Vụ trưởng Lê Thị Thúy Sen và “Khéo khôn với tiền…”

(PLVN) - Ngay sau khi ra mắt, "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” của tác giả Lê Thị Thúy Sen đã trở thành hiện tượng xuất bản trong hệ thống sách kiến thức khoa học của NXB Kim Đồng. Hóa ra những kiến thức khô khan, khó hiểu về tài chính- ngân hàng được tác giả khéo léo hóa giải để trở nên đơn giản, dễ hiểu…
Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Thị Thúy Sen

Cơ duyên và những “lần đầu tiên”…

Lần đầu tiên gặp Sen, cũng cách đây hơn 20 năm, khi đó Sen mới vào làm truyền thông cho Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam. Giờ đây cô bé Sen trong chiếc áo dài màu cánh sen ngày nào ngồi trước mặt tôi đã là Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN)- Một vị trí đáng nể trong lĩnh vực truyền thông Bộ ngành.

Học Luật, nhưng Sen lại cơ duyên với truyền thông ngân hàng mà cầu nối chính là đam mê viết báo. Những bài báo viết từ thời sinh viên được Vụ trưởng Sen lưu giữ cần thận khiến cho người viết báo chuyên nghiệp như tôi phải trầm trồ bởi đề tài Sen viết rất phong phú, từ lịch sử, văn hóa, xã hội, giáo dục, kinh tế…, rồi cả thơ, truyện ngắn.

Mặc dù đã có một số bài viết về tài chính- ngân hàng là lĩnh vực không dễ truyền thông, song nhờ tư duy của người học luật nên khi viết Sen luôn tự đặt ra một loạt câu hỏi: “Quy định pháp luật như thế nào, thực tế triển khai ra sao, vướng mắc ở đâu, tháo gỡ như thế nào, tác động và kết quả ra sao?”

Trong câu chuyện với chúng tôi, Vụ trưởng Lê Thị Thúy Sen nhắc nhiều đến 2 từ “cơ duyên” và “lần đầu tiên”. Hồi làm truyền thông ở BHTG Việt Nam, BHTG và chính sách BHTG khi đó là vấn đề rất mới. Nhiều người khó phân biệt BHTG và các loại hình bảo hiểm khác và không rõ BHTG Việt Nam làm gì? Quyền lợi người gửi tiền liên quan đến BHTG ra sao? Tuyên truyền phổ biến chính sách BHTG như thế nào khiến cho cô sinh viên trẻ mới ra trường nhiều đêm trăn trở…

Từ trái qua phải: TS Lê Xuân Nghĩa, tác giả Lê Thị Thúy Sen và Họa sỹ Thăng Fly tại sự kiện ra mắt sách tháng 12/2023

Thế rồi, lần đầu tiên, cách đây gần 15 năm, BHTG Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc thi về chính sách BHTG thu hút hơn 30 nghìn bài dự thi, trong đó các câu hỏi được thiết kế rất đơn giản, dễ hiểu; Rồi lần đầu tiên có chương trình truyền hình trực tiếp về chính sách BHTG “Gửi trọn niềm tin” phát trên VTV1 và Đài PTTH Hà Nội được dư luận đánh giá cao về sự sáng tạo, đổi mới phương thức truyền thông chính sách.

Cũng vì tiêu chí “đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu” và đối tượng “phải thích”, lần đầu tiên BHTG Việt Nam tuyên truyền chính sách xen với các tiết mục văn nghệ với sự tham gia của những người nổi tiếng nên các chương trình đã thu hút và tạo sự thiện cảm trong dư luận trong việc tiếp cận kiến thức về BHTG…

“Sân chơi” mới nối tiếp những “lần đầu tiên” …

Trong câu chuyện với chúng tôi, Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, việc được về làm truyền thông NHNN là một may mắn và cũng là cơ duyên. Song cũng vì thế mà áp lực cũng lớn hơn bởi BHTG chỉ là một mảng nhỏ trong hoạt động tài chính-ngân hàng.

Xuất phát từ tư duy của người được đào tạo luật (Cử nhân- Thạc sỹ) và tài chính ngân hàng, Sen nói, đó là một thuận lợi lớn. Nhưng trường lớp không dạy cách nào để đem những kiến thức khô khan đó đến với người dân mà lĩnh vực tài chính- ngân hàng là một thách thức lớn.

