2 biên bản thể hiện bản chất vụ việc “không cánh mà bay”
Nội dung đơn tố cáo kèm các chứng cứ, file ghi âm cuộc gọi, file ghi âm đối thoại, đối chất do anh Nguyễn Văn Hà (SN 1989, con trai ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết, chủ doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ Lâm Quyết) cung cấp cho Nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam thể hiện, ngày 4/10/2017, tại trụ sở công ty Lâm Quyết, ông Phạm Xuân Bền (trưởng Công an xã Vũ Chính) và cán bộ Công an TP Thái Bình phụ trách xã tên Thông tiến hành lập 01 biên bản với nội dung: “Trong thời gian ông Lẫm, bà Quyết là chủ doanh nghiệp Lâm Quyết không có mặt tại công ty, yêu cầu những người lạ mặt ra khỏi trụ sở công ty, bàn giao nguyên trạng công ty lại cho ông Ngọc, ông Nhàn là hai người thân thích đồng thời là người làm công cho công ty Lâm Quyết trông coi, đợi ông Lẫm bà Quyết về”.
Tuy nhiên, sau khi biên bản này được lập xong trước sự chứng kiến của những người có mặt, nhóm người lạ mặt do ông Nguyễn Xuân Đường (thường gọi “Đường Nhuệ”) chỉ đạo xuống công ty Lâm Quyết vẫn không chịu rời đi, tiếp tục ăn, ngủ tại đây cho đến tận ngày 18/10/2017. Các file ghi âm thể hiện, ông Phạm Xuân Bền khẳng định sau đó đã giao lại biên bản trên (tạm gọi biên bản số 01) cho cán bộ tên Đạt thuộc đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Thái Bình giữ.
|
Đại diện Công an TP Thái Bình làm việc với báo PLVN |
Đến ngày 19/10/2017, tại phòng làm việc của đội Cảnh sát Kinh tế, thời điểm này gồm có bốn người là: Cán bộ công an tên Vinh, Đội trưởng đội Cảnh sát Kinh tế, một cán bộ công an của đội Cảnh sát Kinh tế tên Đạt, ông Nguyễn Xuân Đường, anh Nguyễn Văn Hà. Tại đây, ông Vinh tiến hành lập một biên bản khác (tạm gọi biên bản số 02) với nội dung: “Ông Nguyễn Xuân Đường đã lệnh cho nhóm người của mình rút khỏi trụ sở công ty Lâm Quyết, mời anh Nguyễn Văn Hà về nhận lại công ty thay cho bố mẹ mình”.
Anh Hà cho biết anh không chấp nhận phương án này, đồng thời viết vào phía dưới văn bản số 02 lý do: "Công ty là của bố mẹ tôi, trước và sau khi nhóm người của ông Đường xuống ăn, ở cả nửa tháng trời tôi không biết tài sản, vật dụng của công ty có những gì, cơ quan công an cũng chưa tiến hành khám nghiệm hiện trường, liệt kê tài sản, hiện trạng nên tôi không đồng ý nhận lại công ty".
Các file ghi âm được cung cấp thể hiện, ông Vinh, đội trưởng đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Thái Bình nói với ông Lẫm, bà Quyết rằng đã hủy biên bản số 02 từ lâu bởi vì anh Hà không nhận biên bản, không nhận bàn giao công ty, do đó biên bản số 02 không có giá trị, không cần giữ lại.
Trả lời các câu hỏi của Nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến 2 biên bản nói trên, cả Trung tá Cao Giang Nam, Phó Trưởng Công an TP Thái Bình, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT và ông Nguyễn Văn Đức, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thái Bình gây bất ngờ khi đều khẳng định không biết đến sự tồn tại, không nhận được 2 biên bản như mô tả.
Theo người tố cáo, 2 biên bản “không cánh mà bay” này mang tính chất rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến lập luận truy tố ông Nguyễn Văn Lẫm, bà Phạm Thị Quyết ra toà với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" sau này.
Bắt giữ trái pháp luật xe ô tô của chủ doanh nghiệp?
Cũng theo nội dung tố cáo của gia đình ông Lẫm, bà Quyết, vào khoảng 16h30' ngày 09/3/2018, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Toyota Camry màu đen của công ty Lâm Quyết (lúc này không treo biển kiểm soát) đang đỗ cạnh lề đường Hoàng Hoa Thám, TP Thái Bình thì bất ngờ bị ông Nguyễn Văn Đức, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp và một số cán bộ chiến sỹ Công an TP Thái Bình tiếp cận khám xét, đưa về trụ sở Công an TP Thái Bình mà không có mặt chủ sở hữu xe là ông Nguyễn Văn Lẫm mà chỉ có một người lái xe tên Hoàn. Thời điểm bắt giữ xe và đưa xe đi cơ quan công an không đưa ra được bất kỳ lệnh bắt hay khám xét nào.
Giải thích về sự việc này, ông Nguyễn Văn Đức, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thái Bình cho rằng: "Hôm đó, Công an TP Thái Bình nhận được tin báo của Công an phường Đề Thám về việc xuất hiện chiếc xe ô tô Camry màu đen, không treo biển kiểm soát đỗ dưới lề đường Hoàng Hoa Thám, lãnh đạo Công an TP Thái Bình lập tức chỉ đạo tôi và một số anh em xuống xác minh, làm rõ. Khi đến nơi thì người trên xe ô tô không xuất trình được giấy đăng ký xe, không chứng minh được nguồn gốc của xe nên chúng tôi đã tiến hành lập biên bản để đưa xe về trụ sở. Sau này xác định chiếc xe thuộc sở hữu của ông Lẫm là người đang bị tố cáo 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' thì chúng tôi phải giữ chiếc xe lại vì đây là vật chứng của vụ án".
|
Trụ sở công an TP Thái Bình |
PV tiếp tục hỏi rằng vật chứng của vụ án ở đây cụ thể là vụ án nào, bởi vì rõ ràng nếu là vụ án ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì Công an TP Thái Bình đã bắt giữ chiếc xe trái pháp luật, "cầm đèn chạy trước ô tô" khi đến mãi ngày 16/4/2018 (tức khoảng hơn một tháng) sau thời điểm chiếc xe bị bắt giữ, Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự?.
Ông Đức liên tục quanh co, cho rằng vì đang có đơn tố giác tội phạm đối với chủ xe và xuất hiện nghi vấn chiếc xe đỗ dưới lề đường không mang biển kiểm soát "có vấn đề" nên mới tiến hành đưa xe về để xác minh mà không hề có thông báo bằng lệnh khám xét cho chủ xe nắm biết.
Khi PV đề nghị Công an TP Thái Bình cung cấp biên bản bắt giữ xe trên đường Hoàng Hoa Thám để chứng thực việc cơ quan công an đã tiến hành lập biên bản công khai giữ xe với sự chứng kiến của các nhân chứng có mặt theo như trình bày của cơ quan này thì Trung tá Cao Giang Nam, Phó Trưởng Công an TP Thái Bình, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT nói rằng biên bản đó thuộc hồ sơ của vụ án đã tiến hành chuyển Viện Kiểm sát nhân dân để truy tố ra Toà án, đơn vị không giữ nữa nên không thể cung cấp cho báo chí?!
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.