Vụ đương sự định nhảy lầu sau khi tòa tuyên án ở TP HCM: VKS nêu nhiều điểm bất hợp lý

(PLVN) - Như PLVN phản ánh, vụ án ông Phan Quý (SN 1953, ngụ quận 12, TP HCM) kiện ông Lê Văn Dư (SN 1978), ông Khâu Văn Sĩ (SN 1959), ông Lê Sĩ Thắng (SN 1984) đòi lại 674m2 đất nông nghiệp mà ông Quý đã bán cho cả ba người tại số thửa là 504, tờ bản đồ 40, thuộc phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM. Nhiều người đặt câu hỏi: Nỗi uất ức nào khiến vợ ông Lê Văn Dư (SN 1978) là bị đơn trong vụ án phải nhảy lầu tự tử, rất may là bảo vệ tòa án kịp thời ngăn cản?
Nhờ một dự án, mở đường mới mà mặt tiền phần đất của ông Dư bỗng đẹp, khang trang hơn
Nhờ một dự án, mở đường mới mà mặt tiền phần đất của ông Dư bỗng đẹp, khang trang hơn

Trong cơn mưa chiều, khu đất 674m2 ngập trong nước, hai căn nhà tôn xuống cấp nghiêm trọng, đồ đạc lỉnh kỉnh, nhớp nháp. Hai căn nhà ấy, một của ông Dư, một của ông Thắng, 9 con người đang co ro, lo lắng sau bản án tòa tuyên. Ông Dư với ông Quý không phải người xa lạ. Cả hai là họ hàng gần, quê ở Bình Định. 

“Năm 1997, lúc đó tôi 19 tuổi, nhà nghèo với 10 anh chị em, ông ngoại bảo tôi vào ở với ông Quý Ông sai gì tôi làm nấy, việc nhà, việc xưởng, ban đêm ra canh ở gác bảo vệ. Năm 2006, tôi lấy vợ, ra ngoài thuê nhà để ở nhưng vẫn làm việc cho ông. Hồi đó, khu đất này là ao cá, ao rau muống, ao sen. Có mấy cái chòi lá giữa ao, tôi vẫn thường ngủ lại”, ông Dư kể.

Theo lời ông Dư, năm 2009, ông Quý ngỏ lời bán cho ông một nền nhà, ngang 3m, dài 29m (87m2) với giá 435 triệu nhưng được bớt 10 triệu đồng. “Tôi nói không có tiền thì ông ấy nói cho trả góp 2 năm. Nghe vậy, ông Thắng cũng xin mua theo. Tôi trả cho ông 3 đợt. Tôi vẫn nhớ lần cuối trả tiền 225 triệu đồng là vào năm 2011”.

“Sau khi bán đất, trả tiền, ông Quý là người cho xây hàng rào bằng gạch trụ bê tông cao 2m để làm ranh giới. Do khu đất của tôi và ông Thắng nằm phía bên trong đất mà ông Sĩ mua nên ông Mười có chừa đường đi rộng 2m nhưng sau đó không cho đi nữa nên tôi đi nhờ sang đất ông Sĩ. Để có mặt bằng như hôm nay, tôi và ông Thắng cùng phải thức đêm thức hôm vác từng thùng đất san lấp ao, cải tạo đường đi mới được như bây giờ”, lời ông Dư thuật lại.

Suốt 11 năm qua, gia đình ông Dư và ông Thắng có chỗ che nắng, che mưa là hai căn nhà tôn xiêu vẹo, tạm bợ
Suốt 11 năm qua, gia đình ông Dư và ông Thắng có chỗ che nắng, che mưa là hai căn nhà tôn xiêu vẹo, tạm bợ 

Theo lời ông Dư, năm 2013, để có đủ hạn mức xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (trên 500m2) nên ông và ông Thắng làm giấy bán cho ông Sĩ. Nhưng việc xin cấp sổ không thành. Ông Sĩ chán, năm 2015 bán hết cho ông Dư. Vì thế, ông Dư mới có 674m2 và có sự chuyển nhượng qua lại.