“Thời điểm cách đây 10 năm, NHNN đưa ra yêu cầu cao trong việc đổi mới truyền thông chính sách vì thông tin về ngân hàng là nhạy cảm dễ gây ra khủng hoảng, có thể ảnh hưởng niềm tin công chúng, an toàn hệ thống. Vì vậy, chúng tôi luôn phải đổi mới sáng tạo, để đề xuất, tham mưu và phối hợp tổ chức thực hiện chương trình…”- Sen chia sẻ.

Thể rồi năm 2014- 2015 một loạt chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1 lần đầu tiên được tổ chức đã lồng ghép kiến thức về tài chính- ngân hàng đến công chúng như: “Khơi dòng tín dụng”, “Huyền thoại con đường tiền tệ”, “Khát vọng đại ngàn”, “Hùng thiêng đất mẹ”…

Trong nhiều lần tham dự các hội thảo, tọa đàm, trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế về truyền thông giáo dục tài chính, Sen luôn trăn trở, suy nghĩ. Đây là vấn đề được nhiều nước quan tâm để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển và giảm thiểu rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính- ngân hàng nhưng chưa phổ biến và còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên cần được triển khai mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo và hiệu quả. Vụ trưởng Lê Thị Thúy Sen đã đưa ra công thức thiết kế các chương trình truyền thông chính sách tài chính- ngân hàng là “đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ lan tỏa” và đặc biệt là có “tính liên quan” để tham mưu, đề xuất thực hiện.

“May mắn là Ban lãnh đạo NHNN đã động viên, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện để chúng tôi triển khai và có sản phẩm cụ thể…”- Sen nhớ lại.

Vụ trưởng Lê Thị Thuý Sen cùng các em học sinh trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) trong cuộc thi "Hiểu biết về tài chính" do Vụ Truyền thông Ngân hàng nhà nước tổ chức (Ảnh: Lại Cường)

Tuy nhiên, thực tế triển khai không chỉ cần kiến thức, mà cả yếu tố khoa học và tâm lý. “Phải thật hiểu văn bản, rồi xác định đâu là vấn đề liên quan thiết thực đến người dân. Rồi phải tìm hiểu xem họ thích hình thức tuyên truyền như thế nào và đảm bảo chính xác về chuyên môn…”- Vụ trưởng Sen chia sẻ.

Thế rồi Chương trình truyền thông giáo dục tài chính đầu tiên “Tiền khéo tiền khôn”- sản phẩm hợp tác giữa Vụ Truyền thông NHNN và VTV3 ra mắt vào khung giờ vàng vào đầu năm 2017 đã khiến nhiều người bất ngờ và thích thú bởi hình thức tuyên truyền rất nhẹ nhàng, lôi cuốn…

Sau đó, một loạt Chương trình truyền thông giáo dục tài chính khác lần lượt ra đời trên sóng VTV và nền tảng số VTV như: “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”, Mr. Money…; Cùng với đó là chuỗi sự kiện cuộc thi giáo dục tài chính “Hiểu đúng về tiền”, “Nhà ngân hàng tương lai”… cho sinh viên các trường đại học.

“Điều mà lãnh đạo NHNN lo lắng nhất là làm sao truyền tải những thông tin tài chính- ngân hàng một cách chính xác thông qua hình thức “sâu khấu hóa”. Rất mừng là 800 câu hỏi qua 4 mùa chương trình “Tiền khéo tiền khôn” không có bất cứ sai sót nào…”- Sen chia sẻ.

“Tiền khéo tiền khôn” và “Tay hòm chìa khóa” cũng là hai chương trình được đánh giá có tỷ lệ người xem cao nhất VTV…

Đến “Khéo khôn với tiền.”

Là một trong số nhà báo được chia sẻ những hình ảnh demo đầu tiên về một cuốn sách truyền thông giáo dục tài chính- ngân hàng, người viết bài này không khỏi bất ngờ và thú vị với ý tưởng rất táo bạo và sáng tạo khi kiến thức tài chính- ngân hàng được thể hiện dưới dạng truyện tranh và sử dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ và ca dao Việt Nam.

