Đang có sự nhầm lẫn giữa lỗi và tội?
Theo TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, trước đây khi xã hội Việt Nam mình còn nhiều ám ảnh phong kiến nặng nề thì bất kỳ chuyện gì liên quan đến nhu cầu sinh lý của con người đều là xấu. Thế mới có chuyện là vợ chồng hẳn hoi mà nhiều người chẳng dám cầm tay, ôm nhau ngoài đường, nhiều đôi trai gái chưa vợ, chưa chồng hẳn hoi mà ngủ với nhau, bị bắt giải lên chính quyền với tội danh hủ hóa. Nhưng bây giờ, quan niệm xã hội đã thay đổi nhiều rồi…
“Quan niệm xã hội đã thay đổi nhiều rồi” mà TS Nguyễn Văn Cừ nói đến chính là câu chuyện thay đổi từ trong luật pháp. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, việc mua, bán dâm không bị coi là phạm pháp hình sự mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp mua dâm đối với người chưa thành niên bị xử lý về tội “mua dâm người chưa thành niên” theo Điều 256 Bộ luật Hình sự.
Ở góc độ pháp luật hôn nhân gia đình, người mua dâm dù là người đang có gia đình đi chăng nữa thì hành vi đó cũng không cấu thành tội, vì theo luật, chỉ có hành vi kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người khác mới phạm luật. Mà người mua dâm và người bán dâm ít khi rơi vào tình huống đó.
Xét một cách thấu đáo hơn nữa, hành vi mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính. Và từ đó, cũng không thể coi hành vi mua dâm là nghiêm trọng hơn so với những hành vi vi phạm hành chính khác như: đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí thô sơ,…để áp dụng thêm biện pháp công khai danh tính của người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục sau khi đã bị xử phạt bằng tiền.
Nếu áp dụng như vậy thì các hành vi vi phạm hành chính khác cũng cần thiết phải công khai danh tính đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Có làm được như vậy thì mới bảo đảm tính công bằng trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính.
Còn ở góc độ nhân văn, con người, theo TS Nguyễn Văn Cừ, chuyện thỏa mãn nhu cầu sinh lý là rất bình thường của con người, nếu không muốn nói nó cũng nằm trong phạm trù quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người mà hầu hết pháp luật các quốc gia trên thế giới đều khẳng định trong Hiến pháp của mình, thế nên chuyện nâng nó lên thành vấn đề đạo đức không phải lúc nào cũng là cần thiết và phù hợp.
“Không nên dùng pháp luật làm phương tiện (dù khách quan hay chủ quan) để đánh đồng một hiện tượng mua dâm của cá nhân thành vấn đề đạo đức của một con người, gia đình, dòng họ. Với người Việt Nam mình, câu chuyện điều tiếng là rất nặng nề. Đặt ở vị trí là người bị công khai danh tính, liệu sau chuyện đó họ có còn đủ dũng cảm để đi làm, để làm chồng, làm cha trong gia đình? Còn người thân của họ nữa, sẽ bị xã hội nói gì khi là bố, là mẹ, là vợ, là con, là anh chị em của người mua dâm bị công khai danh tính?” – TS Cừ nhấn mạnh.
Cân nhắc thận trọng, nếu không chính luật định lại phạm luật
Một vấn đề nữa khiến TS Cừ lo ngại là liệu việc công khai danh tính của cá nhân này có phạm luật hay nặng hơn là vi hiến hay không, bởi danh tính của mỗi người cũng chính là bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Khi và chỉ khi có được sự đồng ý của bản thân người đó mới được phép công bố, trừ trường hợp người đó phạm tội rõ ràng theo luật định (ví dụ như lệnh truy nã), nhưng mua dâm như đã nói ở trên đâu phải là hành vi phạm tội.
“Tôi không phản đối chuyện Nhà nước phòng, chống mại dâm, nhưng phòng chống như thế nào cho hiệu quả là cả vấn đề cần phải tính toán thật kỹ càng. Nên chăng, theo tôi thay vì công khai danh tính người mua dâm gây phản ứng trái chiều trong xã hội thì hãy xử phạt nặng người mua dâm để khiến họ ý thức được những hệ lụy mà họ đem đến với gia đình, xã hội, điều này sẽ tác động tích cực đến việc ngăn chặn những hành vi mua bán dâm. Còn chuyện công khai danh tính người mua dâm thì nên cân nhắc thận trọng, nếu không chính bản thân quy định đó sẽ vi phạm pháp luật” – TS Nguyễn Văn Cừ kết luận.