Vụ kiện mang tính bước ngoặt
Việc một tòa án ở Trung Quốc mới đây chấp nhận đơn kiện của một nông dân chống lại 2 công ty thép và cơ quan quản lý môi trường ở địa phương được đánh giá là bước ngoặt trong tiến trình tố tụng về môi trường ở Trung Quốc.
Nguyên đơn trong vụ việc là ông Feng Jun, 50 tuổi, sống ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc. Trong suốt 9 năm qua, ông Feng đằng đẵng theo đuổi vụ kiện chống lại 2 công ty thép ở Langfang Shenhua và Hebei Dachang Jinming - 2 công ty bị cáo buộc đã đổ hàng tấn chất thải độc hại xuống sông Baoqiu, chảy qua ngôi làng Xiadian nơi ông Feng sinh sống.
Theo tạp chí Caixin, hành trình đi kiện của người nông dân này bắt đầu vào năm 2006, khi đứa con gái đầu mới 16 tuổi của ông được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Cô bé đã qua đời chỉ 1 năm sau đó. Cũng trong năm này, đứa con gái thứ 2 của ông, khi đó mới 12 tuổi, cũng được chẩn đoán mắc một dạng ít nguy hiểm hơn. Cho đến nay, cô bé này vẫn đang được điều trị.
Năm 2008, ông Feng đâm đơn kiện đầu tiên, yêu cầu 2 công ty thép nói trên bồi thường 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 145.000 USD) tiền chi phí chữa bệnh cho các con gái với lý do 2 đứa trẻ đã bị bệnh do uống phải nước ô nhiễm.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện Dachang và Tòa án nhân dân Langfang cùng trong năm đó lần lượt bác bỏ đơn kiện của ông với lý do ông không cung cấp đủ những bằng chứng phù hợp để chứng minh sự liên quan của 2 công ty trên tới bệnh tật của con gái ông.
Sở dĩ, quyết định mới nhất của tòa được nhận định mang tính chất bước ngoặt trong các vụ kiện về môi trường ở Trung Quốc vì nó được cho sẽ là câu trả lời cho câu hỏi: liệu các công dân có thể kiện cơ quan quản lý về môi trường của chính quyền về việc lơ là hay cố ý trong việc thực thi nhiệm vụ theo các quy định trong Luật đánh giá tác động môi trường có hiệu lực từ năm 2003 hay không.
Hiện nay, Luật thủ tục hành chính của Trung Quốc quy định các nguyên đơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một quyết định của chính quyền có thể kiện cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm ra tòa án trong vòng 5 năm sau khi quyết định của chính quyền được công bố.
Quy định như vậy được đánh giá là một trở ngại đối với những nông dân như ông Feng và hàng trăm người khác đang sống ở những ngôi làng được gọi là làng ung thư ở Trung Quốc khi họ chỉ đâm đơn kiện giới chức địa phương thiếu trách nhiệm trong việc giám sát khi có thành viên trong gia đình bị bệnh nặng sau khi đã tiếp xúc với những nguồn độc hại gây ô nhiễm trong nhiều năm liền.
Ngoài ra, việc kiện tụng của những người dân ở Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại khi buộc phải chứng minh được mối tương quan giữa việc tiếp xúc với các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật nghiêm trọng bởi các bác sỹ thường lo sợ khi phải ra làm chứng chống lại những công ty gây ô nhiễm lớn.
Trong một số trường hợp, những phòng thí nghiệm kiểm tra ô nhiễm do các cơ quan địa phương quản lý cũng bị tố cáo cố tình che giấu những dữ liệu về ô nhiễm để trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho việc xác minh của các cơ quan thuộc chính phủ.
Nỗi ám ảnh
Tháng 11/2013, một bé gái 8 tuổi ở tỉnh Giang Tô đã trở thành người trẻ nhất ở Trung Quốc được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Các bác sỹ khi đó do dự trong việc khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư của bé gái nhưng cũng nói rằng bệnh của bé nhiều khả năng là do tiếp xúc lâu dài với các hạt không khí trong khí thải của xe cộ gây ra.