“Khó khăn nhất khi tôi viết là làm sao truyền đạt kiến thức về tài chính-ngân hàng một cách dễ hiểu, dễ áp dụng, ai đọc cũng thấy mình trong đó với các tình huống giàu tính nhân văn, giáo dục để hướng đến những điều tốt đẹp. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyền thống, văn hóa, lịch sử dân tộc đã giúp tôi dẫn dắt kiến thức tài chính- ngân hàng một cách mộc mạc, dễ hiểu đến bạn đọc…”

(Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN)

Không ngoài dự đoán, ngay sau khi ra mắt, "Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” đã trở thành cuốn sách “best seller”. Đây cũng là lần đầu tiên, một cuốn sách thuộc hệ thống sách kiến thức khoa học đã tạo ra hiện tượng xuất bản của NXB Kim Đồng.

“Khi cô Sen mang bản thảo đến xin ý kiến tôi đã rất bất ngờ. Sách viết về tài chính - ngân hàng thì nhiều nhưng tác giả rất khôn khéo khi thể hiện bằng hình thức truyện tranh. Đây là cuốn truyện tranh thường thức độc đáo, sáng tạo về tài chính - ngân hàng đầu tiên của Việt Nam dành cho trẻ em, gia đình và phần lớn chúng ta…”-TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách.

Chia sẻ về việc viết sách, Vụ trưởng Lê Thị Thủy Sen cho biết, từ lâu đã mong muốn có một cuốn cẩm nang giáo dục kiến thức tài chính -ngân hàng. Vẫn với tiêu chí “đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu và có tính liên quan” nhưng yêu cầu hấp dẫn đối với việc làm sách không đơn giản như đối với làm chương trình truyền hình. Vụ Truyền thông NHNN cũng đã đặt hàng một số chuyên gia nước ngoài và nhà văn nhưng kết quả chưa được như mong muốn do hàm lượng kiến thức chuyên môn sâu về tài chính- ngân hàng khá nhiều…

Thế rồi trong lúc lang thang hiệu sách để trang bị thêm cho con kiến thức chưa được dạy nhiều trong trường phổ thông, ý tưởng lóe lên trong đầu khi chứng kiến truyện tranh là loại hình thu hút sự quan tâm của người đọc nhất, kể cả trẻ em và người lớn.

Nghĩ là làm. Vụ trưởng Sen nhanh chóng liên hệ với Thăng Fly- một họa sỹ khá nổi tiếng. Sau 4 tháng miệt mài, chau chuốt từng dấu chấm, dấu phẩy, sát sao đến từng hình ảnh minh họa, cuốn sách với gần 30 câu chuyện xoay quanh các kiến thức cơ bản, thiết thực, dễ hiểu và dễ áp dụng liên quan đến tài chính- ngân hàng đã được độc giả đón nhận ngoài sự mong đợi…

Nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến cuốn sách sau khi phát hành được Sen chia sẻ. Đó là chuyện có những phụ huynh ngoài 80 tuổi đến cô con gái nhỏ của người bạn đã có những phản hồi tích cực về những kiến thức được truyền tải trong cuốn sách. Hay hình ảnh anh lái xe công nghệ treo tòng teng cuốn sách trên ghi đông xe để tranh thủ đọc lúc rảnh rỗi…

Có thể nhận thấy, điều đặc biệt của cuốn sách này là những kiến thức khô khan, khó hiểu được tác giả dẫn dắt một cách mộc mạc, dễ hiểu qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ và truyền thống văn hóa Việt Nam nên dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng; Không những thế, cuốn sách đã truyền cảm hứng về lòng nhân ái, sự hiếu nghĩa, tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn và yêu lao động qua những câu chuyện thấm đẫm tình cảm gia đình, tình đồng đội, tình thầy cô, bạn bè…

“Dụng ý sâu xa mà tôi mong muốn là kiến thức tài chính khô khan, khó tiếp thu đã trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp cận, biến từ việc phải đọc thành thích đọc…”- Sen tâm sự.

35.000 bản đã được xuất bản và NXB Kim Đồng đang tái bản có bổ sung thêm thông tin mới. Không dừng ở đó, "Khéo khôn với tiền- Tránh những ưu phiền” đang có kế hoạch xuất bản bằng tiếng Anh để đóng góp vào tài liệu giáo dục tài chính quốc tế…

“Tôi viết cuốn sách này như một duyên lành dù tôi không phải là người viết chuyên nghiệp. Mong muốn và phần thường lớn nhất của tôi là cuốn sách được bạn đọc đón nhận, lan tỏa kiến thức tài chính và giá trị tốt đẹp của cuộc sống trong cộng đồng…”- Vụ trưởng Lê Thị Thúy Sen tâm sự.

Đọc thêm