục tiêu được đặt ra cao hơn. Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, hoạt động thử nghiệm 5G sẽ diễn ra trong năm 2019 và đến năm 2020 khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ này.
Bên cạnh sự sẵn sàng về công nghệ, băng tần là yếu tố không thể thiếu. Hiện Bộ TT&TT đã quy hoạch và bổ sung băng tần để phát triển 5G và đang thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá băng tần cung cấp cho các doanh nghiệp viễn thông. Đó là một phần băng tần 700MHz và các băng tần 3.500MHz, 26.000MHz.
Về sự sẵn sàng của thiết bị đầu cuối, Qualcomm (Mỹ) vừa ra mắt chip hỗ trợ 5G. Do vậy, khoảng giữa năm 2019, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối toàn cầu có thể đưa ra điện thoại 5G tới người dùng và dự báo tới năm 2023, các dòng smartphone hỗ trợ 5G sẽ trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
VNPT đã sẵn sàng để thử nghiệm
Với mong muốn sẽ tiếp tục là nhà mạng tiên phong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ 5G cho khách hàng giống như đã từng làm đối với các dịch vụ 2G, 3G và 4G, việc nghiên cứu, tiếp cận chuẩn bị cho 5G đã được Tập đoàn VNPT bắt tay vào thực hiện từ khi khái niệm 5G được đưa ra.
Với những đặc điểm khác biệt về cả công nghệ và kiến trúc mạng lưới so với các mạng di động thế hệ trước, để có thể triển khai mạng 5G thành công, cần có một lực lượng R&D mạnh, có thể làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, an toàn). Trong thời gian qua, VNPT đã rất chú trọng đầu tư cho hoạt động R&D và tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn để xây dựng nguồn nhân lực.
Theo định nghĩa và chuẩn hóa của tổ chức chuẩn hóa quốc tế 3GPP, 5G là một hệ sinh thái, hỗ trợ thúc đẩy kết nối vạn vật IoT, M2M thay vì là một công nghệ đơn nhất như trong 2G/3G và 4G. Với tốc độ truyền dẫn có thể đạt từ 10Gbps - 20 Gbps, thực hiện được cả triệu kết nối/km2, độ trễ truyền dẫn cực thấp (1-2 ms)... , mạng 5G có khả năng đáp ứng hầu hết các nhu cầu dịch vụ, giải trí trong cuộc sống cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ.
Mới đây nhất, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ cùng hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; Nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G.
Nokia cũng sẽ thực hiện hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và Cloud. Ngoài ra hai bên cũng sẽ hợp tác về việc chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất về công nghệ /sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD.
Bên cạnh đó, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông trong thời gian qua, VNPT cũng đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
”Hiện VNPT đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đã trình Bộ TT&TT xin được cấp phép thử nghiệm 5G cho mạng VinaPhone. Việc thử nghiệm sẽ được triển khai ngay khi Bộ TT&TT cấp phép” – lãnh đạo VNPT khẳng định. Việc thử nghiệm cũng sẽ là những khâu cuối cùng để VNPT triển khai quy hoạch mạng lưới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.