Trước đó, tòa án TP Hà Nội đã hai lần đưa vụ án Vũ Duy Kiên ra xét xử. Phiên tòa đầu tiên vào ngày 27/12/2016, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Phiên tòa lần thứ hai bị hoãn do vắng mặt bị hại. Tại các buổi xét xử, gia đình bị hại tức giận nói phía bị cáo không những không xin lỗi lại có thái độ khiêu khích.
Vụ trộm chấn động
Cuối tháng 4/2017 vừa qua, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp xe chở vàng ở Hà Đông từng gây xôn xao dư luận thời gian dài.
Trước đó, khoảng 8h ngày 7/1/2016, ông Vũ Đức Phi (SN 1960, ngụ phố Bế Văn Đàn, phường Quang Trung) đến công an quận Hà Đông khai báo mất xe ô tô BKS 29V- 8272 bên trong có 1 tỷ đồng và 480 cây vàng.
Khoảng 6h50 cùng ngày, hai nhân viên mang hòm tiền và vàng ra xe rồi đi ra tiệm vàng trước. Khoảng 10 phút sau, chủ nhà ra ngoài không thấy chiếc xe chở tiền, vàng đâu. Có người nhìn thấy chiếc xe lăn bánh nhưng cứ nghĩ chủ tiệm vàng chở tài sản ra cửa tiệm nên không hô hoán.
Vài tiếng sau, công an phát hiện chiếc xe được bỏ lại gần đường sắt Phú Lương (Hà Đông) nhưng kiểm tra không thấy vàng và tiền mặt như chủ phương tiện khai báo.
Đến ngày 15/5, công an Hà Nội bắt khẩn cấp Vũ Duy Kiên là nghi can gây ra vụ trộm xe chở vàng. Kiên vốn là nhân viên hợp đồng một công ty truyền thông trên địa bàn Hà Nội. CQĐT thu giữ của đối tượng xe ô tô Mazda CX5, 10.000USD và hơn 4 tỷ đồng. Hai ngày sau khi bị bắt, Kiên khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo tài liệu điều tra, do vay nợ tín dụng nhiều ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ nên Kiên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Biết tiệm vàng của ông Phi có nhiều tiền, lượng hàng giao dịch lớn nên Kiên tìm hiểu quy luật chuyển vàng của gia đình này từ nhà riêng đến cửa hàng. Đối tượng lên mạng học cách mở khóa cửa và khóa điện của xe ô tô bằng dây dù, đồng thời mua bộ mở khóa vạn năng giá 10 triệu đồng.
Sau ba tháng “ăn chực nằm chờ”, ngày 7/1/2016, Kiên mang theo dụng cụ đến trước cửa nhà ông Phi từ 3h sáng chờ thời cơ ra tay.
Đội mũ lưỡi trai, mang khăn che kín mặt, nam thanh niên đi đến cửa trước ghế lái ô tô của chủ tiệm vàng, dùng tuốc nơ vít cạy nẹp cao su mở cửa xe. “Đạo chích” sau đó dùng bộ dụng cụ mở được ổ điện đặt xe ở chế độ chờ nổ máy.
Khoảng 6h sáng, Kiên đi bộ đến đối diện nhà ông Phi ngồi quan sát. Gần một tiếng sau nhìn thấy hai người khiêng hòm từ nhà ông Phi đặt vào xe ô tô hiệu KIA rồi đi, Kiên chạy nhanh đến nổ máy, lái xe tới cầu vượt đường sắt Phú Lương thì dừng lại.
Sau khi phá cốp xe, phá khóa hòm tôn, đối tượng lấy hết tiền, vàng cho vào túi du lịch rồi lên xe ô tô của mình tẩu thoát.
Kiên khai tại CQĐT phá hòm thu được 230 triệu đồng tiền mặt, đối tượng đã dùng trả nợ các ngân hàng và tiêu xài cá nhân hết. Còn số vàng “khủng” thì mua máy nung vàng bằng điện về nung chảy, đúc vàng trộm được thành thỏi, đem giấu trong ngôi miếu ở khu chung cư.
