Vụ cắt dây cáp rơi trên đường bị truy tố tội Trộm cắp tài sản: Luật sư cho rằng thiếu căn cứ buộc tội

(PLO) - Trong phần tranh luận của mình, Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng không có căn cứ để truy tố các bị cáo về tội Trộm cắp tài sản.
Luật sư Đặng Văn Cường tranh luận tại tòa.
Luật sư Đặng Văn Cường tranh luận tại tòa.

Căn cứ buộc tội không thỏa mãn?

Vừa qua, TAND huyện Đông Anh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Văn Thắng (SN 1979) Hoàng Văn Quyết (SN 1989), Đặng Quốc Quân (SN 1987) và Đặng Quốc Tần (SN 1983) cùng trú tại huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội về tội trộm cắp tài sản.

Tại tòa, Luật sư (LS) Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng LS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng cả về yếu tố chủ quan, khách quan cùng những tình tiết có trong hồ sơ vụ án cho thấy việc truy tố các bị cáo về tội Trộm cắp tài sản là thiếu căn cứ.

Theo cáo trạng mà VKSND huyện Đông Anh truy tố có thể hiện trên đường đi làm, nhóm bị cáo thấy “dây cáp viễn thông của Đội viễn thông Đông Anh (loại cáp treo dầu truyền tín hiệu viễn thông) bị đứt nằm trên mặt đất đầu còn lại cũng bị đứt nằm ở dưới chân cột điện gần nhà ông Nguyễn Đức Ngọc (SN 1957, trú tại Phan Xá, Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội)” nên mới nói với nhau: “cáp này chắc là bỏ, lấy để bán đồng nát lấy tiền uống nước”.

Về vấn đề này, tại tòa, đại diện VKSND huyện Đông Anh cho rằng đoạn cáp mà các bị cáo cắt là tài sản của Nhà nước, nhóm bị cáo đã “lén lút” cắt nhỏ thành nhiều đoạn để đem bán lấy tiền uống nước là hành vi Trộm cắp nên việc truy tố các bị cáo về tội trộm cắp tài sản là có cơ sở.

Tuy nhiên, LS Cường phản biện rằng, về mặt khách quan thì tội “Trộm cắp tài sản” là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản một cách lén lút. Trong vụ án này, thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cắt dây cáp là vào khoảng 8h sáng trên đoạn đường Phúc Lộc; đây là khoảng thời gian có nhiều người qua lại vì là thời điểm bắt đầu đi làm.

Đồng thời, tại Bản kết luận điều tra thể hiện, bị cáo Thắng khi thấy đoạn dây cáp đứt hai đầu đã nói với các bị cáo khác là “Cáp này chắc bỏ, mình lấy để bán đồng nát lấy tiền uống nước”. 

Như vậy, ngay từ ban đầu, các bị cáo đều xác định đoạn dây cáp đã đứt bị chủ sở hữu bỏ đi, không còn giá trị sử dụng, nên các bị cáo nghĩ có thể lấy để bán phế liệu. Các bị cáo thực hiện việc đó không có dấu hiệu lén lút, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của một cá nhân, tổ chức nào, không có ý định che giấu hành vi đó. Do đó, hành vi của các bị cáo không thỏa mãn mặt khách quan của tội “Trộm cắp tài sản”.

Về mặt chủ quan của tội phạm, theo LS Cường thì tội trộm cắp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và thấy trước được hậu quả của hành vi đó.

Trong vụ án này, các bị cáo thấy dây cáp đã bị đứt hai đầu, không thấy cá nhân, cơ quan nào thu gom xử lý nên nghĩ là dây cáp bỏ đi, đồ phế liệu nên mới cắt dây cáp để bán.

Thực tế, hiện trạng dây cáp ban đầu đã bị cắt hai đầu, không được sử dụng, nằm trên mặt đất bên vệ đường, cũng không có người trông coi quản lý hay làm việc do đó các bị cáo nghĩ là đồ phế thải là tâm lý bình thường.

