Cũng cần nhắc lại rằng, hành vi phạm tội này đã được phát hiện từ năm 2015, sau nhiều lần hoãn thì mới được đưa ra xét xử. Một danh sách gồm 80 cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông do các bị cáo đưa hối lộ khai ra nhưng chỉ 1 người trong số đó bị truy cứu tội Môi giới hối lộ mà thôi.
Dư luận đã cực kỳ bức xúc trước việc bỏ lọt tội phạm cũng như sự phi lý rất rõ ràng của việc xét xử vụ án này, coi đó là sự "đùa giỡn pháp luật" bởi căn cứ không xét đến những người trong bản danh sách kia vì họ "không thừa nhận mình nhận hối lộ" mà HĐXX phiên phúc thẩm cho rằng "không điều tra triệt để" dẫn tới việc để lọt người, lọt tội.
Như vậy, sự thật đã bị phơi bày thì giấu giếm, bao che cũng vô ích. Sự công tâm, minh bạch của HĐXX không những được dư luận đồng tình, ủng hộ mà động thái này đã làm cho việc tiệm cận công lý trở nên hiện thực, mang lại niềm tin pháp luật cho nhiều người. Nếu những người nhận hối lộ không bị xử lý thì không ai còn tin vào sự nghiêm minh pháp luật nữa.
Những diễn biến trong phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Hà Giang cũng cho thấy sự tiệm cận công lý khó khăn như thế nào khi ranh giới đưa nhận tiền để "cảm ơn" hoặc "bồi dưỡng" bị xóa nhòa với hành vi đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ để trục lợi. Hoặc, có người nhắn tin nhờ vả nâng điểm (không phải xem điểm) mà vẫn "lọt lưới" kỷ luật. Vậy công minh và công bằng ở đâu?
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN và đang có những chuyển biến hết sức tích cực trong cải cách tư pháp, đặc biệt là ở Tòa án, nhiều khuất tất đã bị phơi bày tại công đường xét xử được nhìn nhận để con đường tiệm cận công lý gần hơn./.