“Vua châm cứu” kể chuyện đời, chuyện nghề

 Nhiều người gọi ông là “Vua châm cứu Việt Nam”, “huyền thoại sống”, là “thần kim” vì ông đã đem lại hạnh phúc, niềm hy vọng sống cho hàng trăm ngàn người bệnh. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng GS Nguyễn Tài Thu vẫn tự tin với những cây kim châm cứu thần kỳ của mình, những cây kim đã làm rạng danh ngành châm cứu Việt Nam.

Nhiều người gọi ông là “Vua châm cứu Việt Nam”, “huyền thoại sống”, là “thần kim” vì ông đã đem lại hạnh phúc, niềm hy vọng sống cho hàng trăm ngàn người bệnh. Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng GS Nguyễn Tài Thu vẫn tự tin với những cây kim châm cứu thần kỳ của mình, những cây kim đã làm rạng danh ngành châm cứu Việt Nam.

Tấm lòng lương y cháy hết mình trong lửa đạn

GS.Tài Thu là một trong những chiến sĩ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô ngày ấy. Giọng ông mạch lạc, khúc chiết khi nhớ lại mùa đông năm 1946. Theo cách nói của ông, đó là một mùa đông mà vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng cũng là mùa đông mà lòng người hòa trong hồn nước thiêng liêng khi đồng bào, chiến sĩ Hà Nội chỉ với bom ba càng, súng tiểu liên và chai xăng đã anh dũng chống chọi lại đại bác, xe tăng và máy bay địch... 

Giáo sư Nguyễn Tài Thu
Giáo sư Nguyễn Tài Thu

Ông hồ hởi kể: “Này đừng tưởng tớ là giáo sư thì không biết đánh giặc đâu nhé. Ngày ấy, tớ cùng bác Vũ Lê và các anh em khác đã tham gia đánh trận Trường Ke và trận Đồng Xuân. Khi lính Pháp đến, chúng tớ cũng giật, cũng ném lựu đạn tới tấp, mặc dù trước đó ít ngày còn chưa biết lựu đạn là gì, cách bắn súng ra sao. Ấy thế mà sau vài ngày nhập vào tự vệ thành, anh nào cũng chiến đấu giỏi cả. Chỉ sau này hết giặc rồi tớ mới trở thành giáo sư đấy chứ...”.

Kháng chiến chống Mỹ ác liệt bùng nổ, ông lại theo bước chân bộ đội, thanh niên xung phong, cứu chữa thương bệnh binh trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Đau nỗi đau của người bệnh, ông đã nghiên cứu châm tê mổ thành công hàng ngàn trường hợp hiềm nghèo. Ông đã tự châm cho mình bằng kim to và kìm dài đề tìm các huyệt đặc hiệu nằm sâu trong cơ thề với bao đau đớn nhằm mục đích chữa liệt cho thương binh. Các nǎm 1971-1973, ông hoàn thành hai cuốn sách “Tân châm” và “Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật”. Chiến tranh biên giới nổ ra, ông lại lên trạm phẫu thuật tiên phương ở Vị Xuyên dưới tầm đạn pháo địch đề cứu chữa thương binh.

Lần giở cuốn sổ tay ghi chép từng ca mổ những năm tháng ở chiến trường, giọng ông bỗng nghẹn lại khi nhắc tới những chiến sĩ đã chết trên tay ông. Sau bao nhiêu năm, hình ảnh ngày nào của những chiến sĩ dũng cảm nằm trên gường bệnh vẫn khiến hai con mắt đỏ hoe trên gương mặt nhiều nếp nhăn của vị bác sĩ tận tâm. GS.Tài Thu nhớ những đêm mưa gió, nhiều thương bệnh binh được chuyển về lán, trong đó không ít người bị thương nặng, liệt nửa người hoặc hôn mê vì trúng đạn, bom bi, sập hầm. “Bệnh viện” được nằm ở dưới hầm sâu 2m. Nước ngập sũng nước, lội bì bõm. Giường được kê dưới hầm.