Việc một đứa trẻ ở tuổi như vậy mắc ung thư phổi đã một lần nữa dấy lên những tranh cãi về những tổn thất về người do chính sách tăng trưởng bằng mọi giá được áp dụng ở nhiều nơi tại Trung Quốc trong những năm vừa qua.
|
Một quả đồi chứa đầy chất thải phóng xạ trong quá trình sản xuất phân bón do một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc thải ra. |
Cũng trong năm 2013 đó, đối mặt với áp lực từ người dân, giới chức Trung Quốc thừa nhận những “làng” ung thư tồn tại ở nước này. “Trung Quốc đã sản xuất và sử dụng nhiều sản phẩm hóa chất độc hại. Ở nhiều nơi đã xảy ra tình trạng khủng hoảng nước uống và tình trạng ô nhiễm đã dẫn tới những vấn đề xã hội nghiêm trọng như sự nổi lên của những ngôi làng ung thư”, một văn bản do giới chức Trung Quốc công bố ở thời điểm đó thừa nhận.
Cụm từ “làng ung thư” lần đầu tiên được Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc sử dụng vào năm 1998, nhiều năm sau khi bầu trời và những con sông, kênh, rạch ở nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Một số ước tính cho biết rằng 70% sông và hồ ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm, khiến nước sông không an toàn cho con người sử dụng. Nhưng, sau đó, vấn đề này không mấy được chú ý cho đến năm 2013. Các chuyên gia ở thời điểm đó ước tính trên khắp Trung Quốc có khoảng 450 ngôi làng ung thư.
Gánh nặng đáng kể
Trong suốt hơn 30 năm qua, với việc thực thi các quy định lỏng lẻo về môi trường, công nghiệp hóa dựa vào than đá và sự gia tăng số xe hơi, tỉ lệ tử vong do ung thư ở Trung Quốc cũng đã tăng đến khoảng 30%.
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm tại Trung Quốc có đến 2,2 triệu người tử vong vì ung thư, trong đó ung thư phổi chiếm số lượng nhiều nhất. Từ năm 2010 đến nay, ung thư luôn nằm trong nhóm những tác nhân gây tử vong hàng đầu tại Trung Quốc. Số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy trong năm 2016 cho nước này đã ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp mắc ung thư mới, trong đó có khoảng 45.000 trường hợp là trẻ em dưới 14 tuổi.
Ung thư không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người mà còn khiến chi phí chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc tăng cao đáng kể. Theo tổ chức tư vấn Boston, chi phí cho chăm sóc sức khỏe tại Trung Quốc có thể tăng gấp 4 lần, lên thành 12,7 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,84 nghìn tỉ USD) vào năm 2025.
Ngoài ra, tình hình ô nhiễm còn được cho là đưa đến một đe dọa về an ninh quốc gia của Trung Quốc khi một số người lo ngại rằng làn sương, khói dày đặc ở nước này có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các hệ thống giám sát, khiến Trung Quốc dễ bị tấn công khủng bố hay bị tội phạm tấn công hơn.
Dù Trung Quốc thời gian qua đã cam kết thực thi các biện pháp để cắt giảm khí thải và các nguồn gây ô nhiễm ở nước này nhưng nhiều người lo ngại rằng việc thực thi sẽ vẫn không hề dễ dàng. Bởi lẽ, giới chức ở nhiều địa phương vốn phải chịu trách nhiệm về giám sát mức độ phát thải khí hay chất thải gây ô nhiễm cũng phụ thuộc vào nguồn thuế từ những nhà máy gây ô nhiễm nên còn ngần ngại trong việc thực thi mạnh mẽ các quy định.
Ông Deng Fei – làm việc cho một tạp chí của Hong Kong – cho biết ông đã phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao bất thường ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, trong đó chủ yếu là ở các khu vực nông thôn có nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp.
“Trung Quốc đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực của những mô hình tăng trưởng không phù hợp và sẽ còn tiếp tục phải trả giá cho tình trạng ô nhiễm nặng trong thời gian tới” – ông nói.