“Sao lại tự ý cho Bộ luật Hình sự có... hiệu lực hồi tố”?
Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng từ hồ sơ, lời khai tại tòa xác định ông Hùng là người chỉ đạo ông Lộc xử lý tài sản đảm bảo của cụ Hiệp. Từ đó, ông Hùng, ông Lộc “câu kết” với cụ Hiệp, ông Khanh để thực hiện các hành vi vi phạm. Cụ Hiệp là người khởi xướng, xin bán tài sản và được đồng ý.
VKS cho rằng quá trình xử lý tài sản kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 nên không có chuyện bị áp lực, phải nhanh chóng. Năm 2013, sau khi có bản án, cụ Hiệp và cán bộ ngân hàng vẫn chia nhỏ tài sản ra bán cho ông Khanh.
VKS cáo buộc ông Hùng, ông Lộc và ông Khanh “thỏa thuận” với cụ Hiệp để xử lý trái phép tài sản đảm bảo. Trong đó, ông Hùng là chủ mưu, tổ chức thực hiện; ông Lộc là người thực hành; ông Khanh là người giúp sức, “hỗ trợ đắc lực” cho ông Hùng và ông Lộc. VKS đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt ông Hùng và ông Lộc mỗi người 15 - 17 năm tù, ông Khanh 14 - 16 năm tù.
Về dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên các hợp đồng mua bán giữa gia đình ông Khanh và cụ Hiệp vô hiệu.
Quan điểm luận tội trên bị các luật sư (LS) tranh luận quyết liệt. LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố các bị cáo tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là sai.
“Tội danh này là một tội mới hoàn toàn trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 mà BLHS năm 1999 không có. BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo hướng dẫn trong Nghị quyết 41 của Quốc hội và Công văn số 04 của TANDTC thì hành vi của tội danh này phải được thực hiện sau ngày 1/1/2018. Nếu hành vi có trước ngày 1/1/2018 thì thuộc một tội phạm khác. Quy kết ở tội khác thì không thể kéo ông Khanh vào làm “đồng phạm giúp sức”.
“Ở đây, nếu quy kết thì có thể là tội “Cố ý làm trái”. Nhưng nếu là tội “Cố ý làm trái” thì khởi tố với ông Hùng, ông Lộc là sai chủ thể. Vì chủ thể tội này phải là cán bộ, công chức nhà nước. Ông Hùng, ông Lộc là cán bộ một doanh nghiệp cổ phần nên không cấu thành tội phạm và ông Khanh không phải là đồng phạm giúp sức”, vẫn lời LS Quynh.
Tranh luận với VKS, LS Quynh nói: “VKS nói cán bộ ngân hàng “câu kết” cụ Hiệp, ông Khanh làm thất thoát tài sản nhà nước. Tôi cho rằng không có bất cứ căn cứ nào ngoài hợp đồng chuyển nhượng 3 bên ngày 16/12/2012. Về mặt hình thức đây là hợp đồng đặt cọc. Về nội dung thì hợp đồng này chỉ thể hiện sự thỏa thuận giữa cụ Hiệp và ông Khanh, còn ông Lộc chỉ là bên chứng kiến.
Trong hợp đồng chuyển nhượng 3 bên, mặc dù ghi “đại diện ngân hàng” nhưng là chữ ký của ông Lộc. Trong khi đó, đại diện BIDV là ông Hùng và văn bản không có dấu của BIDV. Thêm một chứng cứ chứng tỏ đây là hợp đồng đặt cọc, vì phụ lục phía sau, ông Khanh giao cụ Hiệp 50 triệu đồng”.
“Cụ Hiệp rao bán đất, ông Khanh đến mua. Hai bên thỏa thuận giá, phương thức thanh toán. Cụ Hiệp làm tờ trình đến ngân hàng xin bán tài sản. Cán bộ ngân hàng đồng ý.
Như vậy, 4 người này cấu kết ở đâu, đề nghị VKS nêu rõ”, LS Quynh đặt câu hỏi và cho rằng “Trong vụ án này, không hề có “tài sản của Nhà nước bị thất thoát” vì theo quy định của Bộ luật Dân sự, tài sản để đảm bảo hoặc thế chấp vẫn thuộc quyền sở hữu của cụ Hiệp. Sau khi giải chấp thì ngân hàng không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tài sản đó. Chủ tài sản sau đó có quyền bán cho người khác với bất cứ giá nào.
