Ở nước Đức, tòa án vừa đưa ra phán xử trong một vụ kiện có thể được coi là độc nhất vô nhị xưa nay. Nó đặc biệt và độc đáo ở chỗ bên nguyên khởi kiện không phải vì muốn thắng kiện và vì cho rằng bên bị thật sự phạm tội mà vì muốn toàn bộ vụ việc phải được điều tra, xét xử lại và vì hoài nghi bị cáo là thủ phạm thật sự. Tòa xử cho bên nguyên thắng nhưng bên nguyên này lại không thể không cảm nhận là đã bị thua.
Chuyện như thế này. Ngày 15/9/1981, cô bé học sinh 10 tuổi Ursula Herrmann bị bắt cóc. 19 ngày sau, lực lượng tìm kiếm phát hiện ra cô bé bị nhốt trong một chiếc thùng gỗ và chôn ở trong rừng. Cô bé bị chết ngạt. Cảnh sát tiến hành điều tra nhưng không tìm ra thủ phạm. Mãi đến năm 2010, tòa án hình sự ở thành phố Augsburg đã xét xử và tuyên phạt tù chung thân đối với người đàn ông 59 tuổi tên là Werner Matuzek. Người này luôn quả quyết là mình vô tội.
Tòa xét xử và phán xử dựa trên hai bằng chứng buộc tội là lời khai của một người rằng bị cáo kia đã thuê anh ta đào cái hố ở trong rừng và một chiếc máy ghi âm đoạn băng tống tiền gia đình cô bé mà cảnh sát cho rằng giọng nói trong đó là giọng của bị cáo. Người đàn ông kia là một kẻ nghiện rượu nặng và gần như ngay đó đã rút lại lời khai báo của mình. Dù vậy, tòa vẫn tuyên phạt bị cáo.
Người anh trai của cô bé không thật sự tin rằng Werner Matuzek là thủ phạm. Anh ta luôn trăn trở và không yên về điều này trong suốt thời gian qua. Anh ta khởi kiện kẻ bị tù chung thân kia về những tổn hại tinh thần do phải chịu đựng cái chết bi thảm của cô em gái và đòi bồi thường 20.000 Euro. Mục đích chính của anh ta - được công khai chứ không giấu kín - là toàn bộ vụ án này được xem xét lại.
Chuyện bồi thường được xét xử bởi một tòa án dân sự chứ không phải bởi tòa hình sự. Anh chàng kia kỳ vọng tòa dân sự sẽ cho điều tra lại, thẩm định lại chứ không dựa vào kết luận điều tra của tòa hình sự. Điều tra và thẩm định lại tức là lần giở lại từ đầu vụ việc, tiếng là xử lý chuyện bồi thường chứ không bàn lại chuyện phạm tội hay không phạm tội, nhưng trong thực chất thì lại là xem xét lại bị cáo có phạm tội hay không vì tòa hình sự phải cho rằng bị cáo phạm tội thì mới có thể buộc bị cáo bồi thường.
Bồi thẩm đoàn của tòa dân sự đã không cho điều tra và thẩm định lại mà chỉ cho đánh giá độc lập là người anh trai của nạn nhân có đúng đã phải chịu đựng những tổn hại về tinh thần đến mức phải được bồi thường vật chất hay không.
Trên cơ sở bản đánh giá độc lập này, tòa dân sự đã phán quyết buộc Werner Matuzek phải bồi thường cho bên nguyên 7.000 Euro. Bị cáo vẫn khăng khăng mình bị kết tội oan. Bên nguyên vẫn không hài lòng vì mục đích theo đuổi không đạt được. Mối hoài nghi của anh ta về Werner Matuzek không phải là thủ phạm vẫn chưa thật sự nguôi ngoai. Anh ta vẫn ở cách xa sự thật như trước cho dù thắng kiện và được bồi thường 7.000 Euro. Tòa dân sự phán xử như thế có nghĩa là khẳng định Werner Matuzek là thủ phạm.
Người ngoài ở Đức không biết thể hiện thái độ sao cho phải. Họ thông cảm với tình cảm và suy nghĩ của người anh trai của nạn nhân, nhưng đồng thời cũng lại phải thấy là làm gì có chuyện tòa dân sự lật ngược được phán xử và bản án của tòa hình sự./.