Vụ tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định: Đề nghị khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương

(PLO) -Một ngày sau khi có chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khởi kiện vì Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã làm sai hợp đồng, đại diện Cty đã “xuất đầu lộ diện” sau nhiều lần dùng kế “im lặng” để hoãn binh. Lý do vắng mặt được cho là do giám đốc… đổ bệnh, phải điều trị.
Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định hư hỏng phải nằm bờ.
Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định hư hỏng phải nằm bờ.

Vắng mặt do bị bệnh?

Ngày 27/6, ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã gửi công văn đến UBND tỉnh Bình Định về việc khắc phục, sửa chữa các tàu vỏ thép hư hỏng do đơn vị đóng trên địa bàn.

Theo công văn, thời gian qua, Cty TNHH Đại Nguyên Dương (ở Nam Định) ký hợp đồng đóng 5 tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP tại Bình Định, trong đó huyện Phù Mỹ có 3 tàu và huyện Phù Cát có 2 tàu. Trong quá trình vận hành và khai thác, 5 tàu trên gặp sự cố hỏng hóc, rỉ sét nghiêm trọng.

“Để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân và việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu được khách quan, Cty TNHH Đại Nguyên Dương đề nghị các cấp cơ quan, lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các ngư dân đưa tàu đến xưởng đóng tàu của Cty tại Nam Định để xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu và khắc phục trong phạm vi bảo hành”, công văn nêu.

Nói về lý do vắng mặt trong cuộc họp công bố kết quả thẩm định chất lượng tàu vỏ thép ngày 26/6 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, công văn cho rằng do Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương bị bệnh phải nằm viện điều trị nên không đến dự được.

Trước đó, ngày 26/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp công bố kết quả chính thức của Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng tại tỉnh này. “Trong buổi công bố kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định tuần trước, Cty TNHH Đại Nguyên Dương cũng vắng mặt. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm với ngư dân” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho hay.

Những con tàu rỉ sét làm ngư dân điêu đứng
Những con tàu rỉ sét làm ngư dân điêu đứng

“Họ quá ác… tôi nhất định phải kiện ra tòa”

Kết quả chính thức của Tổ thẩm định tàu 67 hư hỏng cho thấy, có 5 tàu cá vỏ thép do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa Cty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc khiến nhiều người bất ngờ. 

Đối với 12 tàu cá vỏ thép do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc là đúng theo hợp đồng. Tuy nhiên, nhiều máy tàu do công ty này đóng không phải máy chính hãng… Ông Bùi Hữu Hùng - Phó giám đốc Cty đồng ý với kết quả của Tổ thẩm định và hứa sẽ sớm khắc phục sửa chữa, thay máy cho các ngư dân.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo của UBND các huyện có ngư dân đóng tàu vỏ thép hư hỏng cũng có nhiều kiến nghị lên cơ quan chức năng nhằm giúp đỡ ngư dân trong thời gian tàu nằm bờ như: tàu nằm bờ khiến ngư dân mất bạn đi biển, nợ ngân hàng nên 2 Cty trên phải hỗ trợ kinh phí cho trong thời gian tàu nằm bờ; các đơn vị nhận tiền thiết kế phí thì phải trả lại cho ngư dân vì việc nhận tiền không đúng với Nghị định của Chính phủ… 

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) - chủ tàu BĐ 99004 TS, bức xúc: “Họ quá ác, đóng thép không đúng chuẩn gây ra tình trạng gỉ sét, tàu phải nằm bờ nhưng họ im re, không chịu sửa chữa. Tiền lãi ngân hàng đang đè đầu, tôi không thể vươn khơi. Tôi nhất định phải kiện Cty TNHH Đại Nguyên Dương ra tòa để vạch trần sự gian dối của họ”.

Ông Trần Châu đề nghị 2 Cty nói trên phải có trách nhiệm đền bù cho ngư dân vì lỗi này do doanh nghiệp gây ra. Riêng đối với Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã không tích cực trong sửa chữa sự cố tàu cá, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh nắm bắt thông tin về Cty này, báo cáo Bộ Công an, đồng thời phối hợp ngành chức năng hỗ trợ ngư dân khởi kiện, truy tố trách nhiệm.

Luật sư hỗ trợ ngư dân khởi kiện

Luật sư Võ Hồng Nam - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Định cho biết, qua theo dõi, ông nhận thấy có dấu hiệu vi phạm luật hình sự trong vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng ở Bình Định. Vì vậy, ông rất mong sẽ được trao đổi trực tiếp với ngư dân để có thể đưa ra phương án hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hiệu quả hơn. 

“Tôi rất mong ngư dân liên hệ trực tiếp với bên luật sư để được tư vấn, trợ giúp pháp lý trong làm thủ tục khởi kiện Cty Đại Nguyên Dương”, luật sư Nam nói.

Trước lo lắng của ngư dân về mức án phí chiếm 5% của giá trị con tàu (mỗi tàu có giá trị từ 15 đến trên 22 tỷ đồng), ông Nam trấn an: “Chúng tôi sẽ hướng dẫn ngư dân làm đơn xin giảm tỷ lệ án phí xuống một mức cho phép chứ không hoàn toàn phải đóng 5%. Tuy nhiên, quyết định có giảm mức án phí xuống hay không còn phụ thuộc vào Tòa Kinh tế TAND tỉnh Nam Định, nơi sẽ thụ lý vụ án này”.

Đọc thêm