Là người bào chữa cho bị cáo trong vụ án trộm cắp tài sản này, đắn đo mãi tôi mới viết về vụ án, những mong là một lời cảnh tỉnh nhằm phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm quyền sở hữu tài sản; và vụ án còn là một minh chứng điển hình về cái vòng luẩn quẩn: Thất học, nghèo, đông con…
19 tuổi đã làm mẹ của 3 đứa con
Cùng sinh ra lớn lên ở một vùng quê bên con sông Cái Lớn thuộc một xã của huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, gia cảnh của vợ chồng Nguyễn Thị Mai, Hoàng Văn Thuân có những điểm khá tương đồng về mọi mặt. Bên nhà Mai hoàn cảnh hộ cận nghèo lại đông con, có tới tận 4 người. Cha mất sớm, cả nhà Mai đều mưu sinh bằng nghề làm thuê, gắng gượng mãi Mai mới qua nổi lớp 5 trường làng.
Còn Thuân không biết chữ, gia đình cũng khó khăn không kém, 4 anh em cùng cảnh mồ cô cả cha lẫn mẹ, quanh năm làm mướn sống qua ngày.
Thuân sinh năm 1988, Mai sinh năm 1997. Họ còn rất trẻ nhưng đã có tới 3 mặt con. Lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2016. Như vậy, suy ra thì đây là trường hợp gọi là tảo hôn, Mai sinh con đầu lòng năm chưa tròn 15 tuổi, đến 19 tuổi đã làm mẹ của 3 đứa con. Thất học, đông con, nghèo, đôi vợ chồng trẻ bị cuốn vào vòng xoay cơm, áo, gạo, tiền; đẩy họ đi vào con đường tù tội.
Cuối năm 2019, do bị “khủng bố” về mặt tinh thần của một số đối tượng cho vay lãi nặng, vợ chồng Mai rủ nhau đi trộm tài sản để lấy tiền trả nợ. Vào một đêm tối trời cuối tháng 5/2020, sau khi cơm nước cho các con xong, Thuân chở Mai chạy theo tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Đến cầu Kênh Mười Quang, cặp đôi rẽ trái vào lộ bê tông thì phát hiện phía trước nhà một người dân có nhiều xe máy không có người trông giữ. Mai ở ngoài cảnh giới, còn Thuân đi vào dắt một chiếc xe tay ga Honda Air Blade màu đỏ không khóa cổ ra ngoài.
Mai ngồi lên bẻ lái xe vừa trộm, còn Thuân thì chạy xe đẩy phía sau, đi được khoảng 2 km thì giấu vào bụi chuối ven đường vì lo sợ bị lộ. Đến khoảng 23h cùng ngày, cả hai đi lấy xe, chạy đẩy đến địa bàn huyện Châu Thành, đến sáng ra thay ổ khóa mới để đem đi tiêu thụ. Lần này nơi tiêu thụ là tiệm cầm đồ, nhưng cũng là lần cuối cùng trong chuỗi trộm xe của vợ chồng Mai - Thuân.
Nghịch cảnh vợ chồng “thay nhau” đi tù
Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Mai còn khai ra 6 vụ trộm xe máy (6 chiếc) ở huyện An Biên từ cuối 2019 đến tháng 5/2020 và 1 vụ trộm (1 chiếc) xe máy ở huyện Châu Thành cũng vào thời điểm tháng 5/2020. Phương thức thực hiện, thủ đoạn tương tự. Mai cảnh giới, Thuân lấy xe, nếu có chìa khóa ở trên ổ thì Mai hoặc Thuân chạy, còn không có chìa khóa thì Mai ngồi bẻ lái, Thuân chạy xe đẩy đằng sau.
Đem được xe về nhà, Thuân rút dây mát, có xe lắp bảng số giả, xịt sơn thay đổi màu xe,…nhằm che giấu hành vi phạm pháp. Về nơi tiêu thụ, vợ chồng Mai thường bán cho những tiệm mua bán xe cũ hoặc cho những người không quen biết, không rõ địa chỉ với giá rẻ để lấy tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ.
Thuân bị bắt tạm giam để đảm bảo công tác điều tra, truy tố và xét xử, còn Mai thì được tại ngoại vì con còn nhỏ không có người chăm sóc. Quá trình giải quyết vụ án, do Mai là thành viên hộ cận nghèo nên được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang cử Trợ giúp viên pháp lý bào chữa miễn phí. Thuân do không cùng hộ khẩu nên tự mình bào chữa.
Vợ chồng Mai bị VKSND huyện An Minh, An Biên, Châu Thành truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Sau đó, TAND các huyện này lần lượt đưa ra xét xử về cùng một tội danh.
Tại các phiên tòa, Trợ giúp viên đã đưa ra được nhiều tình tiết giảm nhẹ, với lập luận chặt chẽ, thuyết phục nên hầu hết các bị hại đều đồng loạt xin giảm nhẹ hình phạt cho Mai, đồng thời đồng ý giảm bớt khoản tiền bồi thường khắc phục hậu quả.
Tổng hợp cả 3 bản án, Thuân phải chịu mức án 4 năm tù, còn Mai được giảm xuống mức thấp nhất, chưa bằng một nửa hình phạt so với chồng của mình - 1 năm 6 tháng 10 ngày tù.
Không chỉ bào chữa, Trợ giúp viên còn làm thủ tục, hướng dẫn, giúp đỡ Mai tạm được hoãn chấp hành hình phạt tù để có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc các con nhỏ cho đến khi Thuân ra tù thay Mai nuôi dưỡng các con.
Vụ án khép lại, nhưng bài học thì vẫn còn mãi trong câu chuyện có liên quan đến hôn nhân và gia đình, lựa chọn con đường mưu sinh không chân chính.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Ths. Bùi Đức Độ
Tổng hợp cả 3 bản án, Thuân phải chịu mức án 4 năm tù, còn Mai được giảm xuống mức thấp nhất, chưa bằng một nửa hình phạt so với chồng của mình - 1 năm 6 tháng 10 ngày tù. Mai được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù để có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc các con nhỏ cho đến khi Thuân ra tù thay Mai nuôi dưỡng các con.