Sau đó Kiên đem vàng bán được hơn 6 tỷ đồng. Số tiền có được, Kiên dùng 1,2 tỷ đồng mua xe ô tô đứng tên bố mẹ, gửi tiết kiệm và trả nợ, góp vốn làm ăn.
Màn kịch phản cung?
Gia đình ông Phi khẳng định bên trong hòm tôn bị mất trộm có 400 cây vàng ta gồm dây chuyền, nhẫn, vòng lắc, vàng thỏi và 80 cây vàng tây. Ngoài ra còn có 1 tỷ đồng tiền mặt để trong túi vải. Tổng tài sản bị mất khoảng 14 tỷ đồng.
Tại CQĐT, Kiên khai số lượng tiền và vàng lấy trộm được ít hơn lời khai khổ chủ, chỉ có 230 triệu đồng tiền mặt và số vàng trị giá 6 tỷ đồng.
Dựa vào lời khai cũng như tài liệu thu thập được, CQĐT xác định tổng tài sản Kiên trộm cắp của ông Phi là 8,5 tỷ đồng. CQĐT thu hồi được hơn 4 tỷ đồng, chiếc xe Mazda và 10.000 USD.
Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo bất ngờ phản cung khai không lấy trộm vàng như cáo trạng truy tố. Theo bị cáo, nguồn vàng có được do một người tên Vương ở Trung Quốc giao cho. Trước đây bị cáo làm nghề tự do, có thời gian sống ở Lạng Sơn nên quen người tên Vương này.
Năm 2015, bị cáo sang Trung Quốc công tác thì gặp và trao đổi số điện thoại với người đàn ông ngoại quốc. Khi cần giao dịch, ông Vương sẽ chủ động liên hệ với Kiên. Số vàng đều được đúc thành dạng thỏi đã được gói sẵn, bị cáo đã 3 lần nhận hàng nhưng không nhớ chính xác thời gian. Mỗi lần liên lạc, bị cáo đều dùng số điện thoại riêng mà ông Vương đưa.
Trước vành móng ngựa, bị cáo liên tục kêu oan, khai do bị ép cung nhục hình nên mới nhận tội. Việc dựng lại hiện trường không đúng. “Điều tra viên chỉ hỏi bị cáo một lần sau đó kết thúc luôn. Một số vấn đề chưa được làm rõ. Tại CQĐT, bị cáo bị đánh đập, không khai không được”, Kiên phản cung. Bị cáo cũng phủ nhận việc vay tín dụng dẫn tới nợ nần.
Bị cáo khai tiếp, khi bán vàng đến lần thứ ba thì không liên lạc được với “đầu nậu” tên Vương nữa nên đã gửi tiền vào ngân hàng. “Ông Vương chưa lấy tiền, chưa biết tôi bị bắt nên tôi đề nghị có thể phối hợp để bắt ông ta, nhưng CQĐT không chấp nhận”, Kiên khai.
Trả lời thẩm vấn về nguồn tiền mua xe, bị cáo khai do bố mẹ bán đất cho. Còn 10.000USD trong két sắt do người nhà ở Nga gửi về làm đám cưới, bị cáo đề nghị lấy lại số tiền này. Bố bị cáo khai có bán miếng đất 2,1 tỷ đồng, cho con trai 1/3 số tiền.
Về phía người bị hại cho biết số vàng là vốn liếng gia đình tích cóp. Số tiền bị mất là 1 tỷ và hòm vàng có 480 cây chứ không phải 280 cây như lời bị cáo khai. Ông Phi cho rằng biết trước bị cáo sẽ phản cung nên không lấy làm bất ngờ.
Theo bị hại, luật sư bào chữa cho bị cáo đã tìm gặp mình trước khi phiên tòa diễn ra, đề nghị “bồi thường” 500 triệu đồng với điều kiện người bị hại xin giảm án. “Màn kịch này do luật sư dàn dựng. Ông ấy nói với tôi rằng bị cáo đi tù lâu thì khó đòi lại tiền”, bị hại nói. Trước tòa, chủ tiệm vàng đề nghị xem xét lại tài sản của ông bị mất trộm.
HĐXX nhận thấy lời khai của bị cáo và bị hại có nhiều điểm cần làm rõ, nên để đưa vụ án xét xử công bằng, đúng người đúng tội đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung./.