Đất đang tranh chấp, vẫn san gạt, trồng cây
Như PLVN đã có bài phản ánh, TAND TP Đà Lạt đã nhiều lần đưa vụ kiện “Tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tranh chấp yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” để giải quyết giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1952, ngụ TP HCM) và bị đơn là cụ Huỳnh Thị Nguyệt (SN 1941, ngụ TP Đà Lạt). Cụ Nguyệt uỷ quyền cho con gái Dương Thị Nguyệt Thủy (SN 1965, ngụ đường Hồ Xuân Hương, phường 11, TP Đà Lạt) tham gia tố tụng.
Trước đó, vợ chồng con gái, con rể cụ Nguyệt đã tự ý bán mảnh đất của vợ chồng cụ Nguyệt cho ông Sáu với giá 300 triệu đồng vào 2018. Mảnh đất do vợ chồng cụ Nguyệt khai phá trước năm 1975, nằm đối diện nhà con rể (số 76 Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt).
Sau khi tự ý bán đất, bị nhà vợ phản đối, người con rể tìm cách trả lại tiền nhưng người mua không đồng ý. Bản thân người con rể thừa nhận việc tự ý bán đất là sai; khẳng định thửa đất của bố mẹ vợ. Sau đó cụ Nguyệt khởi kiện, bên mua cũng khởi kiện, toà Đà Lạt nhập 2 vụ kiện thành 1; đã 3 lần mở phiên xử và hoãn, dự kiến mở lại phiên toà vào 24/11/2023.
Điều “đau đớn” với bà Thủy, như từ ngữ bà dùng, là liên quan thửa đất trên, hiện bà vừa là bị đơn trong vụ kiện dân sự, cũng vừa là bị can trong một vụ án hình sự.
Bà Thủy nói, ban đầu, với tinh thần tuân thủ pháp luật, đã có hàng chục đơn thư gửi cơ quan chức năng từ UBND phường tới TP, tỉnh về sự việc tranh chấp trên.
Quá trình giải quyết, ngày 16/1/2019, UBND phường 10 có biên bản hoà giải yêu cầu các bên tranh chấp giữ nguyên hiện trạng đất, cấm tác động, bên nào không chấp hành sẽ bị xử lý theo luật. Phía gia đình bà Thủy chấp hành. Nhưng bên mua lại vẫn cho người san gạt đất, lắp đặt camera, trồng cây trên đất tranh chấp, dù địa phương nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản.
Đơn cử, ngày 29/10/2020, UBND phường 10 có Quyết định 330/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Sáu vì “tiếp tục có hành vi san gạt thay đổi hiện trạng làm biến dạng địa hình đất”. Ngoài bị xử phạt 5 triệu đồng, ông Sáu bị yêu cầu khắc phục lại hiện trạng ban đầu của đất.
Vụ tranh chấp trở thành một “điểm nóng” tại địa phương. Ngày 30/10/2019, Thường trực HĐND TP Đà Lạt có Văn bản 303/HĐND gửi UBND phường 10 cũng nêu rõ: Nhận được đơn của bà Thủy với nội dung “gửi đơn nhiều lần đến UBND phường 10 và TP. UBND TP có Văn bản 450/UBND ngày 29/1/2019 và 252/UBND ngày 27/5/2019 chỉ đạo UBND phường xem xét việc ông Sáu rào, bít và lấn chiếm đất” và “Thường trực HĐND TP đề nghị lãnh đạo UBND phường xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.
Từ “bị hại”, vì “cả giận mất khôn” hóa thành… bị can
Bà Thủy kể lại, bức xúc trước việc bên mua không chấp hành quy định pháp luật và các yêu cầu của chính quyền địa phương, nên sau đó gia đình bà đã “cả giận mất khôn”.
Sáng 10/2/2019 (khoảng mùng 6, 7 Tết Âm lịch), bà Thủy cùng chồng Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), con gái và bạn trai con gái là anh Đinh Anh Hà (SN 1975, ngụ Hà Nội) đi dự đám giỗ, trên đường qua thửa đất, thấy người làm thuê cho ông Sáu đang trồng cây. Cả nhà dừng lại, nhắc nhở thửa đất đang tranh chấp, chính quyền cấm tác động; yêu cầu dừng hành vi, nhưng lời nói của gia đình không có tác dụng.
