Vụ án liên quan cựu Bí thư thị ủy Bến Cát (Bình Dương): Ông Nguyễn Hồng Khanh tiếp tục kêu oan

(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương vừa ban hành Kết luận điều tra bổ sung 320/KLĐTBS-CSKT(P4) (KLĐTBS) tiếp tục đề nghị truy tố cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967), cho rằng ông Khanh đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (Phó Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp 1), về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong quá trình xử lý tài sản thế chấp.

Ông Khanh kêu oan từ khi bị khởi tố 8 năm trước, cho đến nay. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)

Lập luận của Cơ quan điều tra

Trước đó, ngày 4/8/2023, VKSND tỉnh trả hồ sơ yêu cầu: Điều tra, làm rõ hành vi của ông Hùng cùng đồng phạm để xác định tội danh và xử lý đúng quy định.

Theo KLĐTBS, ông Khanh biết Cty An Tây của cụ Hồ Thị Hiệp đang nợ BIDV 63,55 tỷ đồng. KLĐTBS cho rằng ông Khanh khi đó là Phó Chủ tịch UBND Bến Cát, được công an báo cáo tình hình hoạt động của DN trên địa bàn, nhận được văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Bến Cát về tổ chức giám sát, kiểm tra, xử lý liên quan tình hình an ninh trật tự tại Cty An Tây.

KLĐTBS cho rằng ông Khanh biết 2 cán bộ ngân hàng làm trái quy trình thủ tục xử lý tài sản thế chấp; được ông Lộc nói việc trả tiền riêng cho cụ Hiệp là trái quy định vì số tiền bán tài sản thế chấp ngân hàng phải thu hết để trả nợ nhưng ông Khanh vẫn thống nhất đưa tiền riêng cho cụ Hiệp. Ông Khanh cùng ông Lộc và cụ Hiệp ký 2 hợp đồng chuyển nhượng với giá chuyển nhượng khác nhau cho cùng 1 tài sản để che giấu việc trả tiền mặt cho cụ Hiệp và để hợp thức hóa hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng.

Kết quả, ông Khanh mua được khoảng 18ha đất là tài sản thế chấp với số tiền 14,3 tỷ đồng (trong đó chuyển vào tài khoản BIDV 10,365 tỷ đồng, trả tiền mặt cho cụ Hiệp 4,388 tỷ đồng). CQĐT cho rằng hành vi trên của ông Khanh là đồng phạm giúp sức cho 2 cán bộ ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản thế chấp.

Với ông Hùng, ông Lộc, KLĐT cho rằng không thực hiện đúng quy trình về xử lý tài sản bảo đảm, không đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm, không lập báo cáo thẩm định giá để xác định được giá thị trường dự kiến, không thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuyên môn để định giá; dù tài sản không đủ trả nợ gốc nhưng vẫn thống nhất về giá để thu hồi nợ. Kết quả giám định tài sản (kết quả này có trước khi bản án bị hủy - NV) BIDV thất thoát 35,4 tỷ đồng.

CQĐT cho rằng BIDV là DN nhà nước, có tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước chi phối 95%; nên hành vi của ông Hùng và ông Lộc là làm thất thoát tài sản nhà nước.

Luật sư cho rằng một số nội dung trong KLĐT chưa hợp lý

Luật sư (LS) Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM, bào chữa cho ông Lộc) cho rằng, tại KLĐTBS, cơ quan CSĐT Công an Bình Dương áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật DN để cho rằng tài sản nhà nước là “vốn có nguồn ngân sách nhà nước và thu nhập khác” là nhầm lẫn, không phù hợp. “Điều 14 quy định với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân chứ không phải quy định với ngân hàng; Đồng thời đây là điều cấm góp vốn, mua cổ phần và thành lập DN để thu lợi; chứ không phải quy định về xử lý tài sản bảo đảm”, LS Thanh nói.

Cũng theo LS Thanh, áp dụng khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về xử lý tài sản bảo đảm, thì cụ Hiệp có quyền tìm kiếm khách hàng để bán tài sản bảo đảm.

Công an Bình Dương đã ra nhiều KLĐT và KLĐTBS về vụ án này.

Theo hồ sơ vụ án, thì khi tìm được khách mua, đã thỏa thuận giá, phương thức thanh toán, cụ Hiệp mới lập tờ trình xin bán đất. Khi nhận được tờ trình, ông Lộc đã có nhiều động thái như tại lần bán thứ 2, đề xuất định giá thẩm tra giá. Phòng khách hàng doanh nghiệp 1 báo cáo giá đất 345 triệu/ha, chuyển sang Phòng quản lý rủi ro. Phòng này đề xuất đăng báo 3 kỳ để tham khảo giá thị trường. Ông Lộc cho đăng 3 kỳ trên Báo Thanh niên nhưng không ai mua nên đồng ý cho cụ Hiệp bán cho ông Khanh với giá 700 triệu/ha.