“500m2 tôi mua của ông Sĩ thì có 365m2 là đất thuộc quy hoạch đường Dương Quảng Hàm dự phóng, có lộ giới 40m. Con đường được quy hoạch từ những năm 95 nhưng không biết bao giờ mới thực hiện. Năm 2015, một dự án chung cư, nhà phố tiến hành. Họ làm con đường rộng 12m kéo đến ngay cửa ngõ mảnh đất 674 m2 của tôi. Đất của tôi bỗng dưng thành mặt tiền rất đẹp”, ông Dư kể.

Vẫn lời ông Dư, năm 2017, con trai ông Quý sang đòi lại đất vì nói mua bán viết tay, không được công nhận. Ông Dư không chấp nhận thì bắt đầu xảy ra tranh chấp. Một vài lần xảy xô xát phải có sự can thiệp của công an. Không chịu trả đất, nhận lại tiền, các ông Dư, Thắng, Sĩ bị ông Quý kiện ra tòa.

“Tôi nói thật, Tòa Gò Vấp xử sai nhưng còn có chút tình. Họ còn chừa cho tôi một ít đất, được bồi thường một ít tiền. Còn tòa phúc thẩm tuyên như thế thì… mất hết. 

Gần chục năm trước, tôi mua hết 3,2 tỷ đồng, nay tòa tuyên cả gốc cả lãi mà ông Quý trả lại cho tôi có 2,9 tỷ. Sao không uất ức. Tôi tin tưởng pháp luật, tin sẽ có người công tâm, sẽ có cấp thẩm quyền giúp tôi tìm lại công bằng”, ông Dư nói.

Quan điểm VKS hai cấp khác với tòa

Ở cấp sơ thẩm, VKSND quận Gò Vấp đã kháng nghị 6 vấn đề đối với bản án của TAND cùng cấp. Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện, tòa tính từ tháng 3/2017 để áp dụng là không chính xác.

Thứ hai, tòa chưa xác định rõ điều kiện tách thửa, điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các lô đang tranh chấp tại thời điểm chuyển nhượng và hiện nay nhưng đã giải quyết vụ án là chưa đủ căn cứ để xác định các giao dịch có vi phạm điều cấm hay không, nhằm xem xét thời hiệu khởi kiện và căn cứ giải quyết.

Thứ ba, thời điểm thực hiện giao dịch chuyện nhận tiền, giao đất các đương sự có thỏa thuận vị trí, kích thước thửa đất, tòa chưa làm rõ là thiếu sót.

Thứ tư, bản án tuyên hủy các giao dịch và ông Dư được làm sổ đỏ với diện tích 174m2 đất nông nghiệp là không phù hợp với diện tích tối thiểu theo quy định.

Thứ năm, việc xác định giá trị đất giữa phần nằm ngoài lộ giới và trong lộ giới chênh lệch rất lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Thứ sáu, về án phí đối với yêu cầu của ông Quý.

Ở cấp phúc thẩm, VKSND TP HCM cho rằng tranh chấp nêu trên là tranh chấp “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. 

Theo VKS cấp phúc thẩm: Việc xem xét hiệu lực của các hợp đồng ký kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải xem xét cả yếu tố khác, trong đó có mục đích và nội dung có phù hợp quy định pháp luật, đạo đức xã hội. Xét về tình, các bên chuyển nhượng có đủ năng lực hành vi, tự nguyện và bình đẳng, đã trao đủ tiền, giao đủ đất. Người mua đã đầu tư, tôn tạo, giữ gìn hàng chục năm. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn nhiều vi phạm nên VKS đề nghị hủy án. Nhưng ý kiến của VKS hai cấp đều không được tòa chấp nhận.

Được biết, sau cuộc họp khẩn, Viện trưởng VKSND TP HCM đã có báo cáo gửi Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ việc bị đơn đòi nhảy lầu ở tòa.

Đọc thêm