Vụ bê bối khiến “đế chế y tế” Quyền Kiện nguy cơ sụp đổ

(PLVN) - Giới chức Trung Quốc trong tuần qua đã bắt giữ người sáng lập Tập đoàn chuyên kinh doanh thuốc y học cổ truyền Quanjian (Quyền Kiện) Shu Yuhui cùng 17 nhân viên của công ty này vì cáo buộc có liên quan đến cái chết của bệnh nhi ung thư.
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của tập đoàn Quyền Kiện với logo của hãng này.

Vì lợi nhuận bất chấp tất cả

Cuộc điều tra đối với Tập đoàn Quanjian về cáo buộc quảng cáo sai sự thật được giới chức Trung Quốc tiến hành từ cuối tháng 12/2018. Vụ bê bối bùng phát vào đúng dịp Giáng sinh năm 2018, khi một trang web nổi tiếng về y tế của Trung Quốc có tên Dingxiang Yisheng nhắc lại vụ việc của bé gái Zhou Yang, một bệnh nhi không may bị ung thư khi mới 4 tuổi.

Đến nay, ông Zhou Erli, cha của Yang, vẫn nói rằng khoảnh khắc đưa con xuất viện và để bé gái sử dụng thuốc của Quanjian là khoảnh khắc đáng hối hận nhất trong cuộc đời ông.

Theo lời kể của ông Zhou, năm 2012, bé Yang được chẩn đoán có một khối u ở xương cùng cụt, một chứng bệnh hiếm gặp. Sau đó, bé gái đã trải qua bốn ca phẫu thuật và 23 đợt hóa trị tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Tuy nhiên, quá trình tiến triển của bé diễn tiến rất chậm chạp. 

Thụy Dục Huy, giám đốc điều hành của tập đoàn Quyền Kiện

Khi câu chuyện về đứa trẻ đáng thương được đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV phát sóng, đại diện của Quanjian đã liên lạc với ông Zhou. Sau cuộc nói chuyện, ông Zhou được đưa tới gặp Giám đốc điều hành của Tập đoàn tên Shu Yuhui. Trong cuộc nói chuyện, Shu Yuhui tiết lộ rằng công ty có một phương thuốc bí truyền có thể chữa được ung thư.

Một quan chức tôn giáo địa phương cho biết chính quyền đang cân nhắc dỡ bỏ bức tượng Phật mạ vàng cao 10m ở một khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn Quyền Kiện ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô.
Quan chức này cho biết bức tượng chưa được cấp phép. Khách sạn này cũng được sử dụng làm trụ sở phía đông của tập đoàn, và bên trong là tổ hợp với công viên, khu vui chơi và trung tâm triển lãm cùng một nhà hàng lớn thuộc sở hữu của Quyền Kiện.

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, ông Zhou sau đó đồng ý mua thuốc bột và nước uống thảo dược của Quanjian với giá 5.000 nhân dân tệ (tương đương 730 USD). Thuốc được để trong những gói nhỏ, không có nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và cũng không tiết lộ thành phần.

Tin vào lời quảng cáo của Shu Yuhui, lại thấy con gái điều trị bằng Tây y nhưng mãi không đỡ, ông Zhou ông quyết định cho con dừng điều trị trị bằng thuốc tây và chỉ tập trung vào điều trị bằng thảo dược. “Họ khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng con bé sẽ khỏi”, ông Zhou kể lại. 

Song, trái với những cam kết của Quanjian, sức khỏe bé Zhou Yang ngày càng xấu đi. Sau vài tháng, bệnh ung thư di căn và bé gái đã được đưa trở lại bệnh viện điều trị nhưng đã quá muộn. Bé gái tử vong vào năm 2015.

Sau khi hoàn tất thủ tục hậu sự cho con, ông Zhou đã khởi kiện Quanjian tại tòa án địa phương nhưng tòa lại ra phán quyết cho rằng những bằng chứng do ông cung cấp không đủ để chứng minh công ty đã quảng cáo sai sự thật. Ông cũng đã yêu cầu Quanjian gỡ bỏ những hình ảnh của con gái khỏi các trang web, tài liệu của tập đoàn này nhưng họ không thực hiện.

Được thành lập vào năm 2004 với tuyên bố tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng các phương thuốc y học cổ truyền, Quanjian đến nay đã bành trướng thành một đế chế trị giá hàng tỷ nhân dân tệ với phạm vi hoạt động rộng khắp từ bán thuốc, chăm sóc sức khỏe, kinh doanh các câu lạc bộ thể hình tới các ngành công nghệ cao, nông nghiệp, thương mại điện tử, tư vấn thông tin, bảo hiểm... 

