Vốn Agribank “bén rễ” đất Phú Hòa

Ở huyện Phú Hòa (Phú Yên), nhiều hộ dân thường gọi những khoản tiền vay thông qua tổ vay vốn theo Nghị quyết liên tịch (NQLT) 2308 giữa Ngân hàng NN & PTNT (Agribank) chi nhánh huyện Phú Hòa với Hội Nông dân là “vốn 2308”. Số vốn mà người dân vay của ngân hàng tuy chưa lớn nhưng đã giúp hàng ngàn nông dân có việc làm, vươn lên khá - giàu.

Ở huyện Phú Hòa (Phú Yên), nhiều hộ dân thường gọi những khoản tiền vay thông qua tổ vay vốn theo Nghị quyết liên tịch (NQLT) 2308 giữa Ngân hàng NN & PTNT (Agribank) chi nhánh huyện Phú Hòa với Hội Nông dân là “vốn 2308”. Số vốn mà người dân vay của ngân hàng tuy chưa lớn nhưng đã giúp hàng ngàn nông dân có việc làm, vươn lên khá - giàu.

Xã Hòa Hội, địa phương khó khăn nhất của huyện Phú Hòa, giờ đã thay da đổi thịt. Cách đây bốn năm, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này chiếm đến 20%. Việc đầu tư vốn theo NQLT giữa Agribank và Hội Nông dân huyện giống như “chiếc phao” giúp những nông dân khát vốn phát triển kinh tế, vượt qua đói nghèo. Các tổ vay vốn ở thôn, buôn được thành lập. Đến nay, 3 thôn, buôn của xã đã thành lập được 5 tổ vay vốn với phần đông số hộ tham gia.

“Khoản tiền mà người dân vay của ngân hàng không phải là lớn, chỉ 10 - 15 triệu đồng/hộ, đủ để mua cây, con giống nhưng hiệu quả mang lại rất lớn. Có vốn, diện tích vườn tạp dần được loại bỏ, thay vào đó là những ruộng mía cao sản cho năng suất 40-60 tấn/ha, triền cỏ làm thức ăn cho bò. Với giá 800 -900 nghìn đồng/tấn mía cây như hiện nay, 1ha mía nông dân có thể thu lãi 30 triệu đồng. Một con bê chỉ sau một năm chăm sóc cũng có thể thu về vài triệu đồng”, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội Nguyễn Văn Tĩnh cho biết.

Gia đình ông Lê Văn Thanh ở thôn Phong Hậu G (xã Hòa Hội) là khách hàng quen thuộc của Agribank Phú Hòa từ 7 năm nay. Trước đây, hộ ông Thanh thuộc diện nghèo. Năm 2003, thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, ông vay 5 triệu đồng mua một con bò cái và một con bê. Với số vốn “lận lưng” ít ỏi này, sau mấy năm cần cù lao động, không chỉ xây được ngôi nhà mới khang trang, ông Thanh đã gây dựng đàn bò của mình lên 8 con. “Tất cả là nhờ vốn ngân hàng. Đến bây giờ tôi không nhớ mình đã vay vốn của Agribank bao nhiêu lần, chỉ biết vay đến đâu đầu tư chăn nuôi đến đấy, khi có lãi thì trả vốn. Hiện tôi còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng. Với giá bò hiện nay, đàn bò này không dưới 100 triệu đồng”, ông Thanh phấn khởi nói.

Ông Tĩnh cho biết thêm, lâu nay vốn để giải quyết việc làm cho nông dân xã Hòa Hội là vấn đề “nóng” của địa phương. Từ kênh 2308, và mới đây là Nghị định 41, Agribank Phú Hòa đã đầu tư cho nông dân Hòa Hội trên 7 tỉ đồng, hàng trăm hộ dân đã vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn này đã góp phần xóa được hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%.

Agribank Phú Hòa đã cho 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện vay 120 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào chăn nuôi bò, heo sinh sản, trồng rừng... trên 80 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Lê ở thôn Đông Bình, xã Hòa An cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của Agribank mà gia đình tôi có điều kiện mở rộng diện tích trồng hoa màu phục vụ Tết. Từ việc trồng hoa, gia đình có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ban đầu chỉ dám vay 5 triệu đồng vì sợ vay nhiều làm ăn không hiệu quả không có khả năng trả nợ, nhưng nay đã là khách hàng quen thuộc của ngân hàng rồi”. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, Lê Kim Thãi hồ hởi cho biết: “Với phương thức vay thông qua tổ, nguồn vốn của Agribank thực sự là “cần câu cơm” của nông dân trên địa bàn, nhất là những hộ không có tài sản thế chấp”.

Để bà con sử dụng vốn đúng mục đích, Agribank Phú Hòa thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tư vấn cho bà con phương pháp tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao. Ông Mai Trọng Hùng, Giám đốc Agribank Phú Hòa cho biết, hiện chi nhánh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện thành lập 209 tổ vay vốn, với gần 5.500 hội viên nông dân. Việc cho vay vốn thông qua Hội Nông dân là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp bà con dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng.

Qua đó Agribank cũng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tín dụng, nắm bắt được nhu cầu của nông dân. ông Thãi cho biết thêm: “Lâu nay việc đa dạng nguồn vốn đầu tư phục vụ nông dân phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong số các nguồn vốn được đầu tư thì vốn của Agribank mang lại hiệu quả nhất. Nếu không có nguồn vốn này thì hàng ngàn hội viên ở Phú Hòa không biết xoay xở như thế nào để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình”.

Yên Bình

Đọc thêm