Mặc đồ tang ôm di ảnh náo loạn sân tòa
Buổi sáng một ngày đầu tháng 11/2017, bầu trời u ám, xám xịt như sắc mặt người bệnh. Mà những người đến dự khán, mặt mũi ai nấy cũng nặng nề như đeo chì. Phiên tòa xét xử tranh chấp di sản thừa kế (do TAND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử) nhưng còn lạnh lẽo, u uất hơn cả những phiên tòa xét xử vụ án giết người.
Cha, mẹ người đã khuất là nguyên đơn khởi kiện (người cha SN 1927). Ông bà ủy quyền cho con gái (là em gái người đã khuất – em dâu bị đơn) tham gia tố tụng. Vợ người đã khuất (SN 1965) là bị đơn, hai con trai của họ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Em gái người đã khuất mặc áo tang, ôm theo di ảnh anh trai đến tòa. Những người thân khác đầu chít khăn tang trắng xóa. Trong di ảnh, ánh mắt người đàn ông như u ám, đau đớn. Nhưng có lẽ, người thân chẳng ai để tâm. Bởi họ đang hằn học, oán giận ném ánh mắt hận thù về phía “bên kia”, nơi vợ và các con người đã khuất đang ngồi.
Trong phiên tòa trước, do bị đơn vắng mặt nên phải hoãn, khiến “phe” nguyên đơn bất bình, la hét làm náo loạn cả một góc sân tòa. Em gái người đã khuất mặt đồ tang trắng toát, đầu chít khăn tang, ôm di ảnh anh trai ngồi bệt nơi cổng tòa, khóc lóc đầy ai oán, miệng không ngớt nhiếc mắng người chị dâu. Cuộc “náo loạn” đã khiến nhiều người hiếu kỳ xúm lại nơi cổng tòa án, trong khi người phụ nữ kia luôn miệng gào khóc. Lực lượng công an phải chật vật một thời gian mới vãn hồi được trật tự.
Có lẽ, “rút kinh nghiệm” từ phiên tòa trước, phiên tòa lần này, lực lượng cảnh sát tư pháp được tăng cường dày đặc để bảo vệ trật tự phiên tòa. Tuy nhiên, quá trình xét xử, có người vẫn quá kích động, đã chửi rủa, la hét, khiến không khí phiên tòa vô cùng náo loạn.
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng bị đơn và hai người con trai trước đây ở cùng nhà với cha mẹ chồng. Trong quá trình sống chung, vì mâu thuẫn với cha mẹ chồng và nàng dâu thường xuyên xảy ra nên vợ chồng bị đơn phải ra ở riêng. Cách đây năm năm, chồng bị đơn không may lâm bệnh một thời gian rồi qua đời, không để lại di chúc. Từ đó, gia đình chồng và ba mẹ con người con dâu xảy ra tranh chấp khối tài sản chung mà người đã khuất để lại.
Tranh cãi từ định giá đến phân chia
Theo đơn khởi kiện của cha mẹ chồng, họ cho rằng tài sản chung của vợ chồng người con trai gồm một ngôi nhà mà con dâu và hai cháu nội đang ở, có giá trị hơn 700 triệu đồng; một thửa đất trị giá 1 tỷ đồng; một xe ô tô trị giá nửa tỷ; 2 xe máy trị giá hơn 100 triệu đồng. Tổng tài sản chung của vợ chồng con trai nguyên đơn là 2,3 tỷ đồng. Ông bà cho rằng con trai mình có một nửa tài sản trên, là di sản thừa kế.
Do đó, cha mẹ chồng của bị đơn yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế cho 5 người ở hàng thừa kế thứ nhất là cha, mẹ, vợ và hai con trai của người đã khuất. Quá trình giải quyết vụ án, cha mẹ người đã khuất quyết định rút đơn yêu cầu, không chia phần di sản thừa kế là ngôi nhà mà con dâu và các cháu nội đang ở. Lý do là để làm nơi thờ tự con trai mình.
Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, cũng là em chồng của bị đơn tỏ ra bức xúc khi tòa xác định tài sản chung của vợ chồng bị đơn chỉ hơn 1 tỷ. Người phụ nữ này cho rằng , hội đồng định giá tài sản xác định giá trị các loại xe ô tô, xe mays là thấp so với thị trường.
Trước đây, do phía cha mẹ chồng không đồng ý với kết quả định giá lần thứ nhất vào năm 2015 và đề nghị thành lập hội đồng định giá lần thứ 2, tòa án đã thành lập hội đồng định giá lần thứ 2 vào năm 2016, nhưng kết quả vẫn như lần định giá đầu tiên. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự, khi mở phiên tòa, tòa án đã thành lập hội đồng định giá tài sản thêm lần nữa và kết quả vẫn không thay đổi.
