Vụ 194 phố Huế: “Kháng lệnh” trả nhà, có thể bị xử lý hình sự?

 Cơ quan có thẩm quyền quận Hai Bà Trưng đã cưỡng chế, buộc những người chiếm giữ nhà 194 phố Huế trả lại tài sản cho chủ mới.
Cơ quan có thẩm quyền quận Hai Bà Trưng đã cưỡng chế, buộc những người chiếm giữ nhà 194 phố Huế trả lại tài sản cho chủ mới.

Lực lượng chức năng tại buổi cưỡng chế.

Những vấn đề liên quan đến ngôi nhà 194 phố Huế được Báo PLVN phản ánh trong các số báo gần đây. Ngôi nhà này thuộc sở hữu của ông Đặng Văn Thoán từ mua đấu giá vào tháng 8/2009. Sau gần hai năm trả tiền mua, ngày 7/7/2011, ông Thoán mới được bàn giao nhà. Nhưng việc bàn giao nhà không dễ dàng và cơ quan thi hành án đã phải dùng biện pháp cưỡng chế mới có thể bàn giao được tài sản cho người mua. Tuy nhiên, ông Thoán cũng chỉ quản lý nhà được ít hôm thì chủ cũ của ngôi nhà đã tái chiếm, không cho ông Thoán sử dụng, cải tạo sửa chữa.

Cùng thời điểm này, TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết lại tranh chấp nợ giữa Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam với Cty TNHH Bắc Sơn. Ngôi nhà 194 phố Huế có liên quan đến vụ kiện vì đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Cty Bắc Sơn. Vì thế, Tòa án đã đưa ông Thoán vào tham gia tố tụng với vai trò là người liên quan. Dự kiến, vụ kiện sẽ được đưa ra xử ngày 28/9 tới đây.

Cũng vì lý do ngôi nhà 194 phố Huế “liên quan” đến vụ kiện mà những người chiếm giữ trái phép tài sản này nhất quyết cản trở việc chiếm hữu, sử dụng tài sản của ông Thoán. Vì thế, ông Thoán đã phải kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền quận Hai Bà Trưng, yêu cầu xem xét, xử lý hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của ông.

Với các quy định của pháp luật hiện hành, việc ông Thoán mua và sở hữu nhà là ngay tình, đúng pháp luật. Kể cả khi ngôi nhà 194 phố Huế có liên quan đến vụ kiện mà Tòa án đang giải quyết thì quyền sở hữu của ông Thoán cũng phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Vì thế, ngày 21/9, các cơ quan có thẩm quyền được sự hỗ trợ của Công an quận Hai Bà Trưng đã thi hành biện pháp cưỡng chế những người cản trở ông Thoán sử dụng nhà, bàn giao lại nhà cho ông Thoán.

Theo quan sát của chúng tôi, sáng ngày 21/8, có nhiều người đứng trước cửa ngôi nhà 194 Phố Huế để chuẩn bị “bảo vệ” ngôi nhà trước việc lực lượng chức năng cưỡng chế giao trả lại cho ông Thoán. Khoảng 9 giờ sáng, lực lượng cảnh sát đã yêu cầu tất cả những người không liên quan rời đi chỗ khác để lực lượng thi hành công vụ phá cửa cuốn vốn bị khóa trái phép để ngăn cản việc sử dụng nhà của ông Thoán. Tuy nhiên, có nhiều người không rõ danh tính, trong đó có một phụ nữ có thai đã cản trở việc thi hành công vụ của lực lượng cảnh sát.

Sau nhiều nỗ lực giải tỏa, thậm chí phải tạm giữ cả những người có hành vi chống đối nghiêm trọng, lực lượng cảnh sát đã bảo vệ được các cơ quan chức năng tháo dỡ cửa cuốn trước đây vốn bị khóa chặt để ngăn cản ông Thoán vào và sử dụng ngôi nhà. Khoảng 10 giờ, cánh cửa được mở và chúng tôi quan sát thấy tầng 1 ngôi nhà lộn xộn với nhiều vật liệu và đồ dùng vứt ngổn ngang, một bên cửa kính thủy lực bị bể nát.

Sau khi vào được bên trong ngôi nhà, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hiện trạng ngôi nhà và thực hiện bàn giao tài sản cho chủ sở hữu. Việc cưỡng chế trả lại nhà cho ông Thoán thực hiện xong và không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra đối với lực lượng thi hành công vụ và cả những người cố thủ trước cửa ngôi nhà.

Việc cưỡng chế để bàn giao tài sản cho ông Thoán trong bối cảnh Tòa án đang giải quyết vụ kiện liên quan đến tài sản này cũng làm nhiều người thắc mắc. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng đã làm trái pháp luật. Vấn đề đúng, sai như thế nào, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường để làm rõ hơn bản chất của sự việc.

Thưa Luật sư, quan điểm của ông về việc các cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế để ông Thoán trở lại nhà và quản lý, sử dụng tài sản như thế nào?

- Xuất phát từ việc bảo vệ quyền sở hữu của công dân theo quy định của pháp luật thì đây là một việc làm bình thường, đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền sở hữu, mọi công dân và tổ chức có quyền tự bảo vệ tài sản của mình. Trường hợp bị người khác ngăn cản, cản trở hoặc xâm hại đến quyền sở hữu thì công dân có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền sở hữu của mình. Trường hợp này, ông Thoán bị ngăn cản quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản, không tự mình vào nhà do bị ngăn cản thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp bằng việc yêu cầu tổ chức, cá nhân đang có hành vi xâm phạm quyền sở hữu chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả. Hành vi cản trở quyền sở hữu cũng là một vi phạm hành chính cần phải xử lý và cưỡng chế chấm dứt vi phạm.

Trong khi tòa án đang giải quyết vụ việc liên quan đến ngôi nhà 194 Phố Huế thì việc cơ quan quản lý hành chính thực hiện việc cưỡng chế để trả lại nhà cho ông Thoán có đúng thẩm quyền không, thưa ông?

- Ông Thoán mua trúng đấu giá và được cơ quan thi hành án có thẩm quyền bàn giao theo quy định của pháp luật thì có đủ cơ sở xác định tại thời điểm này, ông Thoán là chủ sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Trước khi Tòa án tuyên bản án mới, quyền sở hữu của ông Thoán được pháp luật bảo vệ. Vì thế, việc Tòa án đang giải quyết vụ việc nhưng có cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu của ông Thoán thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu đối với ông Thoán.

Khi cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của công dân thì cơ quan nhà nước có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và nặng hơn thì có thể xử lý hình sự. Đối với việc xử lý hành chính, UBND có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế khắc phục hậu quả. Theo tôi, việc cưỡng chế này là phù hợp. Trường hợp người chiếm giữ cố tình không trả tài sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh 

Đọc thêm