Vòng xoáy kim tiền và lỗi lầm hoa hậu

(PLO) - Phía sau mỗi nhan sắc, không phải ai cũng giữ được vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy khi lao vào lốc xoáy của kim tiền.
Lần đầu tiên hoa hậu Việt Nam đương kim bị truất quyền đồng hành và trao vương miện
Lần đầu tiên hoa hậu Việt Nam đương kim bị truất quyền đồng hành và trao vương miện

Truất quyền trao vương miện

Cách đây ít lâu, hoa hậu 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên bị bắt gặp hút thuốc trong một quán cà phê. Sự việc trên nhanh chóng bị đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo ra hình ảnh xấu trong dư luận.

Sau một thời gian điều tra, BTC nhận được bản cam đoan của hoa hậu Kỳ Duyên, trong đó cô nhận lỗi về việc đã hút thuốc ở nơi công cộng và có tụ tập bạn bè ở quán rượu, nhưng không say rượu. Ngoài ra, Kỳ Duyên phủ nhận các tin đồn thổi khác.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Hoa hậu Việt Nam và cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Hệ quả là, Kỳ Duyên sẽ không xuất hiện trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Hình ảnh Kỳ Duyên sẽ không được sử dụng tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 và cô sẽ không được đồng hành trong các sự kiện sắp tới của cuộc thi. 

Điều này đồng nghĩa với việc Kỳ Duyên với tư cách đương kim hoa hậu, sẽ không được trao lại vương miện cho người đẹp kế nhiệm cô. Tuy nhiên, BTC cuộc thi vẫn chưa có thông báo về việc ai sẽ thay thế Kỳ Duyên tại đêm chung kết sắc đẹp tới. Ngoài ra, Kỳ Duyên cũng bị khiển trách và phải chấn chỉnh hành vi, lối sống của mình, cải thiện hình ảnh trước công chúng.  

Và “đấu trường” nhan sắc

Chưa có một con số thống kê chính xác, nhưng mỗi năm ở Việt Nam thường có hàng trăm cuộc thi sắc đẹp từ quy mô quốc gia, cấp khu vực, đến cấp tỉnh, thành phố, cấp trường... Đấy là chưa kể đến các cuộc thi “ao làng” được tổ chức ở hải ngoại mà nhiều người đẹp Việt mong đến đó tìm kiếm danh hiệu. Cùng với đó là hàng vạn cô gái vẫn đang mơ sở hữu những vương miện sắc đẹp. Chính bởi thế mà thi sắc đẹp luôn là cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Trưởng BTC, ban giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam và Quốc tế đã thẳng thắn thừa nhận: “Trong một cuộc thi, cạnh tranh có mặt tốt vì các thí sinh phấn đấu luyện tập cho tốt, cố gắng phát huy những khả năng của mình, để thể hiện mình một cách tốt nhất, nhưng cũng có những sự cạnh tranh không lành mạnh, như thư nặc danh, tin nhắn tố cáo, thậm chí tôi còn nghe nói cả chuyện chơi xấu “đối thủ” ở hậu trường như cắt trang phục...”. 

Theo tiết lộ của nhà thơ Dương Kỳ Anh, ở các vòng chung kết, BTC cuộc thi Hoa hậu Tiền Phong (sau này là Hoa hậu Việt Nam) thường nhận hàng trăm thư nặc danh viết bằng văn bản, tin nhắn vào số điện thoại của các thành viên ban tổ chức.

Tuy nhiên, các thư nặc danh không phải không có căn cứ. Năm 2012, Vương Thu Phương được dự đoán lọt vào Top 5 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Tuy nhiên, ngay trước giờ G đêm chung kết, BTC nhận thư nặc danh tố cáo ứng viên Hoa hậu này từng tổ chức đám cưới với một nhiếp ảnh gia dù chưa đăng ký kết hôn.