Khi các bị cáo gặp những người dân xung quanh thì đã hỏi đoạn dây cáp này có phải bỏ đi hay không và những người dân xung quanh cũng không xác định đây là tài sản của ai vì họ cũng không thấy ai quản lý dù họ sinh sống ngay tại địa điểm đó. 

Mặt khác, vì nghĩ không còn giá trị sử dụng, là đồ bỏ đi nên các bị cáo xác định bán phế liệu với giá 10.000 đồng/kg và cũng chỉ đủ tiền để uống nước. Chính vì nhận thức đó, các bị cáo thực hiện việc cắt, cuộn dây cáp mà không biết hành vi của mình là lấy tài sản của người khác. Ý chí chủ quan của bị cáo khi thực hiện hành vi là không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của các bị cáo không thỏa mãn mặt chủ quan của tội “Trộm cắp tài sản”.

Về khách thể của tội phạm, LS Cường cho rằng khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, Cơ quan tố tụng khi buộc tội các bị cáo thì cần xác minh đoạn dây cáp viễn thông chủng loại 50x2x0,5 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ai, hiện trạng trước khi bị cắt như thế nào? giá trị sử dụng của đoạn dây cáp này ra sao?

Trong trường hợp nếu còn sử dụng được thì tài sản của cơ quan nào, có nằm trong danh mục quản lý tài sản của cơ quan đó hay không?

Trong trường hợp không còn giá trị sử dụng thì thuộc quản lý của cơ quan nào, có quyết định nội bộ của cơ quan về hướng xử lý tài sản này không, tài sản có tái sử dụng được không, nếu không thể sử dụng thì có văn bản nghiệm thu hay xử lý phế liệu hay không?

Tuy nhiên, về những vấn đề này hồ sơ vụ án chỉ xác định đây là tài sản hợp pháp của Đội viễn thông thuộc Trung tâm viễn thông Đông Anh mà không có văn bản giấy tờ nào chứng minh.

Về mặt định giá tài sản, chủ sở hữu trong vụ án này, phần tài sản là đoạn dây cáp bị cắt đã trả lại cho phía Trung tâm Viễn Thông 5 và lưu kho thì sao có thể tính là thiệt hại trong vụ án này.

Biên bản định giá tài sản để trống, không ghi gì thì không có cơ sở để xác định là thiệt hại hơn 11 triệu đồng.

Từ các lẽ trên, LS Cường cho rằng không đủ căn cứ xác định hành vi của các bị cáo thỏa mãn dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản.

Tòa trả hồ sơ

Tiếp tục tranh luận, công tố viên đáp trả, LS nói chưa có tài liệu thể hiện việc chủ sở hữu tài sản nhưng trong hồ sơ đã có trình báo, lời khai, trung tâm viễn thông 5 đã cung cấp. Còn đối với giá trị tài sản trong vụ án này, Hội đồng định giá đã dựa trên các cơ sở pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định này. Trong vụ án này, VKS phía cho rằng các bị cáo có hành vi lén lút đối với chủ sở hữu tài sản. Trong quá trình điều tra bị cáo Thắng cho rằng không có ý thức lấy tài sản nhưng lời khai của các bị cáo thể hiện là lấy để bán đồng nát.

Từ đó, đại diện VKS đã giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo về tội trộm cắp tài sản.

Sau giờ nghị án, HĐXX cho rằng hội đồng định giá tài sản đã định giá dây cáp mới 100% trong khi đoạn cáp mà các bị cáo cắt đã được sử dụng hơn 10 năm là không thỏa mãn. Đồng thời, về nguyên đơn dân sự trong vụ án này cũng cần phải xác định lại vì tài sản phía công ty Viễn thông 5 đã lấy lại không thể coi là đã bị thiệt hại nên HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đọc thêm