Vốn cho năng lượng tái tạo: Khó cho doanh nghiệp lẫn ngân hàng

(PLVN) - Là lĩnh vực được đánh giá tiềm năng nhưng bên cạnh khó khăn về cơ chế, chính sách thì vốn cho các dự án năng lượng tái tạo đang là bài toán khó giải cho cả doanh nghiệp và ngân hàng… 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp khó đáp ứng vốn tự có

Tại Tọa đàm “Góp ý cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT)” diễn ra mới đây, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho biết, vốn là vấn đề DN luôn luôn phải tính đến. Ông Tân cho rằng, mức lãi vay từ 10-11,5%/năm tương ứng với thời hạn hoàn vốn đầu tư lớn hơn 10 năm, không khuyến khích được các nhà đầu tư nội tham gia phát triển dự án điện mặt trời. Trong khi đó, đây sẽ là lợi thế với các NĐT nước ngoài hoặc DN có thể vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp.

Theo ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Tập đoàn HBRE, tỷ lệ các dự án NLTT đi vào vận hành hiện chỉ đạt khoảng 32% đối với điện mặt trời và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch. “Con số này đã nói lên thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu!”- ông Tín phát biểu.

Theo DN này, một trong những khó khăn mà các dự án NLTT gặp phải là việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước do các ngân hàng không đủ hạn mức cho vay. Bên cạnh đó, việc các NHTM yêu cầu tỷ lệ vốn tự có cao theo quy định (từ 30-40%) đã gây nhiều khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho dự án. Trong khi đó, việc vay vốn từ ngân hàng nước ngoài, mặc dù lãi suất thấp (khoảng 4-5%) nhưng nhà đầu tư nội khó tiếp cận được do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ. 

DN này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các NHTM cho phép các DN đầu tư vào lĩnh vực NLTT được giảm yêu cầu về vốn tự có xuống còn 15-20%, giảm lãi suất cho vay dưới 8% và ưu tiên nguồn vốn dành riêng cho đầu tư NLTT, đặc biệt là điện gió…

Ngân hàng vướng giới hạn an toàn

Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - một trong những ngân hàng tiên phong cấp tín dụng cho dự án điện gió, điện mặt trời cho biết, ước tính sơ bộ, MB tài trợ tín dụng cho các dự án cung cấp khoảng 15% tổng quy mô công suất phát điện mặt trời; khoảng 12% công suất phát điện gió trên cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định cho vay MB gặp một số khó khăn vướng mắc như: Các dự án điện NLTT có thời gian vay vốn rất dài, từ 10-15 năm nên các ngân hàng bị vướng các giới hạn an toàn, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn… “Việc này làm giảm quy mô vốn của ngân hàng có thể cấp tín dụng cho lĩnh vực NLTT; Cùng với đó, rủi ro về giải tỏa công suất và từ chối mua điện trên PPA làm cho ngân hàng rất khó thẩm định hiệu quả dự án” - ông Ánh chia sẻ.

Ngoài ra, nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương, các DN triển khai dự án thường là DN mới được thành lập tại các địa phương nên năng lực tài chính chỉ có vốn tự có. Việc thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai và năng lực đầu tư của khách hàng là khó khăn; Các dự án NLTT được định nghĩa là dự án tài trợ chuyên biệt nên hệ số rủi ro RWA được đánh giá ở mức 160% là mức khá cao và hạn chế nguồn vốn cấp tín dụng cho lĩnh vực này.

Cùng với đó, Nghị định 81/2020-NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu DN ra đời, các dự án NLTT cơ bản không phát hành được trái phiếu, do quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi nhu cầu vốn là liên tục…

Cần đa dạng nguồn vốn!

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tồn tại lớn nhất hiện nay là nguồn vốn tài trợ các dự án NLTT chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Về phía các NHTM, hiện chưa có định hướng cụ thể cho tài trợ phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua định hướng tín dụng xanh, trong đó tỷ trọng dư nợ NLTT còn khá thấp (chiếm khoảng 17% so với dư nợ nông nghiệp xanh chiếm 45% tổng dư nợ xanh).

Mặt khác, NHTM cũng gặp hạn chế về nguồn vốn trung dài hạn do chủ yếu huy động ngắn hạn từ dân cư, trong khi cơ quan quản lý ngày càng quan tâm kiểm soát rủi ro thanh khoản của các NHTM (giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn). Bản thân các NHTM còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đánh giá rủi ro dự án NLTT do lĩnh vực này còn mới, trong khi các quy định về hỗ trợ NLTT còn chưa thực sự rõ ràng và nhất quán; và chủ đầu tư cũng còn thiếu kinh nghiệm, còn đầu tư theo tâm lý phong trào và chưa bài bản, còn hiện tượng lách luật.

Để tháo gỡ khó khăn, theo chuyên gia này, cần phải đa dạng nguồn vốn cho NLTT như: Tranh thủ nguồn vốn xã hội hoá; Tìm kiếm nguồn lực tài trợ, vốn ODA; Phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư: Vốn ngân sách; Đặc biệt là nâng cao vai trò của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDP) trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có NLTT hiện còn khá mờ nhạt…

Đọc thêm