Vụ kiện biển Đông - Hồi hộp trước giờ “G”

(PLO) - Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vào ngày 12/7/2016. 

Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc lên PCA vào năm 2013, nói yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để khoanh vùng chủ quyền của mình ở Biển Đông là trái với Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên.

Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không được bất cứ quốc gia nào chấp nhận
Yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không được bất cứ quốc gia nào chấp nhận

Ba kịch bản

Theo Thẩm phán Antonio Carpio, trong “kịch bản tốt”, PCA có thể sẽ phán quyết “đường chín đoạn” là “vô hiệu”, bãi cạn Scarborough nằm trong vùng biển chủ quyền của Philippines, vốn là khu vực đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines, nhưng Toà sẽ không ra phán quyết về các vấn đề khác.

Nếu kịch bản này xảy ra, Philippines sẽ sở hữu vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá tại đây. Trung Quốc được dự đoán sẽ không tuân thủ phán quyết trừ phi có các nước lớn và các tổ chức quốc tế buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết và người Trung Quốc nhận ra tuyên bố đường chín đoạn không có cơ sở lịch sử. 

Nếu Toà phán quyết “đường chín đoạn” không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền, bãi cạn Scarborough tạo ra vùng biển chủ quyền là vùng đánh cá truyền thống của người Philippines. Với kịch bản này, Philippines cần có các chiến dịch ngoại giao với LHQ, các nước ASEAN khác, EU và thế giới để đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà và cấm việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực “đường chín đoạn”.

Còn một “kịch bản” thứ ba là Toà án không phán quyết về giá trị của “đường chín đoạn”, không đề cập đến các vấn đề khác. Nếu phán quyết này xảy ra, Trung Quốc sẽ áp đặt “đường chín đoạn” là ranh giới chủ quyền, Trung Quốc sẽ chặn hoặc quấy rối đường tiếp tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia đến các đảo mà các nước này đang kiểm soát tại Trường Sa, cuộc tranh chấp pháp lý về vùng biển trong khu vực “đường 9 đoạn” vẫn tiếp tục.

Nếu như thế, chạy đua vũ trang trên biển sẽ xảy ra. Mỹ và các đồng minh sẽ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc sẽ chống lại các hoạt động tuần này khiến căng thẳng gia tăng.

Trong buổi nói chuyện tại Manila ngày 24/6, Thẩm phán Carpio đưa ra nhiều giải pháp để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA, bao gồm việc xin đình chỉ giấy phép của Trung Quốc tại Cơ quan Quản lý đáy biển quốc tế. Tuy nhiên, ông Carpio cũng thừa nhận phán quyết của PCA sẽ không giải quyết được tranh chấp trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Thẩm phán Carpio nhận định: “Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ phán quyết này. Vì thế, đó là lý do Việt Nam gửi thư đến PCA tuyên bố ủng hộ Philippines. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào tình hình riêng của mỗi quốc gia”.

Tin Philipppines thắng kiện...

Ngày 29/6, luật sư Paul Reichler, người phụ trách hồ sơ vụ kiện Trung Quốc của Philippines, nói rằng có khả năng phán quyết mà PCA đưa ra sẽ bác bỏ mọi cơ sở pháp lý của Bắc Kinh đối với các tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông. 

Ông Reichler là luật sư quốc tế nổi tiếng vì thường đại diện cho các nước nhỏ trong những vụ kiện chống lại nước lớn. Trong số những vụ kiện mà ông tham gia, phải kể đến vụ kiện hồi những năm 1980 khi Nicaragua cáo buộc Mỹ tài trợ phe nổi dậy cánh hữu Contra chống lại chính phủ cánh tả. Trong bài phỏng vấn với Hãng tin Reuters, luật sư Reichler bày tỏ sự tin tưởng rằng PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho Manila trong vụ kiện chống lại Trung Quốc - quốc gia luôn phủ nhận thẩm quyền của Tòa này và nói rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết sắp tới.

Philippines, một đồng minh thân cận của Mỹ, đang thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 90% diện tích Biển Đông, nơi một trong các tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới chạy qua. Một số nước Đông Nam Á cũng có chủ quyền chồng lấn trong khu vực này và các tranh cãi đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự có thể cản trở giao thương quốc tế.

Ông Reichler nói rằng ông không tham gia quá trình ra phán quyết và nhiều khả năng cũng sẽ không được biết bất kỳ thông tin gì cho đến phút cuối. Tuy nhiên, ông gần như chắc chắn rằng Manila sẽ thắng kiện, điều mà Mỹ và hầu hết các quốc gia liên quan tới vấn đề Biển Đông cho là hợp lý. Vài giờ sau khi tòa tuyên bố thời điểm ra phán quyết, ông Reichler nói: “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ thắng kiện một cách xứng đáng”, và gọi vụ kiện này là một trong những vụ có ảnh hưởng sâu rộng nhất của PCA.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” với phạm vi bao trùm cả khu vực trung tâm Đông Nam Á và hàng trăm đảo và rạn san hô đang tranh chấp với nhiều quốc gia. Đây đều là các khu vực giàu hải sản và có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn.

Ông Reichler nói rằng một phán quyết chống lại Bắc Kinh “sẽ phủ nhận mọi cơ sở pháp lý của Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền như vậy”. Manila lập luận rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và hạn chế quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Cùng ngày 29/6, Trung Quốc tuyên bố việc Manila kiện Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của bên thứ ba về vấn đề này. Ông Reichler cho rằng với việc bác bỏ phán quyết này, Trung Quốc đang “tự tuyên bố mình là một quốc gia ngoài vòng pháp luật”.

Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ “thổi phồng” tranh chấp và cảnh báo sẽ trả đũa những bình luận mang tính chỉ trích của Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc gần như rất ít đề cập tới những phản ứng của mình đối với phán quyết sắp tới. Giới chức Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như họ từng làm ở biển Hoa Đông năm 2013, và tăng cường xây dựng cũng như quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo.

Washington cho biết để đối phó với các hoạt động này, Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động tuần tra bảo vệ “tự do hàng hải” và hàng không cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, ông Reichler nói rằng: “Không một ai muốn hoặc nên tính tới việc sử dụng vũ lực”. “Có thể cuối cùng… Trung Quốc sẽ nhận ra rằng họ sẽ “mất nhiều hơn được” từ việc kích động bất ổn và không tôn trọng pháp luật”...

Đọc thêm