Vụ Shopee kinh doanh hàng vi phạm: Sàn thương mại điện tử chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - "Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, dù có các quy định cụ thể chi tiết nhưng để tình trạng hàng kém chất lượng, không có nhãn mác, nhãn phụ được bán đến tay người tiêu dùng cũng cho thấy các sàn thương mại điện tử còn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật...".
Các sản phẩm chất làm đầy, làm thon gọn mặt bày bán trên các sàn thương mại điện tử.
Các sản phẩm chất làm đầy, làm thon gọn mặt bày bán trên các sàn thương mại điện tử.

* Filler, botox không hoá đơn, tem mác bán 'tràn lan' trên Shopee, Lazada và các mạng xã hội

* Kinh doanh các sản phẩm vi phạm, sàn TMĐT Shopee liên tục bị Cục Quản lý Dược 'điểm danh'

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, người tiêu dùng có thể mua được các chất làm đầy, làm thon gọn mặt như "mua mớ rau ngoài chợ".

Đồng thời, trong thời gian qua, các sàn thương mại điện tử, trong đó có sàn thương mại điện tử Shopee cho kinh doanh và bán các sản phẩm, mỹ phẩm vi phạm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được phép lưu hành (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã chỉ ra). Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chỉ đạo các sàn thương mại điện tử không được kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm…

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) thông tin về những vấn đề pháp lý liên quan đến thực trạng trên.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo Luật sư Tuấn, việc công bố mỹ phẩm là nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra tiêu thụ trên thị trường. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đưa mỹ phẩm ra thị trường không thực hiện nghĩa vụ này, pháp luật có quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 68 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a, b Khoản 19 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có vi phạm quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, hoặc hành vi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông sau thời điểm số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn mà chưa công bố lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật sư Tuấn nêu thêm, đối với các hành vi kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm thì có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, các hành vi này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.

Các sàn thương mại điện tử chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật

Cũng theo Luật sư Tuấn, hiện nay hầu hết các sàn thương mại điện tử đều có các quy định riêng về các loại hàng hóa được phép giao bán, trưng bày trên các nền tảng giao dịch của họ. Ví dụ, tại sàn thương mại điện tử Shopee đã có các quy định khá chặt chẽ về các mặt hàng, sản phẩm cấm giao dịch hoặc giao dịch có điều kiện tại Shopee tại mục 2 phần IX về quản lý thông tin xấu. Shopee đã quy định khá chi tiết và đúng với quy định của pháp luật.

Các sản phẩm này được quảng cáo là hàng xách tay, nhưng tất cả không có hoá đơn chứng từ, tem nhãn phụ.
Các sản phẩm này được quảng cáo là hàng xách tay, nhưng tất cả không có hoá đơn chứng từ, tem nhãn phụ.

“Tuy nhiên dù có các quy định cụ thể, chi tiết nhưng nếu để tình trạng hàng kém chất lượng, không có nhãn mác, nhãn phụ được bán đến tay người tiêu dùng thì các sàn thương mại điện tử chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Các sàn thương mại cần có các chính sách cũng như kiểm soát nghiêm ngặt hơn về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được phép rao bán trên sàn thương mại của mình”, Luật sư Tuấn nói.

Hơn thế nữa, cũng theo Luật sư Tuấn, trước tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không nhãn mác, không rõ xuất xứ, hàng hóa tràn lan trên thị trường như hiện nay thì các cơ quan nhà nước cũng cần có các biện pháp quản lý kịp thời, nghiêm ngặt hơn để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Luật sư Tuấn cho rằng, "hiện nay hệ thống các quy phạm pháp luật nước ta còn quy định khá chung chung về vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, khiến cho người dân cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này còn khá lúng túng trong việc xử lý".

Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Luật sư Tuấn cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử và hoạt động kinh tế số; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, uỷ quyền của Bộ trưởng.

Về quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử đối với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành về thương mại điện tử (theo Quyết định số 3839/QĐ-BCT ngày 05/10/2017 của Bộ Công thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số).

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, ngay khi phát hiện các hành vi vi phạm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần thông báo đến các sàn thương mại điện tử như Shopee…, để yêu cầu các sàn này ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm vi phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử phối hợp với Cục Quản lý Dược yêu cầu Shopee… tiến hành thu hồi các sản phẩm đã bán cho khách hàng.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa tình trạng vi phạm tương tự tiếp diễn, Cục Quản lý Dược và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần phối hợp rà soát các website thương mại điện tử phát hiện cơ sở kinh doanh mỹ phẩm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Các đơn vị chức năng cần yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử ngừng kinh doanh, gỡ bỏ các thông tin về các sản phẩm mỹ phẩm chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu công bố và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sàn giao dịch Thương mại điện tử (TMĐT) Shopee do Công ty TNHH Shopee (“Công ty”, “Shopee”) thực hiện hoạt động và vận hành. Thành viên trên sàn là các thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại hợp pháp được Shopee chính thức công nhận và được phép sử dụng dịch vụ do Sàn giao dịch TMĐT Shopee và các bên liên quan cung cấp.