Thoáng chút xúc động, cuộc nói chuyện dừng lại. GS.Tài Thu ngước mắt nhìn xa xăm như tìm về quá khứ với những hình ảnh đầy máu và mồ hôi của các bác sĩ, với các ca mổ mà theo ông tới giờ vẫn còn là một sự ngạc nhiên. Tại Quân Y viện 105, có đến vài trăm bệnh nhân bị thương nặng lắm. Họ rất trẻ. Chính phương pháp châm tê giảm đau đã giúp các thương bệnh binh đêm đêm ngủ ngon, không còn tiếng rên rỉ trong đau đớn.

"Đến bây giờ tôi cũng chẳng nói tiếng nào nặng với các bệnh nhân. Vì những hình ảnh của thương binh trong chiến trường đã gây cho tôi nhiều sự xúc động. Những thương binh không buồn, không khóc vì vết thương nặng, những cánh tay, chân bị chặt cụt, mà họ chỉ buồn vì không còn tiếp tục được ra chiến trường. Những tấm lòng đáng quý lắm” - GS.Tài Thu vừa nói vừa vuốt lại cho thẳng những cuốn nhật ký đã sờn gáy. Cả cuộc đời và tấm lòng đối với các thương binh được ông ghi chật bảy cuốn sổ. Có những thương binh trước khi chết chỉ muốn ông ôm thật chặt cho đỡ lạnh... Trái tim của người Thầy thuốc nhân dân vẫn chưa nguôi thổn thức với những chiến sĩ trẻ tuổi, can đảm hy sinh vì Tổ quốc...

Hành trình đưa châm cứu ra thế giới

Câu chuyện về việc đem tinh hoa của y học phương Đông ra thế giới của GS cũng rất ly kỳ. Với tác dụng thần diệu của châm cứu, những thứ bệnh mà y học phương Tây đã phải chịu thua, như vẩy nến, đau đầu migrant, thậm chí cắt cơn nghiện đã được điều trị khỏi hẳn.

Tiếng lành đồn xa, năm 1977, một nhà ngoại giao Pháp sang Việt Nam nhờ GS.Tài Thu chữa bệnh. Bền bỉ mấy tháng trời theo GS châm cứu khỏi bệnh, vị khách cảm kích, mời ông sang Pháp giới thiệu phương pháp này cho phương Tây. Ông được gửi cho chiếc vé máy bay, cứ thế bay sang nước bạn, không một đồng trong người. Đi tàu điện ngủ quên không kịp xuống Paris, tàu chạy thẳng tới Toulouse, vị giáo sư bấm bụng liều gọi taxi về Paris, tìm nhà một ông Việt kiều xin... vay tiền trong con mắt nghi hoặc.

Ngày hôm sau, báo giới Pháp sửng sốt khi người Việt Nam này đã được đích thân Tổng thống mời đến diện kiến tại điện Elysee, giới thiệu về phương pháp châm cứu. Sau đó, suốt 10 năm trời, GS Thu đi hơn 14 nước châu Âu phổ biến về châm cứu. Châm cứu phương Đông đã được giới truyền thông châu Âu và ngành y thế giới ca ngợi như một bí ẩn tiềm tàng, một lớp sâu hơn, toàn diện hơn của y học. Ông là một trong những thành viên sáng lập Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới, đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch.

Trong hàng vạn người chịu ơn GS.Nguyễn Tài Thu có không ít nhân vật rất quan trọng, thậm chí có người là Tổng thống một quốc gia. Tổng thống Tahiti, ông Tamaru Oscar cứ diễn thuyết độ 2 giờ là bị ho, khó thở và không nói được nữa, phải nghỉ nửa tiếng mới hồi phục. Nghe tiếng về tài châm cứu của GS.Thu, chính quyền Tahiti cử Bộ trưởng Du lịch sang mời bằng được.

