VNPT xuất sắc giành 2 giải Vàng và Bạc tại lễ trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021 vừa vinh danh các sản phẩm xuất sắc của VNPT với 2 giải Vàng và giải Bạc.
Chủ tịch HĐTV VNPT Tô Dũng Thái nhận giải Vàng Make in Viet Nam 2021 cho các sản phẩm công nghệ số của VNPT do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao. Ảnh: Nguyễn Khánh
Chủ tịch HĐTV VNPT Tô Dũng Thái nhận giải Vàng Make in Viet Nam 2021 cho các sản phẩm công nghệ số của VNPT do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao. Ảnh: Nguyễn Khánh

Chiều 11/12, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra Lễ công bố và trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021.

Giải thưởng năm nay 4 hạng mục được trao, gồm: Thu hẹp khoảng cách số; Giải pháp số xuất sắc; Sản phẩm số xuất sắc; Nền tảng số xuất sắc.

Dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn cùng với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao giải Vàng cho các sản phẩm xuất sắc nhất. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vinh dự nhận giải Vàng thuộc hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc với sản phẩm Bộ thiết bị Mesh wifi VNPT; và giải Bạc hạng mục Giải pháp số xuất sắc với sản phẩm Trung tâm điều hành thông minh IOC.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 năm 2021, với chủ đề “Nền tảng định danh danh tính số- yếu tố nền tảng xây dựng quốc gia số”, VNPT đã thực sự mang đến Diễn đàn một tham luận mang tính thời sự. Trong đó khẳng định vai trò của danh tính số trong chuyển đổi số quốc gia, những vấn đề cần cân nhắc, giải quyết cũng như các đề xuất VNPT để xây dựng nền tảng định danh danh tính số Việt Nam.

Nền kinh tế số không thể thiếu định danh danh tính số

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy, ngành công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ đã khiến bùng nổ nhiều nhu cầu định danh danh tính số trên môi trường mạng. Tham luận của lãnh đạo VNPT chỉ rõ, đã có 45.006.709 hồ sơ được đồng bộ lên cổng quốc gia (số liệu được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia tháng 3/2021).

Tương tự, số lượng tài khoản mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng từ 2020 – 2025 dự kiến đạt trung bình 400.000 tài khoản/ tháng, có ít nhất 778.011 danh tính/ tháng cần được xác thực thông tin tín dụng và quy mô bảo hiểm dự kiến tốc độ tăng trưởng tương đương 3,5% GDP vào năm 2025. Định danh trong lĩnh vực viễn thông ghi nhận số thuê bao “khủng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Khánh

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 134,6 triệu thuê bao, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi đó, thống kê năm 2020 lượng người truy cập mua sắm thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng truy cập khoảng 3,5 triệu lượt/ ngày cho các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Từ nhu cầu thực tế này, có thể thấy rõ định danh danh tính số là cơ sở của các giao dịch số. Định danh số trong ngân hàng chính là hiểu về khách hàng, đăng ký thông tin danh tính và xác minh, xác thực các giao dịch thanh toán online. Trong viễn thông, định danh số chính là đăng ký SIM, thuê bao di động trực tuyến, 3G, 4G và đăng ký, xác thực tài khoản Mobile Money.

Định danh số cũng có ý nghĩa đặc biệt cho người dân với chính quyền trong đăng ký và xác minh danh tính công dân, tiện ích thanh toán hóa đơn, kiểm soát truy cập, bảo vệ an ninh, xác thực các giao dịch dịch vụ công trực tuyến. Và dĩ nhiên, định danh số còn mang lại nhiều giá trị xác thực trên các lĩnh vực bán lẻ, giao thông vận tải, giáo dục, nguồn nhân lực, y tế, chăm sóc sức khỏe…

Đây cũng chính là yếu tố quan trọng phục vụ quá trình xây dựng Chính phủ số và kinh tế số. Thế nên, chuyển đổi số quốc gia tất yếu phải có định danh số. Bởi lẽ, nếu không có định danh số, chắc chắn sẽ không có nền kinh tế số. Và tất nhiên là định danh quốc gia và chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ không thành công.