Quy chế này áp dụng cho các thành viên đăng ký sử dụng, tạo lập gian hàng giới thiệu và/hoặc mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ hay khuyến mại hàng hóa được thực hiện trên Sàn giao dịch TMĐT Shopee.

Thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch TMĐT Shopee tự do thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ và không trái với quy định của pháp luật.

Sản phẩm, dịch vụ tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch TMĐT Shopee phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, không thuộc các trường hợp cấm kinh doanh, cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật, không vi phạm các quy định, chính sách của Sàn Shopee.

Hoạt động mua bán hàng hóa qua Sàn giao dịch TMĐT Shopee phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng...

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ SHOPEE.VN

Tại mục 2, phần IX quản lý thông tin xấu

Có quy định Danh sách sản phẩm cấm giao dịch và/hoặc giao dịch có điều kiện tại Shopee

a. Hàng vi phạm bản quyền: Hàng nhái, hàng giả, bản sao trái phép của một sản phẩm hay hiện vật mà có thể vi phạm quyền tác giả, quyền thương hiệu, hoặc các quyền sở hữu trí tuệ khác của các bên thứ ba;

b. Động vật và chế phẩm từ động vật (bao gồm động vật hoang dã);

c. Đồ cổ và các tạo tác nghệ thuật;

d. Mỹ phẩm đã qua sử dụng;

e. Tiền giả, con dấu giả;

f. Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ;

g. Tiền tệ;

h. Các chất ma túy (bao gồm cả ma túy tổng hợp), thuốc các loại, thuốc kích dục…;

i. Các thiết bị giám sát điện tử và thiết bị điện tử khác như thiết bị chia cáp truyền hình, máy quét radar, thiết bị điều khiển tín hiệu giao thông, thiết bị nghe lén;

j. Các mặt hàng bị cấm vận;

k. Súng, vũ khí và các sản phẩm có hình dạng giống vũ khí như sau:

- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng;

- Súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác;

- Súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ;

- Các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác;

- Giống lựu đạn, bom, mìn;

- Giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...).

l. Các loại pháo: pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loại vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng;

m. Đồ chơi tình dục, công cụ hỗ trợ tình dục (sex toy) các loại;

n. Thực phẩm bị nghiêm cấm: Vì sự an toàn của tất cả người dùng, người bán không nên đăng bán các loại thực phẩm/chế phẩm liên quan sau trên Shopee:

- Thực phẩm thuốc: các mặt hàng được giới thiệu là có tác dụng trong chẩn đoán, cứu chữa, điều trị hoặc phòng ngừa bệnh ở người hoặc động vật; có tác dụng tránh thai, gây mê, hoặc ức chế/chấm dứt/tăng cường chức năng sinh lý tạm thời hoặc lâu dài (ví dụ: dược phẩm, thuốc giảm cân không nhãn mác xuất xứ hoặc nhãn mác sai);

- Thực phẩm độc hại: Thực phẩm có chứa thành phần bị cấm hoặc vượt quá tỷ lệ cho phép; thực phẩm bị pha trộn mà không thông báo đầy đủ cho người mua trước thời điểm giao dịch;

- Các chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng;

- Nấm dại;

- Bất kì mặt hàng thực phẩm nào gây hại đến sức khỏe con người;

Thực phẩm không thuộc các danh mục bị cấm nêu trên phải tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc tối thiểu sau:

- Có hạn sử dụng - tất cả các mặt hàng thực phẩm phải được dán nhãn có chứa thông tin hạn sử dụng rõ ràng. Không được bán các mặt hàng thực phẩm đã hết hạn.

- Các mặt hàng thực phẩm dễ bị hỏng/ôi thiu - Người bán có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ trong phần mô tả hàng hóa và đảm bảo rằng thực phẩm luôn được đóng gói hợp lý.

o. Tất cả các sản phẩm đăng bán cần được giữ nguyên tem/mác, bao bì, không được phép chia/chiết ra dưới bất kì hình thức nào, để đảm bảo rằng người mua có bằng chứng xác định hàng giả, hàng đã qua sử dụng...

Đọc thêm