Vụ thầy hiệu trưởng xâm hại học sinh tại Phú Thọ: Không phải bài học giáo dục giới tính!

(PLO) - Chỉ đạo về vụ thầy Hiệu trưởng dâm ô ở Trường PT Dân tộc Nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ: “Rất buồn, rất đau lòng” và cho rằng đó là “bài học xương máu về giáo dục giới tính”… Nhưng dường như, đó không phải là cách nhìn thẳng vào sự thật. Ở đây, chính là vấn đề đạo đức lệch lạc của một người thầy, nhiều người thầy tại ngôi trường đã im lặng dung túng cho cái ác ấy…
Đừng dạy học sinh ngoan, hãy dạy các em biết đúng, sai.Ảnh minh họa
Đừng dạy học sinh ngoan, hãy dạy các em biết đúng, sai.Ảnh minh họa

Khi quyền lực không được kiểm soát

Nói về quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng: “Khác với mọi lần xảy ra scandal, Bộ trưởng lần này đã vi hành một số trường nội trú để thị sát. Nhưng khi ông phát biểu về vấn đề này, một lần nữa thật chưa thỏa đáng. Cụ thể, ông nói, đây là “bài học xương máu về giáo dục giới tính”. Ông cho rằng, người ta chưa làm tốt việc “trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho các học sinh để các em biết cách tự vệ, có kỹ năng phòng chống xâm hại, đối phó khi xảy ra hình huống nào đó với mình”.

Trong khi, vụ việc xảy ra này là một tội ác thực sự và có hệ thống của một con người có quyền chức chứ không đơn giản là câu chuyện về lạm dụng tình dục với học sinh như ông nghĩ. Đấy cũng không hẳn là câu chuyện về việc giáo dục giới tính. Nói như thế là ông đổ lỗi cho công tác này của ngành Giáo dục và đổ lỗi cho chính các nạn nhân, vì sự thiếu hiểu biết, trong khi nếu ông nghe được những lời mà các học sinh bị lạm dụng đã nói, chắc ông hiểu được là họ biết họ đã làm gì, đã bị Hiệu trưởng My làm gì, nhưng họ không thể nói ra, vì họ sợ. Người ta cũng không hề nghe thấy ông nói gì về trách nhiệm của những người giáo viên trong trường trong sự việc này, khi họ im lặng và cứ để tội ác xảy ra, không phải trong một ngày, một tháng, mà rất lâu.

Sự việc này, cũng như rất nhiều sự việc khác đã liên quan đến giáo viên trong những vụ bạo hành đã xảy ra vừa qua, là một bằng chứng cho thấy sự suy đồi về đạo đức đã và đang xảy ra trong đội ngũ những người đứng bục giảng, hoặc làm công tác quản lý giáo dục. Ông Bộ trưởng không thể lái vấn đề sang việc “giáo dục giới tính” để đánh lừa dư luận mà né tránh việc gọi đúng tên của vụ việc đã xảy ra. Đấy là vấn đề về đạo đức và lối sống, về tư cách làm người - chưa nói đến làm thầy, của những kẻ tha hoá làm nghề này” . 

Ở một góc độ chuyên môn, nhà hoạt động xã hội Lương Thế Huy chia sẻ về ấu dâm nam và ái nhi trong những câu chuyện thực tế: Đa phần đàn ông ấu dâm trẻ nam không phải là người đồng tính nam, trong một nghiên cứu 175 người nam ấu dâm nam thì không ai nhận mình là người đồng tính. Người ái nhi họ bị kích thích bởi những đặc điểm cơ thể của trẻ nhỏ, nhưng không có hứng thú với người trưởng thành dù nam hay nữ. Với người ái nhi thì thước đo quan trọng của họ là độ tuổi, dưới 13 xếp vào ái nhi, từ 13-16 xếp vào ái thiếu niên.

