Vụ ly hôn đặc biệt trong trại giam Bình Điền

(PLVN) - Người vợ lặng lẽ bước vào cổng trại giam Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Dáng chị nhỏ gầy, liêu xiêu dưới cơn mưa phùn. Chị vào trại giam không phải để thăm nuôi chồng, mà để thực hiện thủ tục ly hôn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Gia đình tan nát vì “cái chết trắng”

Mười bốn năm trước, anh và chị (đều ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) kết hôn. Anh làm nghề tự do. Chị buôn bán lặt vặt bên hông chợ. Mỗi ngày anh đi làm về, đôi khi ghé ngang chỗ chị mua giúp mẹ bó rau, củ cải, rồi nói dăm ba câu chuyện trò. Ngày qua tháng lại, tình cảm cứ vậy mà vun đầy, rồi thành vợ thành chồng. 

Ngày đó, anh chăm chỉ làm thuê làm mướn. Chị lại khéo vun vén gia đình. Thu nhập cả vợ lẫn chồng đều không cao, nhưng cuộc sống gia đình lúc nào cũng êm ấm. Rồi họ lần lượt có hai đứa con, cuộc sống vất vả hơn nhiều, nhưng không khí gia đình chẳng lúc nào vơi tiếng nói cười. Cứ nghĩ những tháng ngày bình yên như thế cứ nhẹ nhàng trôi qua, con cái chẳng mấy chốc mà khôn lớn trưởng thành. Nhưng đâu ngờ, khi cả hai đứa con còn thơ dại, cần bờ vai của người cha nhất, thì anh lại dính vào ma túy.

Anh cũng không rõ mình đã dính vào thứ chết người đó như thế nào. Có lẽ là một lần tụ tập cùng bạn bè, rồi bị bạn bè xúi giục, hút thử vài hơi. Sau vài lần dùng thử, lại đâm ra dùng thật. Với đồng lương làm thuê ít ỏi, anh trở nên chật vật vì “vã” thuốc. Thời gian đầu, anh còn cố “bóp mồm bóp miệng” đưa về nhà ít tiền làm thuê phụ vợ nuôi con. Sau đó thì chút tiền ít ỏi kiếm được ấy cũng chẳng thỏa mãn được con nghiện. Rồi sau đó nữa, những cơn thèm thuốc trỗi dậy ngày một dày khiến anh chẳng còn sức nhấc chân đi làm thuê. “Kịch bản” quen thuộc của đa số người nghiện chính là lao vào buôn bán trái phép ma túy để có tiền mua thuốc. Anh cũng đi chính con đường mà bao kẻ nghiện ngập khác đã đi qua.

Lần đầu bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, anh bị phạt bốn năm rưỡi tù giam. Cha mẹ, vợ con bàng hoàng, hoảng hốt. Sau cơn bàng hoàng, họ lại khổ sở nhịn ăn, nhịn mặc, cơm đùm gạo bới đến trại thăm nuôi. Nhà vốn dĩ đã khó khăn, giờ mất đi một lao động, lại phải tốn tiền bạc thăm nuôi tháng tháng, khổ sở vô cùng.  

Nhìn cha mẹ, vợ con vì mình mà chịu cực chịu khổ, anh cũng hối hận vô cùng. Ở trong trại mấy năm trời, ngày ngày trôi qua, anh đều tự hứa, nhất định sẽ làm lại cuộc đời, nhất định không làm cha mẹ, vợ con thất vọng, nhất định sẽ không để bản thân làm một vết nhơ trong cuộc đời các con. Nhưng bao nhiêu ăn năn, bao nhiêu hứa hẹn cứ thế trôi theo gió khi anh bước ra khỏi cổng trại giam, khi “vô tình” gặp lại những “chiến hữu” ngày trước.

Không đủ bản lĩnh dứt bỏ ma túy, anh lại phạm tội để “kiếm tiền”. Lần thứ hai phạm pháp, anh bị phạt hai năm tù. Ra tù lại phạm tội tiếp. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế đeo bám lấy anh, gây không biết bao nhiêu đau khổ cho gia đình, vợ con. Lần này phạm tội, anh phải chấp hành hình phạt ba năm tù. Anh biết có lẽ mình đã chạm đến giới hạn cuối cùng của vợ. Việc gia đình tan vỡ chỉ là ngày một ngày hai.

