“Không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”
Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị đánh giá, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến hết tháng 11/2023, ước giải ngân đạt gần 461 nghìn tỷ (65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022... Các Bộ, ngành, địa phương đã phân tích nguyên nhân đạt được, bài học kinh nghiệm, nhất là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân và thực hiện đầu tư công chưa đạt mong muốn; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được; đồng thời phê bình nghiêm khắc các Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Cụ thể, có 21/52 bộ, cơ quan Trung ương và 30/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 16,2 nghìn tỷ đồng. Có 43 Bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng). Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.
Đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình
|
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, để không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy. Ảnh VNG. |
Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫn tới dự án kéo dài, đội vốn, lãng phí. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi, tăng cường hậu kiểm. Hoàn thiện chế tài để có công cụ hiệu quả hơn trong xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, nhằm đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Thủ tướng nêu rõ, xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do vậy, cần tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...