Luật buộc giám định viên phải có mặt
Cuộc chiến Grab – Vinasun (Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam) tạm thời khép lại khi mới đây, TAND TP HCM tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử, có một tình tiết pháp lý đáng chú ý, đó là việc đại diện VKS nhận định Công ty CP Thẩm định - Giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long) được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng đều vắng mặt là vi phạm pháp luật.
Dù rằng tòa xét thấy việc vắng mặt không ảnh hưởng đến kết quả xử lý nhưng qua việc này, nhiều chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng, pháp luật liên quan còn nhiều thiếu sót, cần bổ sung để hoàn thiện. Bởi trên thực tế, đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, khiến những người trong cuộc bức xúc.
Thạc sĩ – luật sư (LS) Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn Luật sư TP HCM), người từng nhiều năm công tác trong ngành kiểm sát cho biết: “Theo quy tại định tại Điều 2, Luật Giám định tư pháp năm 2012, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự...
Khoản 1, Điều 80, BLDS năm 2015 cũng quy định, người giám định “phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan”.
Trường hợp người giám định vắng mặt nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ việc, đến công tác xét xử thì HĐXX tiếp tục xét xử. Nếu việc người giám định vắng mặt làm ảnh hưởng đến việc xét xử thì HĐXX hoãn phiên tòa. Và tòa tiếp tục triệu tập người giám định.
“Tuy nhiên, sự vắng mặt của người giám định có ảnh hưởng đến công tác xét xử hay không là do nhận thức của mỗi thẩm phán. Nên tốt nhất là trong mọi trường hợp, khi tòa án yêu cầu thì người giám định phải chấp hành”, LS Trúng nói.
Cần miễn nhiệm chức danh giám định viên tư pháp
LS Trúng cho rằng trong vụ án Vinasun kiện Grab, mặc dù tòa án đã triệu tập nhiều lần nhưng giám định viên Công ty Cửu Long không đến là đã vi phạm pháp luật như đã nêu ở trên.
Nhận định thêm, LS Trần Như Lực (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, việc không tham gia phiên tòa của giám định viên không những vi phạm nghĩa vụ mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với kết quả giám định của mình. Cạnh đó, nó thể hiện sự không tôn trọng tòa án, không tôn trọng pháp luật và cản trở hoạt động xét xử của tòa án.
Tuy nhiên, theo các luật sư, dù luật có qui định hành vi trên là vi phạm nhưng hiện nay, Luật Giám định tư pháp cũng như Bộ luật Tố tụng Dân sự và các văn bản pháp luật khác lại chưa có quy định về việc chế tài.
LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) đơn cử pháp luật hiện nay chưa có biện pháp áp giải giám định viên đến tòa. Do đó, việc có công nhận kết luận giám định thiệt hại để làm cơ sở tuyên án hay không là quyền của tòa. Đây là một lỗ hổng cần phải được ghi nhận trong luật.
“Ngoài ra, để hạn chế và xử lý tình trạng tòa án đã triệu tập nhiều lần nhưng người giám định cố tình không đến, theo tôi cần bổ sung phải quy định “cố tình không tham gia phiên tòa, phiên họp” vào “các hành vi cấm, quy định tại Điều 6, Luật Giám định tư pháp năm 2012”. Đồng thời, cần thêm qui định “người giám định 2 lần bị tòa án xử lý về hành vi cản trở hoạt động xét xử sẽ bị miễn nhiệm chức danh giám định viên tư pháp” vào quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp”, Luật sư Trúng đề xuất.
Cạnh đó, theo LS Lực, cũng phải bổ sung qui định: “Người giám định nếu không vì lý do chính đáng mà cố tình vắng mặt gây cản trở việc xét xử của tòa án thì bị lập biên bản và xử lý hành chính về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án” vào Bộ luật Tố tụng Dân sự và Pháp lệnh Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án”.
Theo các LS, việc bổ sung này là cần thiết để pháp luật được thượng tôn, việc xét xử ở các phiên tòa được diễn ra nhanh chóng, dễ dàng./.