Chút hy vọng cuối cùng tắt lịm

Chị lặng lẽ bước vào cổng trại giam. Dáng chị nhỏ gầy, liêu xiêu dưới con mưa phùn. Chị vào trại giam không phải để thăm nuôi anh, mà để thực hiện thủ tục ly hôn. Nếu như lần đầu chồng đi tù, chị còn hy vọng vào sự thay đổi của chồng. Nhưng rồi theo những ngày tháng mòn mỏi lê bước vào trại thăm nuôi chồng, niềm hy vọng ấy cũng dần phai mòn theo năm tháng. 

Mười bốn năm kết hôn cùng chồng, nhưng anh chị ở cùng nhau chẳng được mấy năm. Bởi anh dành gần cả chục năm trời ở trong tù. Một mình chị vừa chèo chống nuôi con, lại phải lo bới xách cho chồng, nhiều lúc tưởng chừng như gục ngã vì kiệt sức. Lần này chồng chị lại đi tù. Chút hy vọng cuối cùng cũng tắt lịm. Chị quyết định nhờ tòa ly hôn. 

Lần này đến trại giam, khác hẳn mọi lần chị đến đây thăm nuôi anh, bởi đi bên cạnh chị còn có vị thẩm phán và thư ký TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tòa sẽ thực hiện thủ tục pháp lý giữa hai bên. Trước đó, tòa thụ lý đơn xin thuận tình ly hôn, mà người chồng lại đang chấp hành hình phạt tù. Thế nên, lẽ ra phải triệu tập các đương sự đến trụ sở tòa án để hòa giải thì thẩm phán phải đích thân đến trại giam để làm việc.

Khi người chồng được công an đưa vào phòng làm việc, ánh mắt người vợ nặng tâm tư. Khuôn mặt người chồng cũng chất chứa những tâm sự như muốn giãi bày. Vậy mà giữa họ là khoảng không thinh lặng. Không có lời thăm hỏi nào về con cái hoặc những chuyện liên quan đến “ở nhà”.

Vị thẩm phán hỏi người chồng: “Anh có suy nghĩ lại về thỏa thuận ly hôn không? Có muốn vợ chồng đoàn tụ hay không?”. Câu hỏi ấy khiến anh khẽ giật mình. Sau một lúc ngẩn người im lặng, anh lặng lẽ buông tiếng “không” nho nhỏ. Hai đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi, anh thỏa thuận giao cho vợ chăm sóc nuôi dưỡng. Có lẽ, hơn ai hết, anh hiểu rõ mình chính là người “gây tội” đến mức gia đình tan vỡ, ly tán từ lâu. Ly hôn chỉ còn là thủ tục pháp lý.

Buổi làm việc giữa hai đương sự diễn ra chóng vánh. Sau phiên hòa giải bất thành này, tòa sẽ ra quyết định chấp nhận hai bên thuận tình ly hôn. Trước khi rời đi, anh nhờ chị nhắn với ba mẹ mình thay anh nộp 200 ngàn đồng tiền án phí bản án hình sự mà TAND TP Huế vừa mới xét xử, để đủ điều kiện được xét giảm án trong các dịp lễ, tết.

Nữ thẩm phán khuyên người vợ: “Dù không còn là vợ chồng, nhưng hết tình thì còn nghĩa. Ông bà nội các cháu đã già cả, đi lại cũng khó khăn, chị có thể giúp anh đi nộp án phí. Giờ chị có thể ra ngoài mua ít đồ ăn, đồ dùng gửi cho anh. Sau này nếu có thể, chị cũng nên dẫn các con đến thăm anh. Có lẽ, anh cũng đã hối hận vì tự tay đánh mất gia đình của mình vì những lỗi lầm mà mình gây ra. Biết đâu nghĩa tình của chị chính là động lực để anh cải tạo tốt và sau này ra tù anh có đủ quyết tâm để dứt bỏ được những cám dỗ xấu xa”.

Người phụ nữ lặng lẽ đi mua cho chồng mỳ gói, một số đồ dùng cá nhân và gửi lại ít tiền. Mắt đỏ hoe, nam phạm nhân lầm lũi theo công an về lại phòng giam. Người phụ nữ lặng thinh nhìn theo bóng người nay đã là chồng cũ, mắt cũng ăm ắp nước. 

Đọc thêm