Báo chí Trung Quốc cho hay, Quanjian hiện sở hữu 600 bệnh viện trên cả nước, 7.000 câu lạc bộ sức khỏe sử dụng phương áp “hỏa liệu pháp”, 8.000 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ. Quanjian tuyên bố đang sở hữu hơn 600 phương thuốc y học cổ truyền mật. Trụ sở chính của Quanjian hiện đặt tại thành phố Thiên Tân ở phía đông bắc Trung Quốc.

Dư luận phẫn nộ

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, Quanjian cũng dính không ít tai tiếng. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, trong vòng năm năm qua, Hiệp hội này đã nhận được đến 36.600 khiếu nại về các sản phẩm của tập đoàn này. Trong đó, đa số các khiếu nại phản ánh về chất lượng sản phẩm của công ty, về việc công ty quảng cáo láo… 

Ngoài trường hợp bé Yang, Quanjian cũng từng bị kiện nhiều lần vì hỏa liệu pháp, phương pháp điều trị da bằng cách dùng cồn đốt trên da bệnh nhân mà theo quảng cáo của tập đoàn này thì có thể chữa bách bệnh. Đây cũng chính là phương pháp điều trị đã giúp Quanjian trở nên “nổi tiếng”. 

Ngoài ra, Quanjian còn bị tố cáo sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng doanh số, trong đó có việc quảng cáo láo để bán được nhiều hàng. Điển hình trong số này có thể kể đến việc Quanjian quảng cáo rằng miếng lót giày “thần kỳ” có giá 1.068 tệ (155 USD) của họ có khả năng chữa viêm khớp cổ, chân vòng kiềng, thậm chí các bệnh tim mạch.

Băng vệ sinh do hãng sản xuất thì được tuyên bố “sạch đến mức ăn được”, còn nước rửa mặt thì có thể uống được… Tuy nhiên, với sản phẩm miếng lót giày, người dùng khẳng định không thấy có những tác dụng như quảng cáo, còn với những sản phẩm như băng vệ sinh thì chắc chắn không ai dám tin là có thể ăn được.

Người sử dụng mạng internet ở Trung Quốc cũng đang tiếp tục chia sẻ về những trải nghiệm xấu mà họ đã gặp phải khi sử dụng các sản phẩm của Quanjian, đồng thời kêu gọi nhà chức trách điều tra thấu đáo về toàn bộ các hoạt động của công ty này. 

Trước diễn biến này, giới chức Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đối với Quanjian về hành vi quảng cáo sai sự thật, kinh doanh đa cấp trái phép cũng như mức độ an toàn của các sản phẩm do tập đoàn này cung cấp. Trong tuần qua, giới chức Trung Quốc đã bắt giữ người sáng lập Quanjian cùng 17 nhân viên của tập đoàn.

Hình ảnh của bé Thái Dương được sử dụng trên bao bì sản phẩm của tập đoàn Quyền Kiện

“Điều tra sơ bộ khẳng định Quanjian đã thổi phồng hiệu quả trị liệu của một số sản phẩm họ sản xuất. Chúng tôi đang tiến hành điều tra sâu hơn, khi có kết quả sẽ công bố kịp thời”, một Phó thị trưởng thành phố Thiên Tân, người phụ trách hoạt động điều tra, cho hay. Hiện, nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng đã gỡ bỏ các sản phẩm do Quanjian sản xuất. Cùng với những bê bối về chất lượng sản phẩm, người sáng lập tập đoàn này còn bị tố cáo làm giả bằng cấp.

Vụ việc của Quanjian cũng đã một lần nữa cho thấy rõ những lo ngại của công chúng Trung Quốc đối với ngành y của nước này. Nó cũng khiến nhiều người nhớ lại vụ việc đau lòng tương tự xảy ra hồi năm 2016. Khi đó, một nam sinh viên khi mắc một chứng ung thư hiếm gặp vì tin vào những quảng cáo sai lệch trên mạng intenet đã mua về uống và qua đời chỉ ít lâu sau.

Theo một báo cáo do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc công bố gần đây, tại nước này đang có 2.317 công ty được cấp phép bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, tác dụng của những loại sản phẩm này là điều không rõ ràng. 

Cũng theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc, trong năm 2016, họ đã nhận được con số kỷ lục 26.966 đơn khiếu nại về các loại thực phẩm chức năng. Truyền thông Trung Quốc cũng thường đưa tin về các trường hợp những người già dành toàn bộ tiền tiết kiệm để mua các sản phẩm đó mà không biết công dụng đến. Bên cạnh đó, cũng có không ít người Trung Quốc vẫn mê muội tin vào các phương pháp như lấy kim đâm vào tay cho tóe máu để chữa bệnh…

Hiện nay, sau vụ việc của Quanjian, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp triệt để nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật trong ngành y học cổ truyền.

