Vụ tranh chấp chủ quyền mỏm núi Gibraltar: “Đòn hiểm” đúng thời điểm của Tây Ban Nha

(PLO) - Giữa EU và Anh vừa rồi đã đạt được thoả thuận về xử lý việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Đấy là kết quả quá trình đàm phán kéo dài 17 tháng giữa Uỷ ban EU và chính phủ Anh. 
Gibraltar mỏm núi đá vốn thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha nhưng đã được giao cho Anh năm 1713 sau khi Tây Ban Nha thua trận
Gibraltar mỏm núi đá vốn thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha nhưng đã được giao cho Anh năm 1713 sau khi Tây Ban Nha thua trận

Với thoả thuận này, có thể coi chuyện Brexit như “đầu đã xuôi”. Nhưng sau đó, “đuôi có lọt” được hay không thì lại là chuyện hoàn toàn khác và hiện chưa ai trong EU, ở nước Anh cũng như trên thế giới dám trù liệu chắc chắn sẽ như thế nào.

Sau khi đạt được thoả thuận này với nhau, phía EU và chính phủ Anh còn phải tiến hành quy trình phê chuẩn nó. Ở phía EU, việc phê chuẩn được tiến hành ở tất cả các nước thành viên EU và theo luật pháp hiện hành của EU thì thành viên nào cũng có quyền phủ quyết.

Hiện tại, quy trình phê chuẩn này mới bắt đầu và còn phải đi qua nhiều cửa ải mà việc đi qua tuy không đến nỗi không khả thi nhưng không dễ dàng gì. Tây Ban Nha là thành viên EU đầu tiên cho biết sẽ sử dụng quyền hạn từ luật trên để phủ quyết thoả thuận nếu Điều 184 trong thoả thuận nói trên không được sửa đổi. 

Điều khoản này quy định phạm vi hiệu lực của thoả thuận giữa EU và chính phủ Anh áp dụng cho lãnh thổ nước Anh, trong đó có Gibraltar. Gibraltar là tên một mỏm núi đá vốn thuộc lãnh thổ Tây Ban Nha nhưng đã được giao cho thực dân Anh năm 1713 sau khi Tây Ban Nha thua trận. Thời ấy và thủa ấy luật pháp quốc tế chưa định hình rõ ràng và được công nhận chung trên thế giới.

Vì thế, ngày nay thật rất khó để có thể phân định là mọi thoả thuận đã có giữa các bên mà ngày nay được viện dẫn làm cơ sở pháp lý quốc tế cho mọi phán xử ở các toà án quốc tế trên cơ sở tự nguyện hay bị ép buộc. 

Cũng chính vì thế mà giữa Tây Ban Nha và Anh dai dẳng đến nay cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Gibraltar. Chừng nào còn đều cùng là thành viên EU thì chuyện tranh chấp này không bùng phát mạnh mẽ và EU còn có uy và quyền để buộc hai thành viên này ôn hoà và kiềm chế với nhau. 

Cái lệ trong EU là không muốn thay đổi thực trạng đường biên giới quốc gia giữa các thành viên EU với nhau. EU mặc nhiên coi chính quyền Anh có quyền quản lý Gibraltar và ép phía Tây Ban Nha phải chấp nhận như vậy. Trong thoả thuận vừa rồi đạt được với chính phủ Anh, EU tuy coi Gibraltar là trường hợp ngoại lệ nhưng vẫn gắn Gibraltar với Anh như từ trước tới nay.

Tây Ban Nha hậm hực lắm như không thể làm được gì để xoay chuyển tình thế. Brexit đã tạo ra tình huống mới đưa lại cho Tây Ban Nha cơ hội dùng luật để đối phó lệ. Luật cho phép Tây Ban Nha được sử dụng quyền phủ quyết và như thế chẳng khác gì trao cho Tây Ban Nha công cụ và phương cách gây áp lực, làm khó Anh và thậm chí cả dùng EU để buộc Anh phải nhượng bộ.

Mấu chốt chuyện luật và lệ trong trường hợp cụ thể này là đòi hỏi của Tây Ban Nha là sau khi nước Anh ra khỏi EU thì chuyện số phận pháp lý và chính trị của Gibraltar phải là kết quả đàm phán trực tiếp giữa Tây Ban Nha và Anh, tức là EU không còn có thể đóng nổi và được đóng vai trò gì nữa. Tây Ban Nha yêu cầu phải ghi rõ như thế trong Điều 184 của thoả thuận nói trên.

Ẩn ý và hiểm ý ở đây là nếu EU ghi như thế vào thoả thuận với chính phủ Anh thì đâu có khác gì gián tiếp công nhận và xác nhận trên văn bản rằng trong thực tế đúng là có tồn tại cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thật giữa Tây Ban Nha và Anh. 

Chỉ như thế thôi đã đủ để trở thành một thắng lợi rất quyết định về pháp lý quốc tế và chính trị đối với phía Tây Ban Nha trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với phía Anh. Dùng luật để đối phó lệ ở đây xem ra có phần dễ dàng hơn so với dùng lệ để đối phó luật.

Về vấn đề Brexit với dư luận nước Anh, Thủ tướng Theresa May của nước này hiện bị chỉ trích tứ bề. Đầu tiên hết là số tiền bồi thường mà nước Anh sẽ phải chi để chia tay EU, lên tới khoảng 39 tỷ bảng Anh.

Vấn đề thứ hai được nhắc đến chi tiết trong báo cáo là việc giữ nguyên quyền lợi của công dân châu Âu đã nhập cư vào Anh sống và làm việc, nhưng lại rất mơ hồ về quyền lợi của công dân Anh đang sống và làm việc ở các nước EU. 

Về mặt thời gian, thì sau ngày chính thức rời khỏi EU là 29/3/2019, nước Anh sẽ còn tiếp tục áp dụng luật châu Âu thêm 21 tháng nữa trong giai đoạn chuyển đổi và biên soạn luật riêng để thay thế. Qui định đó có nghĩa là các thỏa thuận về thương mại giữa hai bên sẽ bị gác lại đến tận cuối năm sau mới bàn xong.

Tức là nước Anh vẫn bị dính vào qui định về thị trường chung và thuế quan chung. Đây là điều khiến cho giới bình luận chỉ trích nhiều nhất, khi cho rằng chính phủ Anh đàm phán với Bruxelles, chịu mất hàng chục tỷ bảng bồi thường, mà về kinh tế vẫn tiếp tục mở cửa thuế quan và thị trường cho EU như trước. Số này cho rằng, đây là một bản thỏa thuận còn tệ hơn là tình trạng hiện nay khi đang còn là thành viên của EU.