Viện Kiểm sát: Không thể chấp nhận thực nghiệm điều tra
Ngày 10/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp với những quan điểm bào chữa của các luật sư đưa ra.
Tại phiên tòa, một số luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung vì cho rằng quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra chưa tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định các chiến sỹ công an ngã xuống hố trong hoàn cảnh nào, nguyên nhân tử vong của 3 cán bộ, chiến sỹ công an theo kết luận giám định có ngạt khí CO2, nghi ngờ việc đổ xăng của các bị cáo có gây ra hậu quả chết người hay không, hay còn có nguyên nhân nào khác…
Bị cáo Lê Đình Công nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án. (Nguồn: TTXVN) |
Về nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định ngay sau khi nhận được tin báo xảy ra vụ án, Viện Kiểm sát đã cử kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường để cùng điều tra viên ghi nhận, thu thập dấu vết và xác định diễn biến 3 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh là rõ ràng.
Nội dung bản kết luận giám định đã kết luận nguyên nhân tử vong của 3 cán bộ, chiến sỹ phù hợp với lời nhận tội của bị cáo Lê Đình Chức thừa nhận chọc tuýp sắt tấn công, sau đó 3 chiến sỹ bị rơi xuống hố đã bị đổ xăng thiêu chết một cách dã man.
Hành vi của các bị cáo là đúng với chứng cứ đã được công khai tại phiên tòa. Các bị cáo: Chức, Doanh, Công, Tiến có mặt tại hiện trường thừa nhận và đã khai rất rõ trong quá trình điều tra cũng như trong phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa.
Căn cứ Điều 190 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định việc thực nghiệm điều tra chỉ đặt ra khi thấy cần thiết, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định đề nghị nêu trên của một số luật sư là không cần thiết và không thể chấp nhận.
Các bị cáo cũng đề nghị luật sư không tiếp tục thực hiện bào chữa
Trong phần tranh tụng, một số luật sư đặt câu hỏi về nguồn gốc các clip trình chiếu tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho biết những clip này được lấy từ 2 nguồn: một nguồn công khai do các cơ quan báo chí, phóng viên phỏng vấn và đã công chiếu trên truyền hình cho nhân dân cả nước đều biết, có giá trị chứng minh nên Cơ quan điều tra đã thu thập; một nguồn khác được thực hiện trong quá trình hỏi cung, ghi lời khai của các bị cáo theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có thể ghi âm, ghi hình song song với ghi lời khai trong các bút lục của hồ sơ.
Liên quan đến hành vi của nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Giết người,” đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh tính đồng phạm trong vụ án này.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN. |
Cụ thể, các bị cáo đã tiếp nhận ý chí và thực hiện việc chuẩn bị công cụ, phương tiện từ trước đó rất nhiều ngày và trực tiếp tham gia tấn công lực lượng chức năng.
Đối với nhóm bị cáo này, đại diện Viện Kiểm sát đã phân loại, xem xét các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc khi lượng hình.
Về tội danh và mức hình phạt đối với các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cũng mong Hội đồng xét xử xem xét đề nghị thay đổi tội danh của Viện Kiểm sát cho 19 bị cáo; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét giảm nhẹ hình phạt hơn nữa cho các bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người trót lầm lỡ phạm tội.
Sau khi phiên tòa kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng tại Tòa, trước khi Hội đồng xét xử nghị án.
Nói lời sau cùng, hầu hết các bị cáo đều xin lỗi gia đình của 3 cán bộ, chiến sỹ công an đã hy sinh.
Các bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đồng thời xin Hội đồng xét xử xem xét, quyết định mức án thấp để các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, chăm sóc gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Các bị cáo cũng đề nghị các luật sư không tiếp tục thực hiện bào chữa cho mình nữa.
Các bị cáo bày tỏ ân hận
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đình Công vẫn cho rằng trong quá trình xảy ra vụ án vào đêm 8/1, rạng sáng 9/1/2020, bị cáo không bàn bạc với ai, không giao nhiệm vụ, không chỉ đạo ai thực hiện. Về sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sỹ công an, bị cáo Công nói hoàn toàn không hay biết gì. Sau khi biết, bị cáo vô cùng hối hận.
Bị cáo Lê Đình Công bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, xin chuyển tội danh từ “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ,” hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, của pháp luật.
Bị cáo Lê Đình Chức cũng gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 cán bộ, chiến sỹ đã vì các bị cáo mà hy sinh.
Bị cáo Chức bày tỏ: Cho dù bị cáo được trở về hay không thì lương tâm bị cáo đã được thanh thản phần nào. Bị cáo Chức xin Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, bố bị cáo (Lê Đình Kình) đã mất, con nhỏ mới sinh để tha thứ cho bị cáo.
Chia sẻ nỗi đau với gia đình bị hại, bị cáo Lê Đình Doanh cho biết thời gian qua lương tâm bị cáo đã cắn rứt rất nhiều. Bị cáo đã nhận thức rõ hành vi tội lỗi của mình và xin được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, được trở về, làm công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Lúc 15 giờ ngày 14/9, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.