Vụ “trộm khoáng sản tuồn vào nhà máy xi măng”: Chủ tịch tỉnh chỉ đạo điều tra, cấp dưới thờ ơ không chấp hành

(PLO) - Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giới thiệu PV qua Trưởng phòng Khoáng sản cung cấp thông tin, nhưng vị Trưởng phòng lại từ chối. Sự việc chứng tỏ chuyện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế rất cầu thị và có hành động làm rõ vấn đề rất quyết liệt, nhưng các cấp thừa hành thì ngược lại, rất thờ ơ với sự việc. Vì kỷ luật kỷ cương ở các cơ quan này không được chấp hành nghiêm? Vì coi thường dư luận? Hay cơ quan chuyên trách có “mối quan hệ ngầm” nào với các đối tượng vi phạm mà hành xử như vậy?
Một xe chở khoáng sản khai thác “trộm” đi vào cổng nhà máy xi măng
Một xe chở khoáng sản khai thác “trộm” đi vào cổng nhà máy xi măng

Ngày 9/7/2018, PLVN có bài viết phản ánh dấu hiệu một đường dây trộm khoáng sản tuồn vào nhà máy xi măng. Trong đó Công ty TNHH Trường Thịnh (đóng tại thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) tuy chỉ được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp nhưng công ty này lại khai thác khoáng sản rồi bằng một cách nào đó nhập vào nhà các máy xi măng đóng trên địa bàn.

Ngay đầu giờ chiều 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có Công văn số 4937/UBND-TN giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phong Điền khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/7/2018.

Mặc dù lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế rất cầu thị với dư luận như trên và có hành động làm rõ vấn đề rất quyết liệt, nhưng các cấp thừa hành thì ngược lại, rất thờ ơ với sự việc. Sáng 9/7, trước khi Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn chỉ đạo, PLVN liên hệ với ông Phan Văn Thông (Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế) để phản ánh sự việc. Sau khi được PV giới thiệu cũng như trình bày sự việc, ông Thông tắt máy rồi nhắn tin trả lời: “Hôm nay họp cả ngày. Anh đã viết bài rồi thì gặp làm gì?”. 

PV giải thích mong gặp ông với tinh thần góp ý, xây dựng thì được vị Giám đốc Sở này trả lời lại: “Anh nên làm việc với huyện, vì thuộc thẩm quyền của họ”. Sau đó, ông Thông nhắn: “Để tôi đọc bài của anh và cho anh em đi kiểm tra cụ thể rồi gặp sau”.  

Một ngày sau đó, sau khi đã có công văn của UBND tỉnh chỉ đạo, chừng 10h ngày 10/7, Vị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường gọi lại cho PV: “Bên Trường Thịnh là mỏ đất san lấp nhưng có mấy thứ làm nguyên liệu phụ gia xi măng…”. PV sau đó nghe không rõ vài lời của vị Giám đốc sở này nói, nên muốn được trực tiếp gặp để dễ dàng trao đổi. 

Ông Thông từ chối rồi giới thiệu PV “sang gặp anh Lân” (Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Khoáng sản - PV) để hiểu rõ sự việc. Chừng 10 phút sau, PLVN tới Phòng Khoáng sản. Tuy nhiên, ông Lân từ chối cung cấp thông tin và cho biết “sẽ kiểm tra nội dung báo chí nêu rồi sẽ tham mưu cho Giám đốc sở trong thời gian gần nhất”.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giới thiệu PV qua Trưởng phòng Khoáng sản cung cấp thông tin, nhưng vị Trưởng phòng lại từ chối. Sự việc chứng tỏ chuyện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế rất cầu thị và có hành động làm rõ vấn đề rất quyết liệt, nhưng các cấp thừa hành thì ngược lại, rất thờ ơ với sự việc. Vì kỷ luật kỷ cương ở các cơ quan này không được chấp hành nghiêm? Vì coi thường dư luận? Hay cơ quan chuyên trách có “mối quan hệ ngầm” nào với các đối tượng vi phạm mà hành xử như vậy?

Sự việc dường như càng chứng tỏ thực tế ở địa phương này vẫn có chuyện “nói một đằng làm một nẻo”, “trên bảo dưới không nghe” nếu so sánh với một động thái trước đó của tỉnh. Trước đó, vào ngày 4/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành văn bản “tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động báo chí trên địa bàn, cũng như cải thiện hơn nữa mối quan hệ, sự tương tác, phối hợp cung cấp, xử lý, giải quyết các vấn đề thông tin trên địa bàn giữa chính quyền và báo chí”. 

PV tiếp tục tìm đến thị xã Hương Trà liên hệ với nhà máy xi măng Luks, nơi khoáng sản “lậu” được chở tới. Được biết, Công ty Hữu hạn Xi măng Luks (Việt Nam) là Công ty 100% vốn nước ngoài của tập đoàn Luks Industrial Limited, với công suất 1,4 triệu tấn/năm chuyên sản xuất sản phẩm xi măng mang nhãn hiệu Kim Đỉnh. Theo bà Minh Tuyên (Trưởng phòng phụ trách  mua hàng), Luks có mỏ vật liệu nhưng vẫn nhập một ít chất phụ trợ từ bên ngoài và “có đầy đủ pháp lý”. “Chúng tôi thu mua, cân vật liệu ngay tại nhà máy. Các công ty bán cho chúng tôi làm gì bên ngoài thì tôi không biết”, bà Tuyên nói.

Đề cập đến mỏ khai thác của Công ty TNHH Trường Thịnh, bà Tuyên cho rằng nhà máy Luks chưa hề làm việc hay cộng tác, thu mua vật liệu gì với công ty có tên Trường Thịnh cả. 

PV chỉ ra rằng có bằng chứng xe tải chở vật liệu từ mỏ của Trường Thịnh rồi đưa về nhập tại nhà máy xi măng Luks thì bà Tuyên nhận định: “Thế thì có khả năng công ty Trường Thịnh bán cho một đơn vị khác. Sau đó đơn vị này lại nhập cho chúng tôi”.  

Về phía nhà máy xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền), một địa chỉ khác nơi xe tải chở khoáng sản “trộm” tìm đến, khi PV liên hệ, lãnh đạo nơi đây cáo đang bận họp. Được biết, Đồng Lâm sản xuất Clinker với qui mô công suất 4.000 tấn Clinker/ngày. Đồng Lâm có sở hữu các mỏ đá vôi, đất sét, Puzolan và mỏ laterite chỉ cách nhà máy gần 5km. Các mỏ có trữ lượng thăm dò đủ khai thác 40 năm. Tuy vậy, công ty này vẫn thường xuyên nhập nguyên liệu từ bên ngoài.

PLVN sẽ tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan, thông tin tới bạn đọc. 

PLVN cũng có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phong Điền, ông này cho rằng Công ty Trường Thịnh “nộp thuế điện tử và luôn chấp hành nộp thuế tài nguyên đất ở mỏ san lấp đầy đủ, chưa có vi phạm gì”.  “Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Trường Thịnh nộp thuế 1,4 tỷ đồng. Với những công ty được cấp phép khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp thì Trường Thịnh là công ty nộp tiền thuế nhiều nhất trên địa bàn”, ông Việt nói.

Đọc thêm