Thành quả ấn tượng về giảm nghèo
Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đến nay, toàn tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch nhiều mục tiêu Chương trình giảm nghèo bền vững: xây dựng 113 mô hình, dự án giảm nghèo đạt 205% chỉ tiêu kế hoạch, giảm 3,78% hộ nghèo, trong 3 năm qua bình quân mỗi năm giảm 1,26%, vượt so với kế hoạch đề ra, hỗ trợ hơn 2.500 hộ nghèo về nhà ở.
Những thành quả của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này có được là nhờ việc triển khai hiệu quả những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó việc thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
|
Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thái Nguyên họp bàn thực hiện nhiệm vụ cuối năm 2024. |
Điểm nổi bật trong thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40 ở tỉnh Thái Nguyên là công tác tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách, được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành, đoàn thể... trong việc huy động các nguồn lực, nguồn vốn tín dụng chính sách để phục vụ cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững được tăng cường, chủ yếu từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi được huy động, sử dụng cơ bản đúng mục đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Quang Thịnh cho biết, điểm thuận lợi nhất trong nhiều năm liền, lãnh đạo địa phương luôn dành sự quan tâm cho công tác giảm nghèo cũng như thống nhất quan điểm về vai trò, ví trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Ngay từ những năm tháng đầu thực hiện Nghị định 78 và Chỉ thị 40 đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến mọi hoạt động của tín dụng chính sách.
Cùng với đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH.
Tính đến ngày 31/10/2024 nguồn vốn ngân sách địa phương là 255.730 triệu đồng tăng thêm 45.773 triệu đồng so với 31/12/2023 góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Thái Nguyên lên 4.920.656 triệu đồng, tăng 268.093 triệu đồng so với cuối năm ngoái.
"Đòn bẩy" giúp người dân thoát nghèo
Thông qua 177 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 2.628 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng các hội đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, xã... NHCSXH Thái Nguyên đã tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo của tỉnh tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi.
|
Cán bộ NHCSXH thăm hộ sử dụng vốn chính sách chế biến chè hiệu quả ở huyện Đồng Hỷ Thái Nguyên. |
Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, bà Bùi Thị Sen cho biết, việc đưa Chỉ thị 40 của Đảng về tín dụng chính sách vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của đoàn thể, của toàn thể cán bộ; nguồn vốn chính sách ở Võ Nhai không những tăng trưởng nhanh mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Tại huyện Định Hóa, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã sử dụng đồng vốn chính sách xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: chăn nuôi trâu bò sinh sản, gà thả vườn đồi, thâm canh vườn chè sạch…qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu gia đình chị Nông Thị Thảo, xóm Khang Thượng, xã Bình Yên khởi đầu từ 50 triệu đồng vay vốn chính sách, nay sở hữu mô hình 5 sào chè sạch, 4 con bò giống, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thực hiện ước vọng thoát cảnh nghèo túng, làm nhà mới vững chắc.
Hay như gia đình anh Dương Văn Chuyền, ở xóm Hin, xã Yên Đỗ, huyện Phú Lương là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Trước đây, thu nhập của gia đình anh dựa vào cấy lúa và chè là chính, nhưng do diện tích đất nông nghiệp hạn chế nên đời sống gặp không ít khó khăn. Năm 2020, anh Chuyền mạnh dạn mở xưởng xẻ gỗ có diện tích trên 200m2 để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài xã.
Sau khi thoát nghèo năm 2021, gia đình anh được NHCSXH giải ngân nguồn vốn 100 triệu đồng cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Với số tiền đó, anh Chuyền mua thêm 1 máy xẻ và đầu tư mở rộng kho bãi. Hiện thu nhập của xưởng xẻ đạt từ 50-70 triệu đồng/tháng.
“Nhờ có nguồn vốn này mà xưởng xẻ của gia đình tôi giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng”, anh Chuyền phấn khởi nói.
|
Hiệu quả vốn chính sách trong phát triển kinh tế ở miền trung du Thái Nguyên. |
Không riêng gia đình anh Chuyền, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo tại xã Yên Đổ đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển kinh tế. Đến nay, dư nợ trên địa bàn xã còn trên 30 tỷ đồng, với trên 700 hộ vay vốn.
Vốn tín dụng chính sách đã thực sự là “bà đỡ” giúp hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn thực hiện khát vọng thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Qua 22 năm triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ, nhất là sau 10 năm đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống, nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân; giúp hơn 300.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH.
Trong đó, có 112,834 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, 10.482 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 29.178 lao động có việc làm ổn định, 895 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 192.434 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 2.070 căn nhà cho hộ nghèo, 371 căn nhà ở xã hội và 39.283 lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 39/CT/TW của Ban Bí thư (khóa 13) về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn mới vừa ban hành 30/10/2024, nhằm góp phần tích cực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo vì an sinh và công bằng xã hội.