Chuyến đi của cuộc đời
|
Nghi lễ chia tay theo thủ tục của ngành Hàng hải mà Hải quân vùng IV thực hiện chia tay đoàn công tác đến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (Ảnh: P.M) |
Còn Thượng sỹ Trần Kim Vương - một trong những học viên đang thực tập trên tàu HQ571, lần đầu tiên theo tàu thực hiện nhiệm vụ và nhiều anh em khác, mắt sáng ngời hướng về điểm đảo xa trong nắng sớm. Vương cho biết: “Đối với em và nhiều học viên thực tập khác, đến với Trường Sa là niềm tự hào, gắn liền với thử thách đầu đời trong nghề. Ra Trường Sa em càng thêm yêu biển, đảo quê mình. Em sẽ cố gắng phấn đấu để rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của một người chiến sỹ”.
Tiếng còi tàu hú vang, từng đợt sóng vỗ đập vào thành tàu tung bọt trắng xóa khiến lòng tôi chợt sao xuyến lạ. Cả đoàn công tác với hơn 220 người đổ xô lên boong tàu để ngắm, chụp hình và quay những thước phim quý giá làm kỷ niệm...
Lặng ngồi trên boong thượng của tàu, có thể nhìn thấy xa xa, vài chiếc thuyền câu bằng gỗ hay những con tàu sắt nhỏ nhoi của dân chài tung lưới tìm những mẻ cá. Thấp thoáng những con tàu đồ sộ nặng nề chở hàng trăm container xuôi ngược tấp nập trên biển Đông.
Đêm đến, những ánh sao tinh nghịch lấp lánh trên cao như soi rọi cho con tàu tìm hướng. Gió mơn man mang hương vị mặn mòi, phảng phất vị tanh tanh nồng nồng của cá, của muối từ dưới lòng biển cả sâu thẳm. Sóng vẫn vỗ ì ầm bên mạn tàu, sủi bọt nước trắng xóa lờ mờ trong đêm đen. Xa xa, thấp thoáng những ngọn đèn biển hay những chuyến tàu đánh cá của ngư dân thong thả ngược xuôi, hay hòn đảo nhỏ nhoi cô đơn nào đó? .Tất cả đều lung linh như một thành phố trên biển.
Bình minh. Hiệu lệnh phát trên loa con tàu lúc 5h sáng: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức. Hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu. Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Phía chân trời, những tia sáng bình minh, những vầng đỏ của mặt trời khiến một vùng biển Đông rực rỡ…
Máu xương làm dấu mốc biên cương
|
Đảo chìm Cô Lin dần hiện lên trong màu nắng sớm (Ảnh: P.M) |
Sau 2 ngày, 2 đêm lênh đênh trên biển, vượt hơn 300 hải lý, cuối cùng chúng tôi cũng thấy hòn đảo đầu tiên trong chuỗi hải trình thăm quần đảo Trường Sa thiêng liêng của tổ quốc – đảo chìm (đá) Cô Lin. Trước khi đến Cô Lin, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện bi tráng về các chiến sỹ hải quân đã chiến đấu và anh dũng hi sinh tại vùng biển này. Trong cụm đảo này - nơi có một nghĩa trang xanh của nhiều thế hệ người Việt Nam đã hiến dâng đời mình cho biển đảo quê hương. Trong đó có 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988.
Gọi là nghĩa trang xanh, bởi tất cả các liệt sỹ nằm tại vùng biển này đều rất trẻ, tuổi đời 19 đôi mươi. Mộ của các liệt sỹ không có bia tưởng niệm, không có phần đất mà chỉ là những ngọn sóng bạc đầu, lúc nổi lên dữ dội, lúc hiền hòa lặng lẽ...
Từ đá Cô Lin quay mặt về hướng đảo Sinh Tồn, đá Gạc Ma nằm bên phải cách hơn 3 hải lý. Qua ống kính máy ảnh, Gạc Ma thân thương vẫn nổi trên thềm san hô xanh ngắt giữa trời, khiến tim quặn thắt...
|
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh trên quần đảo Trường Sa tại khu vực đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma. (Ảnh: P.M) |
|
Các thành viên đoàn công tác tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh trên quần đảo Trường Sa tại khu vực đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma. (Ảnh: P.M) |
Đúng 6h, đoàn công tác thành kính dâng lên anh linh các Anh hùng liệt sỹ những vòng hoa và tâm hương để tưởng nhớ công lao của các anh. Trong giây phút thiêng liêng ấy, Trung tá Lê Văn Tặng – Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cục chính trị Hải quân đọc lời tri ân, tưởng niệm về những giờ phút cam go, khoảnh khắc những người chiến sỹ ngã xuống...
Từ mái tóc bạc phơ đến mái đầu xanh; từ những người vào sinh ra tử qua hai cuộc kháng chiến đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính đều không cầm nổi nước mắt khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ.
Những nhành hoa cúc vàng, những cánh hạc trắng giữa ngàn khơi như thay lời tri ân của chúng tôi gửi tới các liệt sỹ đã anh dũng hi sinh trong trận chiến này. Cầu mong linh hồn các anh bình yên vĩnh hằng trong lòng biển mẹ.
|
Vòng hoa tri ân tới các anh hùng hy sinh tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: P.M) |
|
Những nhành hoa cúc vàng thay cho lời tri ân của đoàn công tác gửi tới các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: P.M) |
Lặng lẽ trên một góc của boong tàu, hướng đôi mắt về phía Gạc Ma – nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cũng là nơi mà 64 người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đang còn nằm lại giữa biển khơi, Đại tá Trần Minh Thuần – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 – Vùng IV Hải quân nghẹn lòng, đã nhiều lần đến với Trường Sa, nhưng có lẽ lần nào đặt chân tới đây ông cũng mang nhiều cảm xúc, nhất là khi nhìn về phía Gạc Ma, nơi mà vẫn còn những người đồng chí, đồng đội của ông vẫn còn nằm lại.
“Ba mươi năm qua, chưa khi nào người lính Hải quân chúng tôi quên được nỗi đau này. Da thịt và xương máu của đồng đội tôi ở đó – ngày nào chúng tôi cũng nhìn về phía đảo Gạc Ma, vừa để quan sát mặt biển, vừa nêu cao tinh thần cảnh giác. Gạc Ma nhắc nhở chúng ta phải đoàn kết và mạnh lên”, ông nói.
Ba mươi năm đã trôi qua, nghĩa trang xanh với 64 linh hồn liệt sỹ vẫn nằm tận biển sâu. Máu đào và xương cốt của các anh hòa vào biển cả. Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào đi chăng nữa thì sự hi sinh kiên cường ấy vẫn mãi là bản hùng ca bất tử.
Bản hùng ca ấy đang được thế hệ những người lính Trường Sa tiếp bước, tuổi trẻ cả nước noi gương, được nhân dân trên mọi miền Tổ quốc...