Bi kịch hôn nhân chóng vánh
Hơn 4 tháng trôi qua, dù TAND huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tuyên hai đứa con sẽ ở với chị Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1988, ngụ KP3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) nhưng phía gia đình chồng là anh Trương Minh Hồ (SN 1981, ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) quyết không thi hành án. Nhiều lần đến thăm con bị đuổi ra đường, chị Hiền tìm đến đội thi hành án yêu cầu can thiệp nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Theo lời chị Hiền, vợ chồng vốn làm chung công ty may mặc ở Đồng Nai nên quen biết. Dù chưa mấy hiểu rõ về nhau nhưng bạn bè gán ghép mãi, chị Hiền dần xiêu lòng chấp nhận lời cầu hôn. Từ lúc quen biết cho đến khi tổ chức đám cưới chỉ vài tháng.
Nhắc lại quá khứ, chị Hiền thừa nhận bi kịch hôn nhân bản thân do bản thân và chồng chưa hiểu rõ tính cách của nhau. Quá vồ vập đi tới quyết định sống chung với nhau.
Sau đúng 1 năm tổ chức đám cưới, chị Hiền và chồng bắt đầu xảy ra những bất đồng: “Trước đó cho tới thời gian mang thai đứa con đầu lòng, chúng tôi rất hạnh phúc. Nhưng đến khi hay tin tôi mang bầu đứa con gái thứ hai, anh ta liền thay đổi ngay. Suốt ngày nhậu nhẹt, cờ bạc, chẳng thèm đoái hoài đến gia đình”.
Chị Hiền trình bày, do chồng mình là con trai duy nhất trong gia đình, cần có con trai nối dõi. Do vậy khi biết tin chị có thêm bé gái thứ hai, phái gia đình chồng đã tìm cách gây mâu thuẫn khiến vợ chồng chị ly hôn.
Tuy nhiên chồng chị phản bác rằng lý do vợ chồng mâu thuẫn không phải do chuyện sinh con trai, con gái: “Tính cách cô ấy rất khó chịu, mới cưới nhau về được mấy ngày đã sống không hợp với mẹ tôi rồi. Vì thương vợ, tôi phải đi ở rể cho yên chuyện. Mỗi tháng tôi đi làm về đều đưa hết tiền cho vợ, có tiêu xài gì đâu”.
Theo lời kể chị Hiền, mâu thuẫn gia đình bắt đầu từ tháng 11/2013 bởi những lý do cỏn con. Khi đó anh nhiều lần trở về nhà mẹ ăn nhậu, đánh bài, không chu cấp tiền cho chị mua sữa nuôi con. Mẹ chồng chị còn thúc giục vợ chồng con trai sớm ly hôn.
Phần anh, trong một lần nói khéo với vợ chở con về nhà bố mẹ ruột chơi, đã giữ luôn bé Trương Nguyễn Minh Nguyệt (SN 2012) đến nay. Sau khi “bắt” con, anh chị sống ly thân. Nhiều lần người vợ đến tận nhà chồng đòi lại con đều không được. Ngày 21/1/2014, các ban ngành đoàn thể xã Tân Bình có mặt hòa giải cũng bất thành.
Biên bản làm việc có đoạn: “Trong quá trình đoàn làm việc, bà Nguyễn Thị Viên (mẹ chồng chị Hiền) đã cho con út bế cháu Nguyệt đi ra ngoài. Chúng tôi đã đi tìm và yêu cầu bà đưa cháu bé về nhưng bà trả lời con trai bế cháu đi chơi và không chịu trả”. Chị Hiền cho rằng, do lo sợ tổ hoà giải buộc phải trả lại cháu bé cho chị bởi vào thời điểm này bé Nguyệt chỉ mới 20 tháng tuổi, cần sự chăm sóc của người mẹ nên mẹ chồng cố ý giấu đứa trẻ.
