Bởi Minh Long khó khăn thế, nên sau nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, đến đầu năm 2011, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung tìm hướng đi căn cơ giải bài toán giảm nghèo cho nhân dân. Từ đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc và việc phối hợp các nguồn lực từ Chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ qua NHCSXH, đã làm cho đất với người vùng núi cao thức dậy.
Gia đình anh Đinh Văn Kiên (thôn Mai Lãnh Trung, xã Long Mai, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) nhờ “lực đẩy” từ vốn chính sách đã thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, giờ đã có hơn chục con trâu bò, trồng được 8ha keo, kinh tế gia đình đã được cải thiện đáng kể, vươn lên bền vững |
“Trước đây đời sống của bà con trên địa bàn huyện nhiều khó khăn, nghèo đói, thiếu vốn sản xuất. Từ khi NHCSXH ra đời, phối hợp giữa ngân hàng với chính quyền xã, thôn trong thực hiện tín dụng chính sách đã làm nhận thức bà con đi lên. Thông qua sinh hoạt tổ, bà con có điều kiện nâng cao kiến thức, từ đó nâng cao nhận thức. Chính vì thế, nguồn vốn vay chính sách được bà con sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả” – ông Hồ Văn Nghĩa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Long – cho biết.
Đưa chúng tôi thăm những cánh rừng keo xanh ngút ngàn bao bọc các sườn đồi, ông Đinh Ê Hoàng - Chủ tịch UBND xã Thanh An, xã vùng 3 của huyện Minh Long - hồ hởi nói: Hiện tại khoảng 89% số hộ ở 14 thôn trong xã đã vay vốn của NHCSXH huyện trên 15 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào phát triển kinh tế đồi rừng. Đáng chú ý, nhiều gia đình đã lồng ghép tốt đồng vốn vay với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lập vườn ươm cây giống, mở rộng diện tích khai hoang trồng rừng nguyên liệu, tạo nguồn thu nhập mỗi năm 70-80 triệu đồng.
Gia đình chị Đinh Thị Sóc (dân tộc Hre, ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An) trước đây cuộc sống rất khó khăn. Thế rồi, được sự động viên của cán bộ phụ nữ địa phương cùng sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi trồng 10 nghìn cây keo lai, nuôi 2 cặp trâu sinh sản làm cho có cuộc sống đủ đầy, tươi vui, vừa trả hết nợ vay ngân hàng, vừa dành dụm mua xe ô tô bán tải để vận chuyển giống má, phân bón vào mùa trồng rừng.
“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh An xác định từ ban đầu vay vốn phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả để trả cho Nhà nước. Vì thế, bà con không còn tâm lý vay vốn theo phong trào, mà tính toán rất kỹ lưỡng nuôi trồng gì rồi mới vay vốn NHCSXH” – ông Hoàng cho biết. Ví như, Chương trình 30a hỗ trợ bà con 01 con bò, bà con sẵn sàng vay vốn chính sách mua thêm 1 con bò nữa, để “tận dụng sức lao động, đỡ lãng phí”. Hoặc bà con tính toán cẩn thận khi vay vốn các chương trình cải thiện nhà ở và các chương trình khác có cùng mục đích (nước sạch, vệ sinh môi trường…) để nâng cao hiệu quả đồng vốn.
Góp phần quan trọng vào phát triển, đổi thay vùng quê nghèo Minh Long, nguồn vốn ưu đãi đang mỗi ngày được cán bộ nhân viên NHCSXH Minh Long cùng các hội đoàn thể nhận ủy thác, các tổ Tiết kiệm và vay vốn chuyển tải đến đúng địa chỉ người thụ hưởng, giúp hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tự vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Năm 2018, doanh số cho vay của NHCSXH Quảng Ngãi đạt xấp xỉ 900 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tín dụng ưu đãi trong 16 năm qua đạt 3.120 tỷ đồng với 97 ngàn hộ vay, bình quân mỗi hộ có dư nợ 32 triệu đồng. Ông Lê Viết Chữ - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - cho rằng: “Cùng với các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành động lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới”.