VNPT đẩy mạnh xây dựng nền tảng định danh danh tính số Việt Nam

Và để chuyển đổi số thành công,Việt Nam cần sớm hoàn thiện nền định danh danh tính trên cơ sở giải quyết các vướng mắc hiện tại như tồn tại nhiều hệ thống xác thực, định danh điện tử riêng lẻ, nảy sinh nhiều vấn đề trong cơ sở dữ liệu khi công dân có 2 chứng minh nhân dân, căn cước công dân, phát sinh các dịch vụ công liên quan.

Đồng thời nhanh chóng lựa chọn mô hình, công nghệ định danh danh tính số phù hợp. Theo VNPT, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quy trình cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chip là bước đầu quan trọng cho nền tảng định danh danh tính số.

Đại biểu tham quan gian hàng của VNPT tại Diễn đàn.

Từ đó, VNPT đề xuất Bộ Công an sớm dự thảo và trình Chính phủ ban hành nghị định định danh và xác thực điện tử, là cơ sở để sớm nghiên cứu và triển khai dự án xây dựng nền tảng định danh danh tính số của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số của Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an cùng phối hợp và cho phép các nhà cung cấp chữ ký số được phép xác minh danh tính của công dân hoàn toàn trực tuyến thông qua việc đối chiếu dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với các đề xuất xây dựng thành công nền định danh số quốc gia, VNPT đồng thời khẳng định kinh nghiệm triển khai nhiều hệ thống/giải pháp định danh cá nhân: Hệ thống định danh và xác thực điện tử VnConnect (Cổng dịch vụ công Quốc gia); Hệ thống định danh và xác thực điện tử Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các hệ thống SSO cho Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Sóc Trăng, Kon Tum…

Hiện, VNPT đang triển khai các hệ thống định danh điện tử VNPT eKYC, BioID cho các khách hàng ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam, tiêu biểu có: MB Bank, Vietcombank, HDBank, SHB… Đáng chú ý, nền tảng eKYC đang phục vụ mỗi ngày từ 500 nghìn đến 1 triệu giao dịch trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...

Lẽ tất nhiên, trong thời gian tới, các lĩnh vực được áp dụng giải pháp eKYC sẽ kết hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm mục tiêu tạo ra một nền tảng định danh quốc gia và xác thực điện tử hoàn thiện.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Ngô Diên Hy nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng và cấp thiết hàng đầu của công cuộc chuyển đổi số chính là định danh điện tử. Với việc sở hữu tập dữ liệu lớn của riêng người Việt và khả năng OCR (nhận dạng chữ) chính xác cao, VNPT eKYC có thể nhận dạng khách hàng, xác thực giấy tờ, kiểm tra gian lận và hỗ trợ khách hàng thông qua video call.

Đặc biệt có thể cảnh báo các trường hợp bất thường như có dấu hiệu tẩy xóa, mờ, nhòe, bị che thông tin, phát hiện giấy tờ chụp lại qua màn hình máy tính, điện thoại, phát hiện chứng minh nhân dân cắt góc, quá hạn. Việc tích hợp trên nhiều nền tảng, ứng dụng khác của VNPT giúp sản phẩm có ưu thế nổi bật về tối độ xử lý tức thời và đảm bảo an toàn thông tin.

Hơn thế, VNPT eKYC là sản phẩm ứng dụng công nghệ lõi, là cơ sở để VNPT và các đối tác công nghệ liên kết nghiên cứu giải pháp mới, giúp tích hợp và phát triển chuỗi các giải pháp tổng thể.

Sự ra đời của nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC là minh chứng rõ ràng về năng lực sáng tạo, khả năng nắm bắt xu hướng và làm chủ Công nghệ của Tập đoàn VNPT. Đây là một trong những nền tảng số Make in Vietnam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Đọc thêm