Bức xúc vì gia đình bên chồng hắt hủi, chị Hiền đưa đơn ly hôn lên toà. Ngày 11/4/2014, toà án mở phiên toà xét xử, nhận thấy chị Hiền đủ điều kiện nuôi hai đứa con, đồng thời cả hai còn quá nhỏ cần mẹ chăm sóc nên toà đã chấp nhận yêu cầu nuôi con của chị, chồng không phải hỗ trợ nuôi con.
Tưởng chừng bi kịch cuộc tình chóng vánh chấm dứt tại đây, nhưng không. Đằng sau phán quyết của toà án là “cuộc chiến” giành nuôi con chưa hồi kết
Căng thẳng “cuộc chiến” giành con
Dù tòa đã ra phán quyết chính thức nhưng phía gia đình chồng cũ cương quyết không chịu giao trả bé Nguyệt về với mẹ. Nhiều lần chị Hiền xuống đòi con đều không thấy cháu bé đâu.
Thậm chí gia đình chồng cũ còn cấm chị bước vào nhà: “Mày không còn gì trong nhà này nữa, đến đây làm gì. Cháu tao, tao nuôi không có ai dám vào đây bắt cả”, chị Hiền thuật lại lời mẹ chồng mắng chửi mình. Trước sự cương quyết của gia đình chồng, chị Hiền đã cầu cứu các cơ quan chức năng. Chỉ trong 4 tháng, chị đến gõ cửa chi cục thi hành án huyện Vĩnh Cửu đến 10 lần. Đội thi hành án cũng nhiều lần đến nhà giải thích, yêu cầu trao trả cháu Nguyệt theo đúng quyết định của tòa án nhưng không thành.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chồng chị Hiền cương quyết không giao con gái cho vợ cũ. Anh nói: “Con cái ai chẳng thương, nhưng tại sao cô ấy dành toàn quyền nuôi con, còn tôi không được nuôi. Tôi cũng có nhà cửa, công việc ổn định. Cô ấy nuôi đứa nhỏ, tôi sẽ nuôi đứa lớn. Dù ai có đến đi nữa tôi quyết không giao con đâu”.
Anh này “tố ngược” chị Hiền nhiều lần xúc phạm đến mẹ chồng, nhân cách không đàng hoàng. Đấy cũng chính là lí do khiến hạnh phúc tan vỡ chứ không hề có chuyện trọng nam khinh nữ như lời vợ cũ trình bày.
Thậm chí người chồng cung cấp thêm, gần đây chị Hiên gọi điện yêu cầu vợ chồng quay trở lại sống chung như xưa. Nhưng anh đề nghị muốn quay lại, đích thân chị Hiền phải đến xin lỗi mẹ ruột mình và họ hàng vì trước đó đã có xúc phạm.
Trong khi chị Hiền bức xúc kể, nhiều lần đến thăm con bị chồng cùng họ hàng xông đến lôi kéo, xô đẩy ra đường không thương tiếc: “Dù tôi van xin họ cho phép vào thăm con một lần nhưng họ cương quyết không chịu. Có lần, mẹ chồng còn nói với con tôi “mẹ mày chết rồi””.
Vẫn lời người phụ nữ này, chị cho biết không muốn con mình ở nhà mẹ chồng vì bên đó có ông nội dượng (bà Viên có hai đời chồng, chồng cũ chị là con chồng trước) sẽ ảnh hưởng tâm lý cháu bé về sau.
Trở lại hoàn cảnh vợ chồng chị Hiền, cả hai dường như xuôi theo dự định quay về với nhau. Nhưng bà Viên cương quyết không chấp nhận: “Mày mà rước nó về lần nữa, tao chết cho mày coi”, bà này đe con trai.
Câu chuyện giành giật con cái sau ly hôn không mới lạ và tất nhiên những đứa trẻ sẽ gánh chịu nhiều thiệt thòi do bố mẹ gây nên. Có chăng, câu chuyện trên là một bài học cho những cặp vợ chồng trước khi quyết định “đường ai nấy đi”./.