Ông Lương Thế Huy cho biết: ái nhi là một xu hướng tình dục, nhưng ấu dâm là một hành vi không thể biện hộ được. Tại sao ấu dâm cứ hay xảy ra trong gia đình và trường học? Vì ở những nơi này quyền lực không được kiểm soát: chú bác, ông cha, thầy cô... thời gian vắng nhà, hình phạt học tập, sự xấu hổ... đều là những yếu tố tạo nên lớp chắn bảo vệ cho người ấu dâm. Nhà thờ, nhà chùa, cơ sở tôn giáo nói chung cũng là nơi có lịch sử xảy ra các ca ấu dâm kinh khủng nhất, không phải vì sự đồi bại của tôn giáo, mà vì ở những nơi này, quyền lực không được kiểm soát.

Trở lại vụ việc thầy Hiệu trưởng PTDT nội trú Thanh Sơn, thầy hiệu trưởng bị tình nghi xâm hại tình dục các em cấp 2, “nội trú, dân tộc thiểu số, xa gia đình, nghèo khó... đều là những mảnh ghép còn thiếu, chưa kể sự làm ngơ, tiếp sức của những giáo viên khác. Dù cho chúng ta xử phạt 1000 ông giáo dâm ô, sẽ lại có 1000 ông giáo khác trong tương lai nếu chúng ta vẫn chấp nhận một môi trường, cách thức quản lý nhà trường không có gì thay đổi so với hiện nay. Chúng ta có chấp nhận với thách thức và kiểm soát quyền lực hiện nay trong gia đình, trường học, nhà thờ hay nhà chùa? Xử nghiêm làm gương” chưa phải là cách ứng xử hữu hiệu nhất, dù nó hợp lòng dân, chứ đừng kể mấy cái nghe đã mòn như “cải cách” giáo dục giới tính” - ông Lương Thế Huy nhận định.

Đồng thời, chuyên gia tâm lý Vũ Mai Hương cũng đưa ra một con số đáng báo động, thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em chắc chắn không phải chỉ đến từ người lạ. Có đến 60-70% thủ phạm các vụ xâm hại là đến từ người thân quen như: thầy (cô) giáo, ông, bố, bác, đặc biệt là hàng xóm, những người bạn của bố thì rất nhiều… Chính vì vậy, khi dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục thì phụ huynh đừng nghĩ rằng chỉ cần phải dạy con phòng tránh người lạ mà còn phải dạy con phòng tránh từ người quen nữa. Điều quan trọng là dạy các con luôn tạo khoảng cách an toàn đối với tất cả mọi người. “Chúng tôi là các chuyên gia tâm lý, có thể hỗ trợ về mặt phương pháp giúp phụ huynh và con em mình vá lành vết thương tâm hồn, nhưng có thành công được hay không thì các vị phụ huynh mới là yếu tố quyết định” -  TS Hương nhấn mạnh.

Im lặng - sự đồng lõa đáng sợ

Trước sự việc trên, chuyên gia tâm lý trẻ em Thu Hà bày tỏ: “Kinh hãi nhất trong vụ việc này, không chỉ là con thú đội lốt hiệu trưởng, mà còn là sự im lặng của những giáo viên khác, để vụ việc kéo dài liên tục nhiều năm. Khi thầy cô trong trường biết rõ mà còn ngoảnh mặt làm ngơ, còn trêu đùa trên nỗi thống khổ của các em thì còn biết trông cậy vào ai?”.

“Tại sao tất cả 23 học sinh 12 tuổi Trường Duy Ninh (Quảng Bình) trong vụ 231 cái tát lại câm lặng? Tại sao các học sinh lớp 7, 8, 9 của trường nội trú Thanh Sơn lại câm lặng? Tại sao các thầy cô 30 - 40 tuổi lại câm lặng? Còn nhiều nơi đang câm lặng đúng quy trình. Đừng nhất nhất bắt con trẻ ngoan ngoãn nghe lời thầy cô và người lớn nữa.  Đừng nhất nhất sợ hãi điểm số và hạnh kiểm của thầy cô trao nữa.  Hãy dạy con biết mình định hướng đúng sai, biết bảo vệ thân thể và nhân phẩm của con”...

