Ăn một lần, tính tiền 8 lần
Trong đơn tố giác tội phạm gửi các cơ quan chức năng, bà Lê Kim Yến - người đại diện theo ủy quyền của ông Caracciolo David John (quốc tịch Úc) nêu, tối 11/8/2016, ông Caracciolo David John vào nhà hàng tên Nightfall trên đường Thái Văn Lung (Quận 1, TP.Hồ Chí Minh) ăn uống cùng một người bạn và thanh toán bằng 2 thẻ ngân hàng.
Khi thanh toán, phía nhà hàng nhiều lần yêu cầu ông nhập mật khẩu (cả 2 thẻ) vì cho rằng “có trục trặc” và không đưa ra bất cứ hóa đơn thanh toán hay biên lai chuyển tiền nào cả. Rời Việt Nam về Úc, ông Caracciolo David John mới tá hỏa vì phí dịch vụ trong tối 11/8 lên tới 39.429 AUD, tương đương hơn 683 triệu đồng Việt Nam.
Theo sao kê ngân hàng gửi tới thì nơi thanh toán là Nightfall Restaurant Hồ Chí Minh. Quá bức xúc, ngày 29/9/2016, ông Caracciolo David John quay trở lại Việt Nam cùng bà Yến đến nhà hàng ông nhớ đã ăn uống trên đường Thái Văn Lung, nhưng tên và biển hiệu nhà hàng đã thay đổi.
Bà Yến sau đó đến Công ty TNHH nhà hàng Nightfall ở địa chỉ 5E Nguyễn Siêu, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh thì được người dân xung quanh cho biết 1 tháng trước đây có nhà hàng Nightfall, nhưng nay đã tháo biển hiệu. Bà Trần Thị Hồng Phượng (chủ nhà hàng) nhiều lần được công an mời lên phối hợp điều tra nhưng người này không lên mà đã rời khỏi nơi cư trú.
Sau nhiều ngày công an vào cuộc, mãi tới ngày 01/12/2016, ông Trần Tuấn Minh - (người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - em của Phượng) mới xin lỗi, nhận toàn bộ trách nhiệm và mong ông David John bỏ qua vì sự cố nhầm lẫn.
Ông Caracciolo David John đã được trả lại 683 triệu đồng từ phía nhà hàng Nightfall. Đại diện theo ủy quyền của ông Caracciolo David John cũng cho biết ông đã đồng ý rút đơn tố giác tội phạm, không đề nghị khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với phía nhà hàng Nightfall.
Nội dung sao kê tài khoản của ông Caracciolo bị trừ gần 700 triệu đồng trong 8 lần quẹt thẻ ngày 11.8 |
Không để làm xấu hình ảnh Việt Nam
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (Giám đốc -Công ty TNHH NewVision Law), cho rằng, việc rút đơn tố giác của ông David John sẽ không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với phía nhà hàng Nightfall.
Khác với trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan Nhà nước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Điều này xuất phát từ nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, chống mọi hành vi phạm tội, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (Điều 1 Bộ luật hình sự 1999 – đã sửa đổi, bổ sung 2009).
“Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì chỉ có một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người; các tội phạm xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 Bộ luật hình sự mới chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Còn lại “khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án” (Điều 104 Bộ Luật tố tụng hình sự)” – Luật sư Tuấn nói.
Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng cho rằng, hành vi của chủ nhà hàng có dấu hiệu cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mặc dù nạn nhân đã làm đơn bãi nại, rút đơn tố giác.
Theo Luật sư Thắng, khi khách hàng đưa thẻ cho người của nhà hàng quẹt thẻ tính tiền, là lúc chủ thẻ tạm thời giao tài sản cho người của nhà hàng. Lợi dụng lúc quẹt thẻ, người của nhà hàng đã chiếm đoạt số tiền trên. Khi có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thông qua hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản, buộc phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc nhà hàng trả tiền lại cho khách hàng chỉ là để khắc phục hậu quả và là tình tiết giảm nhẹ nếu tòa án tiến hành xét xử vụ việc. Tình tiết nộp đơn bãi nại của người bị hại chỉ là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nếu có dấu hiệu của tội phạm, thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự thì trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thuộc về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Theo nhận định ban đầu của chúng tôi dựa trên những thông tin sẵn có, chúng tôi cho rằng hành vi “thu” gần 700 triệu đồng cho một bữa tối của nhà hàng Nightfall đã có dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Bởi, ở đây đã có thủ đoạn gian dối với động cơ chiếm đoạt tài sản.
Biểu hiện ở việc phía nhà hàng nhiều lần yêu cầu ông David John nhập mật khẩu cho cả 2 thẻ và cho là “có trục trặc” khi thanh toán, trong khi đó theo sao kê của ngân hàng thì 2 thẻ này đã được quẹt tất cả 8 lần với tổng số tiền lên đến gần 700 triệu đồng.
“Ngoài ra, sau khi sự việc xảy ra, nhà hàng không những không hề “có ý” trả lại “số tiền thừa” cho khách hàng mà còn ngưng hoạt động và trả lại mặt bằng. Đồng thời, sau khi bị tố giác bà Trần Thị Hồng Phượng (chủ nhà hàng Nightfall) nhiều lần được gọi lên điều tra nhưng không phối hợp mà đã đi khỏi nơi cư trú” – Luật sư Tuấn phân tích.
“Đây chỉ là ý kiến ban đầu dựa trên những thông tin đã có tính đến thời điểm hiện tại. Tôi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tích cực điều tra và xử lý thật chính xác để không làm mất đi uy tín của ngành du lịch nước ta” – Luật sư Tuấn nói thêm.