Do đó, HĐXX nhận định, không có căn cứ để nguyên đơn cho rằng hội đồng định giá tài sản do TAND TP Huế thành lập đã xác định giá trị các tài sản tranh chấp là không phù hợp. Tòa buộc nguyên đơn phải chấp nhận kết quả định giá trên để làm căn cứ xét xử. Kết luận này từ hội đồng xét xử khiến đại diện nguyên đơn bức xúc, một phen náo loạn ồn ào.
Cha mẹ đào thi thể con mang đi chôn nơi khác
Tại phiên tòa, bị đơn trình bày, sau khi chị kết hôn, hai vợ chồng chị về sống chung trong nhà của cha mẹ chồng. Khi đi lấy chồng, chị mang theo của hồi môn cha mẹ ruột cho chị là 20 lượng vàng cùng vốn liếng riêng của chị thời con gái là 300 triệu đồng. Vợ chồng dành dụm thêm được một ít, cùng với tất cả số tiền chị mang theo khi lấy chồng đều được mang hết ra để xây dựng, sửa chữa nhà ở, mong ổn định cuộc sống.
Nào ngờ sống chung chẳng được mấy năm thì mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhà ngày càng trầm trọng. Cha mẹ chồng và chị em chồng gây sự, đánh đập, đuổi vợ chồng chị và hai con nhỏ ra khỏi nhà. Bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng đều đổ hết vào sửa sang nhà cửa trước đó, nên vợ chồng chị trắng tay, phải đi thuê nhà ở trọ.
Vượt qua những tháng ngày kham khổ, thiếu thốn, vợ chồng chị xoay sở, vay mượn tiền bạc rồi kinh doanh làm ăn. Vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, chắc chiu dành dụm từng đồng mới tạo dựng được khối tài sản chung như nguyên đơn nêu ra.
Theo người con dâu, khi chồng chị lâm bệnh nặng rồi qua đời vào năm 2013, đã để lại khoản nợ gần 1,8 tỷ đồng. Đó là các khoản tiền vay để làm ăn, nợ thuế sử dụng đất, nợ tiền chi phí mai táng chôn cất. Người phụ nữ nói bằng giọng đầy uất nghẹn: “Chồng tôi vừa mất. Mồ anh chôn chưa kịp xanh cỏ, mộ chưa kịp xây, thì bị gia đình nhà chồng đào bới lấy thi thể đem đi chôn nơi khác rồi khởi kiện chia thừa kế, hỏi có đau đớn nào hơn…”.
Người em chồng trừng mắt “tố” chị dâu cố tình bỏ mặc chồng bệnh nặng, không đưa chồng đến bệnh viện chữa chạy, mới khiến anh trai mình “bỏ mạng oan uổng”. Gia đình chồng còn tố bị con dâu ngăn cản không cho tiếp cận con, anh của mình, nên không thể đưa người thân đi bệnh viện.
Bị đơn phản bác, bảo gia đình chồng “đặt điều, vu oan”.Chị hoàn toàn phủ nhận những lời tố cáo của nhà chồng. Phiên tòa lại một lần nữa nóng lên, ồn ào đến nhức óc. Thẩm phán phải cật lực mới khống chế, ổn định lại phiên tòa.
Sau quá trình xét xử, tòa xác định những tài sản mà nguyên đơn đưa ra là tài sản chung của hai vợ chồng bị đơn. Qua nhiều lần định giá, giá trị khối tài sản đó tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Phần của bị đơn hơn 500 triệu. Phần của chồng bị đơn - cũng là con trai của nguyên đơn là hơn 500 triệu đồng. Trừ khoản nợ chung 600 triệu đồng phải thanh toán, di sản của người đã khuất còn lại chỉ hơn 200 triệu đồng, chia cho 5 người thừa kế là cha, mẹ, vợ, và hai con của người đã chết, mỗi người được hưởng hơn 40 triệu đồng.
Có nghĩa phía nguyên đơn, cha mẹ người đã khuất sẽ được cô con dâu trả hơn 80 triệu đồng. Tiếng la hét lại lần nữa làm chốn pháp đình náo loạn khiến lực lượng công an bảo vệ phiên tòa phải vất vả giữ trật tự. Người em chồng liên tục gào thét.
Từ diễn biến vụ án dễ nhận thấy, không hẳn vì tài sản mà khiến nhà chồng và con dâu hành xử như vậy. Có lẽ sâu xa hơn, đó là cách cư xử, mâu thuẫn giữa nhà chồng và con dâu, khiến họ phải nhất định ăn miếng trả miếng. Đến nỗi không chỉ tranh chấp về tài sản, mà ngay cả thi thể người đã khuất cũng bị họ giành giật hơn thua.
Cha mẹ chồng, chị em chồng và nàng dâu không thể nhìn mặt nhau, thậm chí là ghét bỏ, hận thù. Những đứa cháu nội sẽ nghĩ gì? Dường như đó là điều mà những người trong cuộc vì tranh chấp mà không đếm xỉa đến. Chẳng biết có khi nào, họ mới nhận ra sự mất mát của tình thân?