Về chuyện giải ngân, gửi ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá, công tác quản lý, sử dụng nguồn thu còn hạn chế, chưa hiệu quả và đầu tư công đạt thấp.
Qua kiểm toán cho thấy nhiều địa phương chưa điều chỉnh kịp thời đơn giá cho thuê đất, có địa phương chưa ký hợp đồng cho thuê đất đối với một số trường hợp đã được cấp phép khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên nhưng chưa được cấp phép. Cho thuê khai thác nước cũng thế.
KTNN đề cập nhiều đến tình trạng giải ngân chậm chạp thời gian qua. Cơ quan này nhận xét: Nhiều báo cáo dự toán của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ. Một số bộ, cơ quan trung ương đều ước số thực hiện chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt 100% dự toán giao tuy nhiên, KTNN khẳng định là “không có tính khả thi”.
Đất nước đang còn nhiều khó khăn. Nợ công dù giảm vẫn lên đến hơn 3,2 triệu tỷ đồng, áp lực trả nợ đang ngày càng lớn lên. Nhưng tiền làm ra vẫn không đủ để trả nợ, nên Chính phủ vẫn phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Đáng chú ý, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ; bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết 2017 là 86.339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau...
Điều đáng lưu ý nữa là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi. Thu ngân sách vẫn thấp hơn số chi ngân sách. Cho nên, để có tiền trả nợ, Chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Điều này được thể hiện rõ nét tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018. Do thu ngân sách năm 2019 dự kiến vẫn thấp hơn chi ngân sách 222 nghìn tỷ đồng, nên Chính phủ vẫn phải vay nợ thêm để bù đắp cho phần “chi nhiều hơn thu” này.
Nói như thế để thấy “vòng luẩn quẩn” vẫn là: thất thoát nguồn thu, nợ thuế cực lớn (tính đến ngày 30/9/2019, tổng số nợ thuế nội địa khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2018) – chi nhiều hơn thu – lãng phí vốn.
Đây là yếu kém của công tác quản trị, kỷ cương của nền tài chính quốc gia. Không thể để kéo dài mãi tình trạng này!