Vụ “lừa bán, cưỡng bức” lao động nghèo ở Lâm Đồng : Có người bao che?

Các nạn nhân còn tố cáo có 23 lao động tại xã Mlah (Krôngpa, Gia Lai) cũng bị Cty Đức Hoàng lừa đi “bán đứng” cho cơ sở môi giới việc làm Hoa Hiền; người lao động bức xúc muốn trở về địa phương thì bà Hoa Hiền yêu cầu phải nộp 1 triệu đồng/người thì mới được về.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc hàng trăm người lao động nghèo ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai… bị lừa bán vào hái cà phê cưỡng bức tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng: bị giam nhốt, lao động khổ sai; ếu không làm thì bị dọa đánh, giết, ai đòi về phải nộp tiền chuộc...

Chưa có căn cứ khẳng định là lao động khổ sai!

Ngày 13/12/2010, ông Phùng Khắc Đồng- người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước dư luận về việc một vài đơn vị giới thiệu việc làm sử dụng người môi giới đến các địa phương khác tìm kiếm người lao động đưa đến làm việc tại huyện Lâm Hà, đã lừa gạt người lao động và người sử dụng lao động đã có hành vi xâm hại đến thân thể của người lao động, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.

hkmjgh
23 lao động tại xã Mlah (Krôngpa, Gia Lai) cũng bị Cty Đức Hoàng lừa đi “bán đứng” cho cơ sở môi giới việc làm Hoa Hiền

Theo báo cáo của cơ quan chức năng và UBND huyện Lâm Hà, Cty TNHH dịch vụ thương mại Nguyễn Đan Phong (Cty Đan Phong - tại khu phố Sơn Hà, thị trấn Đinh Văn), Cơ sở Hoa Hiền (thị trấn Đinh Văn); Cty TNHH Minh Nghĩa (Cty Minh Đức - thôn Đức Thành, xã Hoài Đức) đã thuê người đến các tỉnh Phú Yên, Gia Lai… tìm người có nhu cầu việc làm để giới thiệu.

Mặc dù biết rõ lao động phổ thông chỉ được trả công từ 1,2 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/người/tháng, nhưng để tìm kiếm được người lao động, họ đã hứa là sẽ trả công từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Khi đến làm việc tại huyện Lâm Hà đều là lao động phổ thông và chỉ được trả tiền công 1,2 triệu đồng đến 1,7 triệu đồng/người/tháng. Trong lúc làm việc vất vả và không quen với công việc nên nhiều người không muốn tiếp tục làm việc, yêu cầu để họ trở về quê, từ đó nẩy sinh vướng mắc tranh chấp giữa người sử dụng lao động.

Ông Đồng còn cho biết: Sau khi kiểm tra, xác minh, bước đầu các cơ quan chức năng địa phương đã xử lý: Đối với Cty Đan Phong và Cơ sở Hoa Hiền hoạt động môi giới việc làm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái pháp luật; yêu cầu đình chỉ hoạt động, giao cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Đối với Cty Minh Nghĩa thì có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng hoạt động không đúng quy định tại Nghị định số 19 của Chính phủ, nên ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với người lao động do các đơn vị trên đưa đến Lâm Đồng làm việc, có nguyện vọng trở về gia đình, huyện Lâm Hà đã yêu cầu các đơn vị và người sử dụng lao động đã thu tiền của họ phải trả lại tiền, tạo điều kiện cho họ trở về quê. 

Người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Chưa có căn cứ nào để khẳng định là những người lao động bị đánh đập, giam nhốt hoặc “lao động khổ sai”, không liên lạc được với người thân”.

Người trong cuộc nói gì?

Tuy nhiên, nhiều nạn nhân cho rằng: “Dường như các cơ quan chức trách huyện Lâm Hà đã và đang tìm cách che đỡ cho hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ “buôn người”. 

Bởi lẽ, anh Nguyễn Văn Trà, 40 tuổi ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, Phú Yên phản ánh: “Chiều 24/11, hai chiếc xe Ford Transit loại 16 chỗ ngồi đã đến xã các xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa), Hòa Bình 1 và Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) để đón tổng cộng 34 lao động đi Lâm Đồng hái cà phê mướn. Khoảng 12 giờ đêm 24/11 thì xe đến trụ sở Cty DV TM Minh Nghĩa tại xã Hoài Đức1, huyện Lâm  Hà.

Sau đó, có 7-8 người đàn ông dáng vẻ rất hung tợn đã “lùa” 34 người chúng tôi qua một con hẻm nhỏ có 3 lớp cửa sắt, đi vào một căn nhà nhỏ và được canh giữ chặt chẽ, không cho ai ra ngoài. Đến 1 giờ sáng 25/11, chúng tôi được những người chủ cần lao động đến nhận rồi đưa đi đến các trang trại cà phê.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi bị “quản” rất chặt và làm việc nặng nhọc suốt ngày đêm, nhưng các chủ vườn cà phê chỉ trả lương từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/tháng, chưa bằng một nữa so với mức mà chúng tôi được hứa trả trước khi đi. Không chịu nổi, nhiều người xin về thì bị chủ vườn thu điện thoại, yêu cầu giao nộp cả chục triệu đồng là tiền mà họ đã trả cho Cty Minh Nghĩa, nếu bỏ trốn sẽ bị giết!

Đã có hơn 20 gia đình ở Thôn Phú Thịnh không biết người thân lao động ở đâu vì điện thoại mang theo đều bị chủ vườn thu giữ và tắt máy;  có 9 người quê ở xã Hòa Bình 1 đã được chuộc khỏi nơi đến làm mướn với tổng số tiền 14.150.000đ; 11 người ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) đã trở về nhà sau khi đã trả tiền chuộc cho chủ thuê lao động hoặc Cty Minh Nghĩa mỗi người từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng”.

Mặt khác, các nạn nhân còn tố cáo thêm: 23 lao động tại xã Mlah (Krôngpa, Gia Lai) cũng bị Cty Đức Hoàng lừa đi “bán đứng” cho cơ sở môi giới việc làm Hoa Hiền, người lao động bức xúc muốn trở về địa phương thì bà Hoa Hiền yêu cầu phải nộp 1 triệu đồng/người thì mới được về.

Hơn 50 lao động ở xóm Tân Lợi A , thôn Tân Xuân, xóm 1 thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh huyện Phù Cát, Bình Định cũng đã bị  các đường dây “buôn người” nói trên lừa và “giữ” làm việc tại Lâm Đồng. Khi người lao động đề nghị được quay về quê thì chủ trang trại cà phê đòi đánh đập, dọa giết nên phải cắn răng chịu đựng.

Anh Nguyễn Công Danh ở huyện Tây Hòa - người được gia đình “chuộc” về với giá 1,3 triệu đồng tố cáo Cty Minh Nghĩa đã công khai “bán đứng” người lao động cho các chủ vườn cà phê ở Lâm Hà với giá 500.000đ/người. Còn ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã có 12 người đi làm thuê ở đây được người nhà “chuộc” về với số tiền 1,3 triệu đồng/ người.

Vấn đề được đặt ra ở đây là phải chăng các tổ chức môi giới việc làm nói trên đã có hành vi lừa đảo và cưỡng đoạt tài sản của người lao động?. Dư luận lo ngại rằng vì những đường dây “buôn người” nói trên có quan hệ với một số cán bộ huyện Lâm Hà, hơn nữa họ sợ mang tiếng cho địa phương nên chỉ điều tra, xử lý qua loa chiếu lệ?

Phúc Ân

Đọc thêm