Còn thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) thẳng thắn đề nghị: “Xét về góc độ cá nhân thì hành vi của vị Hiệu trưởng này là sự băng hoại về phẩm chất đạo đức, sự đốn mạt về nhân cách. Tuy nhiên, điều mà tôi thấy bất bình là ở đây đã có sự bao che, thỏa hiệp của tập thể ngôi trường này trên mấy phương diện sau:

Thứ nhất, không có chuyện lần đầu kẻ bệnh hoạn này vi phạm. Không chỉ xâm phạm với một học sinh. Thứ hai, không có chuyện nhân cách của tên bệnh hoạn này và những hành động bỉ ổi xảy của nó diễn ra nhiều lần mà không ai biết. Tôi khẳng định đây là một trường học bị tê liệt hoàn toàn. Cấp ủy Đảng, Chi bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên cùng Hội cha mẹ học sinh đều bị vô hiệu hóa trước quái thú đội lốt người làm Hiệu trưởng, cùng câm lặng nhiều năm nay trước hành vi đốn mạt của kẻ bệnh hoạn. Đó cũng là một tội ác. Vì vậy, cơ quan điều tra vào cuộc để truy tố, khởi tố, bắt tạm giam và xử lý Đinh Bằng My theo pháp luật sẽ tách bạch ra hai vấn đề: thủ phạm là Đinh Bằng My và tòng phạm là cả Ban Giám hiệu của nhà trường và nhiều giáo viên, nhân viên của nhà trường đã che giấu, đồng lõa, tiếp tay, thỏa hiệp với kẻ khốn nạn này. Một số giáo viên, nhân viên của trường phải bị cảnh cáo toàn ngành”. 

Có thể nói, câu chuyện về 231 cái tát đến bây giờ còn nóng hổi. Và sau đây, còn những câu chuyện nào nữa sẽ được đưa ra ánh sáng? Từ những cánh cửa trường chăng đầy khẩu hiệu to tát và rập khuôn, trong đó chứa đựng một sự im lặng kinh khủng che giấu rất nhiều điều không ổn?  Phải chăng người ta chọn cách im lặng vì người ta sợ hãi bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến “thành tích” ? 

Ngôi trường tại sao lại trở thành một thứ địa ngục như thế này từ bao giờ vậy? Rùng mình vì cô giáo cho học sinh tát bạn và chúng im lặng. Rùng mình vì ở Trường Nam Trung Yên, luật ngầm được áp dụng sau khi xe chở hiệu trưởng đâm gãy chân học sinh. Và rùng mình vì chuyện đau lòng mới đây ở Phú Thọ. Đây không phải lạm dụng tình dục, mà hơn thế, là tội ác, trớ trêu thay lại nảy nòi từ môi trường giáo dục.

“Đành rằng, làm thầy không phải ai cũng là kẻ tồi tệ như ở Thanh Sơn, nhưng chính sự im lặng sau khi sự việc xảy ra mới lên tiếng bảo là “đau lòng lắm” cũng không khác một sự đồng loã với cái ác” - nhà báo Trương Anh Ngọc bức xúc bày tỏ.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. 

Còn theo Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Và điều đau lòng là không ít trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp, xóm giềng ngược đãi, xâm hại và dù được can thiệp, hỗ trợ - nhiều trường hợp người ngược đãi, xâm hại bị nghiêm trị - nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tâm hồn.

Trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều văn bản pháp luật khác đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các chủ thể từ Trung ương tới cơ sở; từ Đảng tới cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội… trong công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều giải pháp lớn cũng như phân công trách nhiệm các cơ quan đều đã được quy định cụ thể ngay trong Luật.

Để bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em theo quy định của pháp luật, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, theo Bộ LĐTB&XH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người làm việc với trẻ em và bản thân trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Đọc thêm