Sau khi khám qua cho ông Tamaru, GS kết luận bệnh nhân không bị ung thư mà chỉ viêm họng mạn tính. Vị thầy thuốc Việt Nam hứa hôm sau sẽ châm để cân bằng lại hai luồng dương khí và âm khí, kịp cho Tổng thống diễn thuyết lúc 3h chiều. Tối hôm sau, ông Tamaru Oscar trở về, ôm chầm lấy thầy thuốc, mừng rỡ khoe: “Giáo sư ơi, hôm nay tôi nói một mạch 3 tiếng 15 phút không bị đứt lần nào”. Những ngày sau, vị Tổng thống càng tiến bộ hơn trong việc “nói dài, nói nhiều”, và sau 10 lần châm thì khỏi.

Cháu ngoại ông Annya Alberto, Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico khi sinh ra không có hậu môn, hồi 3 tháng tuổi đã phải mổ hai lần để làm hậu môn nhân tạo, nhưng đường đại tiện vẫn chưa thông. Bé cần được mổ lại nhưng thể trạng quá yếu không cho phép chịu một lần thuốc gây mê nữa. GS.Tài Thu đã gây tê cho bé bằng châm cứu, giúp bác sĩ phẫu thuật thành công.

Cũng tại nước này, “vua châm cứu Việt Nam” còn được mời chữa cho phu nhân Bộ trưởng Tài chính, bị liệt do tai biến mạch máu não. Đang áp dụng y học hiện đại mãi không ăn thua, nay thấy một ông già phương Đông đến với mấy cây kim, các bác sĩ của phu nhân Bộ trưởng vừa khó chịu vừa lo lắng cho bà. “Tôi bảo họ, các ông chữa thế nào thì cứ chữa. Các ông cũng có thể cho người theo dõi khi tôi châm”, giáo sư kể. Sau một tuần, bệnh nhân hớn hở khoe là các con đã có thể đỡ bà đứng dậy và bước đi. Mấy hôm sau, người phụ nữ xinh đẹp này đã đi dự tiệc cùng chồng với đôi nạng. Sau hai đợt châm cứu, bà khỏi hẳn...

“Cái đầu trí tuệ và trái tim nhân từ”

Đã có một sự nghiệp vinh quang với những đóng góp to lớn cho đất nước, cho công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân, làm rạng rỡ nền y học Việt Nam trước thế giới, nhưng ông vô cùng khiêm nhường: “Nếu tôi làm được một điều gì đó, thì trước hết không phải là do tôi thông minh xuất chúng, đột phá sáng tạo cái hoàn toàn mới, mà là do phát huy được tri thức và kinh nghiệm vô giá của người xưa”. Ông thường căn dặn các học trò: “Làm người thầy thuốc phải có một nội lực thật mạnh mẽ, nội lực đó chính là một cái đầu trí tuệ và một trái tim nhân từ”.

Ông chậm rãi nói khi tiễn chúng tôi ra về: “Tôi làm thầy thuốc, chữa bệnh được cho mọi người, y thuật giỏi cũng chỉ là một phần. Quan trọng là quyết tâm, niềm tin của chính người bệnh. Cứu được người muốn sống, chứ đâu cứu được người muốn chết”. Chính niềm tin và nghị lực đã giúp ông và nhiều bệnh nhân cùng chữa khỏi nhưng cơn bệnh khó. Cũng chính niềm tin giúp ông xây dựng được nền y học châm cứu Việt Nam từ ba gian nhà gỗ, thành một trong hai trụ vững của ngành châm cứu thế giới. Ở cái tuổi gần đất xa trời, một lần nữa niềm tin giúp ông nuôi quyết tâm: “Tôi tính cuộc đời mình, ngắn còn 3, 4 năm, dài còn tầm chục năm. Từ nay đến khi đó quyết tâm xây dựng được Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng châm cứu tại Việt Nam”.

Mong rằng, vị giáo sư già đáng kính đủ sức khỏe, tinh thần, để xây dựng xong ước mơ vĩ đại nhất của cuộc đời mình!

Thu Hồng

Đọc thêm