Rồi, người đẹp M. bị loại vì đã sinh con còn uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng rất may chỉ bị hôn mê vài giờ… Và năm 2014, cuộc thi vẫn không tránh khỏi lùm xùm. Ngay trước thềm chung kết, ban tổ chức đã nhận được hai lá đơn xin tự nguyện rút khỏi cuộc thi của thí sinh Phạm Mỹ Linh và Huỳnh Thị Thùy Vân.

Tuy nhiên, sự thật phía sau những lá đơn xin rút ấy thì hầu như ai cũng biết. Trước đó không lâu, Ban tổ chức đã nhận được một số bức thư nặc danh tố cáo thí sinh Phạm Mỹ Linh đã từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và độn cằm.

Đành rằng, mong muốn cậy nhờ sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ để đạt đến sự hoàn hảo của ngoại hình dường như đang trở thành một trào lưu được các bạn trẻ nữ ưa chuộng. Điều đó không có gì xấu bởi ý thích và quyền cá nhân của mỗi người.

Tuy nhiên, với một cuộc thi mà vẻ đẹp tự nhiên được đặt lên hàng đầu thì việc làm đó bị xem như phạm quy. Chỉ trong các vòng sơ khảo và chung khảo khu vực của cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam 2014”, khâu kiểm tra nhân trắc học đã phát hiện và loại ra hơn 10 trường hợp có can thiệp thẩm mỹ. Như vậy, việc các thí sinh tham gia vi phạm quy chế khi những quy định trong cuộc thi đã rất rõ ràng ngay từ đầu cho thấy khát vọng chinh phục danh hiệu đã trở thành tham vọng trong lòng các bạn trẻ. 

Tại cuộc thi “Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014”, thí sinh đoạt giải hình thể đẹp nhất đã không ngần ngại vứt danh hiệu của mình vào sọt rác và đưa ra những lời tố cáo Ban tổ chức gạ gẫm mua giải thưởng, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà trả lại vương miện với lý do cô đưa ra là bị Ban tổ chức o ép, lợi dụng sức lao động… 

Và hoa hậu… “bóc lịch”

Hoa hậu Quý bà thành đạt 2009 Trương Thị Tuyết Nga phải đứng trước vành móng ngựa, bị Viện Kiểm sát đề nghị truy tố về “hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các nạn nhân” và bị Tòa án tuyên phạt 15 năm bóc lịch. Gần đây nhất, chuyện người đẹp Hoàng Hải Yến bị bắt vì tham gia vào một đường dây mại dâm đã đánh thêm một vết lem vào bức tranh bản đồ nhan sắc Việt.

Dường như trong cuộc sống hào nhoáng của showbiz, tiền bạc là con dao hai lưỡi vừa mang lại hạnh phúc, thành công nhưng cũng đè bẹp quý bà, quý cô với những đắng cay bẽ bàng. Đành rằng hoa hậu thì cũng là người, với tất cả những khát khao phù hoa, hạnh phúc. Nhưng chiếc vương miện chỉ thực sự đẹp khi chủ nhân của nó ngoài dung nhan là một tâm hồn thánh thiện. Và điều gì cũng có điểm dừng của nó, lòng tham vô đáy, những vết nhơ sẽ rất khó xóa nhòa, khi vết trượt đã quá dài và muộn mằn…

Làm hoa hậu mà không giữ hình ảnh người phụ nữ đẹp, lại dùng tri thức và vị thế sắc đẹp đánh đổi lấy những năm tháng bóc lịch thì có đáng hay không? Nhan sắc nào rồi cũng sẽ qua đi. Vẻ đẹp hình thể chỉ là nước sơn hào nhoáng rất dễ tróc bẩn, chỉ có vẻ đẹp phẩm hạnh mới vĩnh cửu bền lâu.

Là người đẹp được phong tặng vương miện phải giữ gìn hình ảnh không chỉ cho bản thân mình, mà lớn hơn, đó là cái đẹp, là hình ảnh được tôn vinh của cộng đồng, xã hội, lớn hơn là quốc gia, dân tộc... Xin hãy để những tham, sân, si ở lại phía sau./.