Luật sư: “Các bị cáo vô tội”
LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM) thì lập luận: “VKS và Cơ quan điều tra (CQĐT) nhầm lẫn nghiêm trọng khi xác định quan hệ giao dịch. Ở đây có hai giao dịch song song và độc lập, không liên quan đến nhau. Thứ nhất là giao dịch xin bán tài sản bảo đảm của cụ Hiệp và ngân hàng. Thứ hai là giao dịch giữa ông Khanh và cụ Hiệp là mua bán. Những người thực hiện hai giao dịch này không hề có sự thỏa thuận, bàn bạc gì với nhau”.
LS Nguyễn Văn Quynh đề nghị tuyên ông Khanh vô tội. |
Ngoài ra, khi xử lý vụ án, CQĐT không đo vẽ toàn bộ khu đất. Thực tế đất không đúng như sổ đỏ. Cụ Hiệp và con gái nói đất rộng 23ha nhưng bán cho gia đình ông Khanh 18,1ha và một công ty khác 2ha; tổng cộng 20,1ha. Vậy còn lại 3ha ở đâu?
Cùng quan điểm với LS Quynh và LS Nhân, bào chữa cho bị cáo Hùng, LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) nói: “VKS quy kết không có thỏa thuận nào được lập thành văn bản. Lập luận này là sai và không phù hợp với hồ sơ nghiệp vụ ngân hàng. Các điều khoản trong Hợp đồng tín dụng chính là thỏa thuận giữa cụ Hiệp và ngân hàng. Ông Hùng người đứng đầu chi nhánh đồng ý cho cụ Hiệp bán chính là một thỏa thuận”.
“Không có bất cứ bị cáo nào trong vụ án này được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì quy kết làm thất thoát tài sản là không có cơ sở”, LS Hải nêu quan điểm.
Cũng theo LS Hải, con số thiệt hại đã bị thổi phồng. Giá định giá lại gấp 2 đến 4 lần giá UBND tỉnh quy định và gấp hàng chục lần giá thực tế ghi trên các hợp đồng mua bán có công chứng. Còn các phiếu khảo sát thì không có căn cứ xem xét vì người khảo sát không ký tên, không có hợp đồng mua bán kèm theo. Đồng thời, có sự vi phạm nghiêm trọng về thủ tục định giá và thời hạn thông báo Kết luận định giá, dẫn đến việc các bị cáo mất quyền khiếu nại, đề nghị định giá lại.
Theo LS Hải, nếu ông Hùng, ông Lộc có sai phạm thì đó là sai phạm so với văn bản nội bộ của ngân hàng, cần được xử lý nội bộ. “Cáo buộc của VKS là thiếu căn cứ, gây oan sai. Tôi đồng quan điểm với hai LS của ông Khanh là các bị cáo vô tội, cần được trả tự do tại tòa”.
Tại phiên xử hôm qua, khi được phát biểu, ông Khanh nói không câu kết, không bàn bạc với ngân hàng. Mọi việc mua bán là với cụ Hiệp. Duy nhất một lần ông gặp ngân hàng là để hỏi “có đồng ý cho cụ Hiệp bán hay không?”. Ông Khanh nói: “Từ diễn biến phiên tòa, VKS kết tội tôi và đề nghị mức án như thế thì tự lương tâm nhiều người sẽ hiểu được vấn đề của tôi là gì”.
Trong vụ án này, một vấn đề rất mới xuất hiện đó là lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo (con cụ Hiệp). Theo ủy thác tư pháp và lời khai của người đại diện thì năm 2008, bà Hảo không hề có ủy quyền để cụ Hiệp lập thủ tục có quan hệ tín dụng với ngân hàng với diện 9,7ha đất của bà. Vậy tại sao lại có ủy quyền này và được UBND xã An Tây chứng thực.
Nếu lời khai của bà Hảo là đúng thì bản chất vụ án thay đổi hoàn toàn. Phải tách 9,7ha đất của bà Hảo ra để làm rõ có giả chữ ký hay không? Nhưng chưa rõ vì sao CQĐT không giám định chữ ký, trích xuất nhập cảnh của bà Hảo?