Lần mua bán thứ 3 và thứ 4, năm 2015, theo kết quả định giá của Cty thẩm định giá, xác định giá đất nông nghiệp là 560 triệu/ha. Ông Khanh mua với giá 700 triệu/ha.

“Như vậy, có tiến hành thẩm tra giá, định giá, chứ không như cáo buộc trong KLĐT là “không đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm, không lập báo cáo thẩm định giá để xác định được giá thị trường dự kiến, không thực hiện thuê tổ chức tư vấn, chuyên môn để định giá””, LS nói.

LS Thanh còn cho rằng, còn có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vì Hội sở BIDV tại Hà Nội và BIDV Tây Sài Gòn nằm ở TP HCM; nên việc xác định thiệt hại trong vụ án này không thuộc thẩm quyền của cơ quan tố tụng Bình Dương.

Về phía ông Khanh, cũng có một số ý kiến không đồng ý với KLĐTBS. “Thứ nhất, việc cá nhân tôi biết Cty An Tây nợ hay không, thì cũng không liên quan, tôi vẫn có quyền mua tài sản thế chấp. Tôi cho rằng KLĐTBS cố tình đưa vào chi tiết này để dư luận có cái nhìn lệch lạc về tôi”.

“Thứ hai, quy trình xử lý tài sản thế chấp là quy trình của BIDV, cán bộ BIDV và người thế chấp, tôi là người đi mua tài sản nên không biết và không có nghĩa vụ phải biết. Cụ Hiệp bán, BIDV đồng ý cho bán, thì tôi có thể mua”.

“Thứ ba, KLĐTBS cho rằng ông Lộc có nói với tôi trả tiền riêng cho cụ Hiệp là sai nhưng tôi vẫn mua; và ký 2 hợp đồng chuyển nhượng với giá khác nhau cho cùng 1 tài sản; là không đúng sự thật khách quan. Tôi đề nghị cung cấp lời khai, bằng chứng về việc này”.

“Tôi cho rằng CQĐT kết luận như trên là làm oan sai cho tôi suốt 8 năm qua. Tôi tiếp tục kêu oan và mong muốn cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật, triệt để với sự việc”, ông Khanh nói.

1 vụ án, nhiều KLĐT

Trong vụ án này, tại KLĐT đầu tiên số 157 ngày 12/3/2019, CQĐT cho rằng hoạt động và tình hình nợ của Cty An Tây đã được công an, phòng ban báo cáo, Chủ tịch UBND Bến Cát có văn bản chỉ đạo và đã được gửi các Phó Chủ tịch (ông Khanh lúc này là Phó Chủ tịch UBND). Ông Khanh liên tiếp mua nhiều lần, có sự đồng ý của ngân hàng và “có sự móc nối giữa ông Khanh với 2 cán bộ ngân hàng”.

KLĐT này có 3 KLĐTBS (3 lần trả hồ sơ), trong đó KLĐTBS lần 3, nêu hành vi đồng phạm giúp sức của ông Khanh là: “Ông Hùng, ông Lộc cho cụ Hiệp nhận một phần tiền mặt là không đúng. Việc làm này được ông Khanh biết thể hiện qua hợp đồng 3 bên”. “Ông Khanh thống nhất ký hợp đồng 3 bên thể hiện mua đất bằng giá thanh toán qua tài khoản ngân hàng để ngân hàng đưa vào hồ sơ”.

Sau khi án bị hủy, CQĐT ra KLĐT thứ 2 cho rằng ông Khanh được ông Lộc nói rõ việc đồng ý cho cụ Hiệp nhận tiền mặt là trái quy định nhưng ông Khanh vẫn mua vì mục đích tư lợi là mua được giá rẻ. KLĐT này có 3 bản KLĐT bổ sung.

Ông Khanh nói: “Như vậy, cả 2 lần điều tra, CQĐT đều kết luận như nhau về hành vi của tôi. Lần KLĐT trước đây, TAND cấp cao đã nhận định kết luận như thế là không có căn cứ buộc tội. Nay công an vẫn giữ nguyên kết luận thì có vững chắc hay chưa? Có thực hiện đúng yêu cầu của TAND cấp cao tại bản án phúc thẩm hay chưa?”.

Đọc thêm