“Cả giận mất khôn”, bà Thủy, ông Dũng dùng tay nhổ một số cây cẩm tú cầu, co chân đạp một số cây tùng… rồi đi về, như lời bà Thủy trình bày. Phía ông Sáu có đơn tố giác. Hơn 3 tháng sau, ngày 20/5/2019, Công an Đà Lạt khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản”. Quyết định khởi tố bị can được Công an TP Đà Lạt ký ngày 16/8/2019; gần 2 tháng sau đó VKSND cùng cấp mới ký phê chuẩn vào ngày 1/10/2019. Vợ chồng bà Thủy bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị can Hà bị bắt theo lệnh truy nã ngày 1/3/2023.
Một năm rưỡi sau ngày khởi tố vụ án, ngày 20/1/2021, Công an Đà Lạt ra Kết luận điều tra (KLĐT) 21/KLĐT, kết luận 3 bị can hủy hoại số tài sản 65 cây tùng, 148 cây cẩm tú cầu, 42 cây cúc thân gỗ, dây nguồn, dây tín hiệu, phần chân đế 2 mắt camera… tổng giá trị 61,14 triệu đồng.
Vụ án sau đó 6 lần bị VKSND và TAND Đà Lạt trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đến ngày 14/9/2023, Công an Đà Lạt ra KLĐT bổ sung 193/KLĐT-ĐCSHS, theo đó “tuy lời khai các bị can không thể hiện việc tham gia đốt cây, chặt cây; nhưng căn cứ tài liệu chứng cứ thể hiện các bị can cùng tham gia hủy hoại tài sản nên phải chịu trách nhiệm hình sự chung với vai trò đồng phạm”.
Ngày 14/10/2023, VKSND Đà Lạt ra Cáo trạng 259/CT-VKSLĐ truy tố 3 bị can về tội “Hủy hoại tài sản theo” khoản 2 Điều 178 BLHS. Một điều đáng lưu ý, cáo trạng đánh giá các bị can “quanh co, chối tội, không thành khẩn khai báo, không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào khác”.
Dấu hiệu vi phạm tố tụng, “quên” tình tiết giảm nhẹ của bị can
Luật sư (LS) Nguyễn Thị Vân (Đoàn LS TP HCM) nêu quan điểm: “Trong vụ án này, hành vi của các bị can là vi phạm pháp luật, nhưng không thể đổ hết lỗi cho các bị can và đánh giá như trong KLĐT và cáo trạng”.
“Thứ nhất, ngay trong KLĐT cũng xác định khu đất trên đang xảy ra tranh chấp giữa ông Sáu và gia đình bà Thủy, TAND Đà Lạt đang thụ lý vụ án tranh chấp. Vì phía ông Sáu dù đã bị phường 10 xử phạt, nhưng vẫn vi phạm khi tác động lên đất tranh chấp, nên theo luật, các bị can có những tình tiết giảm nhẹ như “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” (điểm e); “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” (điểm l) quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS”, LS nói.
“Thứ hai, CQĐT cũng chưa làm rõ được một số yêu cầu của cơ quan tố tụng. Như trong bản KLĐT bổ sung mới nhất, Công an Đà Lạt cũng chưa xác định được đối tượng làm hư hỏng tài sản trong clip do ông Sáu cung cấp”.
|
Ông Sáu từng bị phường xử phạt hành chính vì tác động đến thửa đất đang tranh chấp. |
LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) thì cho rằng: “Trong vụ án này, có dấu hiệu CQĐT làm thay việc của Tòa án, khi trong bản KLĐT bổ sung 62/KLĐT ngày 9/4/2020, tại trang 3, dù xác định Tòa đang thụ lý vụ kiện, chưa có phán quyết, nhưng CQĐT vẫn cho rằng “qua các tài liệu CQĐT thu thập được, xác định thửa đất” là của ai, mua bán như thế nào. Kết luận như vậy là không hợp lý; là thu thập chứng cứ không hợp pháp, không đầy đủ, không khách quan; là sử dụng, đánh giá chứng cứ không chính xác, không theo đúng bản chất của vụ án, có thể dẫn đến quan điểm xử lý vụ án không phù hợp, theo Văn bản 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 của VKSND tối cao”, LS nói.
Được biết, các bị can cũng đã một số lần khiếu nại nội dung kiểm kê thiệt hại trong vụ án. Bị can Thủy mong muốn cơ quan chức năng cần có đánh giá, nhìn nhận toàn cảnh, khách quan, đúng bản chất về sự việc; để có phán quyết hợp lý, hợp tình, đúng quy định pháp luật, trong cả vụ án dân sự và hình sự liên quan khu đất.