Ngày 27/12/2018, cha của bé Zhou Yang cho biết ông sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện. Ngay dịp đầu năm 2019, ông đã lần thứ hai đâm đơn kiện, yêu cầu tập đoàn Quanjian phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái cũng như thừa nhận quảng cáo sai sự thật. n M.N

Đế chế Quyền Kiện đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong vòng 14 năm qua bao gồm việc sản xuất những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thuốc thảo dược, thể thao và tài chính. Bên cạnh những khách sạn, Quyền Kiện sở hữu một câu lạc bộ bóng đá lớn (CLB Thiên Tân Quyền Kiện, đang thi đấu ở giải bóng đá cao nhất Trung Quốc), một CLB cưỡi ngựa và một bệnh viện ung bướu.

Truyền thông Trung Quốc cũng nêu lên tình trạng người cao tuổi nước này tiêu hết số tiền dành dụm của họ cho các sản phẩm sức khỏe. Có hàng trăm công ty không bị kiểm tra hay đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng.

Nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người cao tuổi, không có niềm tin vào các phương thức Tây y mà thay vào đó lựa chọn các loại thuốc thảo mộc tự nhiên và cách điều trị Đông y cho các vấn đề sức khỏe của mình.

Ông Lê, một luật sư chuyên về an toàn thực phẩm tại Bắc Kinh cho rằng nhiều người dễ trở thành nạn nhân của việc quảng cáo sai sự thật bởi một số công ty về sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực này cũng thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Tại Trung Quốc, thuốc và thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm ăn kiêng được sản xuất và quản lý với những tiêu chuẩn khác nhau. Theo quy định, Bộ Y tế Trung Quốc định nghĩa loại sản phẩm này là "thực phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với một nhóm người nhất định, nhưng không có khả năng trị bệnh".

Trên lý thuyết, các công ty phải quảng cáo sản phẩm của mình theo quy định này, nhưng trên thực tế mọi thứ diễn ra hết sức lộn xộn. Những công ty như Quyền Kiện đã hoạt động trong nhiều năm vì thiếu sự quản lý và thẩm quyền chồng chéo của các cơ quan chức năng.

Ông Lê cho biết: "Thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm. Nhưng việc quảng cáo sản phẩm này ở nơi công cộng như nhà thuốc thì lại thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại."

"Khi quảng cáo xuất hiện trên TV hoặc mạng xã hội, lúc đó thẩm quyền lại thuộc về Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin". "Trên thực tế, những cơ quan này đá quả bóng cho nhau", ông Lê nhận định.

Ông Lê cho biết mô hình kinh doanh của các tập đoàn như Quyền Kiện cũng đang bị nghi ngờ là hoạt động đa cấp. Vì mặc dù cho phép bán hàng trực tiếp, ranh giới giữa việc này và bán hàng đa cấp là rất nhỏ vì nhiều người được khuyến khích tuyển dụng "thành viên" để đổi lấy tiền thưởng hoặc các lợi ích khác.

Truyền thông Trung Quốc đã nêu lên nhiều trường hợp những người mất tiền liên tục vì trở thành thành viên của mô hình này, sau đó cố gắng thu nạp người thân và bạn bè vào các lớp học và khóa đào tạo, trong đó người giảng dạy liên tục khẳng định công dụng của sản phẩm.

Trong vài trường hợp, truyền thông Trung Quốc đưa tin một số công ty đa cấp còn giam giữ thành viên trái phép, bắt họ phải tham dự các khóa học, ăn uống ngủ nghỉ dưới sự giám sát. Điện thoại bị tịch thu và các "thành viên" này không được phép liên lạc với gia đình hoặc đi lại một mình. Việc tập đoàn Quyền Kiện có hoạt động theo mô hình đa cấp hay không vẫn đang được nhà chức trách Trung Quốc điều tra.  

Tại Trung Quốc vào lúc này, vẫn có nhiều người bày tỏ tin tưởng vào sự hiệu quả của các phương thuốc đến từ tập đoàn Quyền Kiện. 

"Quyền Kiện đã hủy hoại rất nhiều người", một người nhận định. Thái độ của ông cũng đang là thái độ chung của nhiều người Trung Quốc với Quyền Kiện. Rất nhiều người chia sẻ trải nghiệm của họ với sản phẩm Quyền Kiện lên mạng xã hội và kêu gọi cơ quan quản lý điều tra tận gốc các hoạt động của tập đoàn này chứ không để mọi chuyện “chìm xuồng”.

Đọc thêm