Mối nguy hiểm mà Charlie Chaplin chạm trán trong suốt chuyến thăm 2 thành phố Kobe và Tokyo vào năm 1932 dường như là một “tập” trong danh mục các sự kiện thương đau mà “vua hài” buộc phải trở thành nhân chứng sống.
Chú hề tinh quái
Ngay trước thời Đại chiến thế giới thứ nhất (ĐCTGI), lúc còn là một cậu bé, Chaplin đã chứng kiến những nghịch cảnh trong các tầng lớp trong xã hội Anh. Chủ nghĩa tư bản xao nhãng đã khiến nhiều nghệ sĩ sống lay lắt khi đến tuổi nghỉ hưu, bản thân mẹ vua hài Chaplin là một trong số đó. Khi người mẹ trở nên điên loạn, Chaplin cùng anh trai đã ca hát, đóng kịch và nhảy trên sân khấu để kiếm miếng ăn sống qua ngày.
Những ký ức buồn thương ám ảnh tâm hồn Chaplin trong suốt sự nghiệp điện ảnh của ông, tiếng cười hoan hỉ mà trong nỗi buồn nào biết tỏ cùng ai. Lớn thêm một chút, Chaplin đặt chân tới Mỹ, biến mình thành chú hề tinh quái ngang dọc trong lịch sử. Trước khi Adolf Hitler tấn công nước Pháp vào năm 1940, nhiều người Mỹ lại có cái nhìn thiện cảm với chính quyền Đức Quốc Xã (ĐQX). Mặc dù khá đông tin rằng Hitler có thể “đáng tin cậy”, nhưng Charlie Chaplin lại rung chuông báo động, bắt đầu sản xuất bộ phim hài “Gã độc tài” tấn công trực diện Hitler, ra mắt trước khi mở màn trận chiến Pháp. Năm 1932, ngay lúc ở đỉnh cao của sự nghiệp điện ảnh, Chaplin đã có chuyến thăm Nhật bằng tàu thủy mà theo ông nghĩ lúc đó, là chuyến đi văn hóa và cơ hội để quảng bá cho bộ phim mới nhất của ông “Ánh sáng đô thị”.
Chân dung Thủ tướng Nhật bị ám sát, Inukai Tsuyoshi (1855 – 1932) |
Chaplin quyết định đi tàu qua kênh đào Suez qua ngả Ấn Độ và Singapore. Trong cuốn tiểu sử của mình, vua hề Chaplin kể: “Ở hải cảng Kobe, chúng tôi được chào đón bởi những chiếc máy bay bay vòng tròn trên tàu, thả vô số thư chào mừng, trong khi trên bờ là hàng ngàn người vẫy tay reo hò. Sắc phục kimono rực rỡ tương phản với các ống khói và bến cảng xám xịt. Chính phủ Nhật tổ chức một chuyến tàu hỏa đặc biệt đưa đoàn phim chúng tôi đến thủ đô Tokyo. Tại mỗi nhà ga lại được quây bởi một đám đông khổng lồ và tiếng hò reo không ngớt, nhiều cô gái Nhật xinh đẹp, tay mang nhiều món quà xinh xinh chờ đợi để được tặng cho chúng tôi”.
Vụ ám sát
Sáng hôm sau, anh trai của Chaplin và người bạn đồng hành Sydney chạy bổ vào phòng khách của “vua hài” và thông báo, hành lý trong phòng ngủ của họ bị ai đó lục soát. Kế đó tay hướng dẫn viên Kono gặp Chaplin và đề nghị đoàn nên viếng thăm một số cửa hàng đặc biệt. Sau này Chaplin viết: “Sydney khẳng định rằng tụi tôi bị giám sát, còn Kono đang cố giữ cái gì đó. Tôi phải thừa nhận rằng Kono có vẻ khá bối rối, lo lắng và liên tục làm phiền chúng tôi”.
Đêm đó 3 người Kono, Chaplin và Sydney cùng ăn tối tại nhà hàng thì có 6 người đàn ông thình lình đi lại gần bàn của họ. Một trong số đám người lạ mặt tỉnh rụi ngồi xuống ghế và hỏi Kono bằng cái giọng đanh thép, trong khi những người còn lại liếc xéo qua bàn. Vốn xuất thân từ gia đình công nhân, Chaplin không sao hiểu được ngôn ngữ mà người lạ nói, nhưng cả bộ ba vẫn lờ mờ nhận ra rằng họ đang bị đe dọa. Hiểu ra rằng mình cần phải hành động, Chaplin đột ngột đứng phắt dậy tại bàn ăn, đặt tay vào túi áo như ngầm hiểu sắp rút súng, và mắng đám người lạ “vô duyên”. Đám người lạ chột dạ, ngay trong thời khắc đó, Chaplin nhanh trí đẩy anh trai và tay hướng dẫn ra khỏi nhà hàng, vào trong một chiếc taxi. Ngay lúc đó, Chaplin chợt nhận ra có ai đó đang cố gắng tiếp cận và kiểm soát mọi hoạt động của ông.
Báo chí Osaka, tờ Mainichi Shimbun mô tả vụ xô xát ngày 15/5 và vụ ám sát Thủ tướng Inukai |
Trở lại Hollywood, ông bắt đầu bị lấn lướt bởi các nữ nghệ sĩ đang nổi – những người này thường xuyên gửi email nặc danh “đào mỏ”, thường xuyên ra tòa, cãi nhau ỏm tỏi về các khoản tiền chia chác. Lúc ở Nhật, Chaplin không sao hiểu ra động cơ của những kẻ lạ mặt quấy rối ông là chính trị hay tiền bạc: Khoảng thời điểm đó, Chaplin đột nhiên bị cuốn vào một cuộc đấu tranh quyền lực và làm “chấn động” nước Nhật. Ngày hôm sau, ngày 14/5, Chaplin ngồi coi một trận đấu sumo với sự hiện diện của khách mời Ken Inukai - con trai của đương kim Thủ tướng Nhật lúc đó. Vì tâm trạng thoải mái, nên Chaplin cũng không mấy để tâm tới đoạn Ken Inukai bị gọi ra ngoài và làm gì đó. Sau một lúc đi đâu đó không thể giải thích được, Ken Inukai lại ngồi bên cạnh Chaplin, khuôn mặt có vẻ bối rối đến nỗi Chaplin phải hỏi xem Inukai có bị ốm không. Lấy tay vò đầu, Inukai nói với Chaplin: “Cha tôi vừa bị ám sát”. Choáng với tin đó, Chaplin và Inukai cùng bổ nhào tới Phủ Tổng thống và nhìn thấy cửa vào nhà còn dính vết máu. Chaplin chỉ mới vừa gặp cố Thủ tướng một ngày trước đó. Chaplin nhớ lại thời điểm 6 gã đàn ông tiếp cận Phủ thủ tướng và bắn chết Thủ tướng Tsuyoshi Inukai, và cái tên Charlie Chaplin có lẽ cũng nằm trong “Danh sách hành quyết” của họ. Lịch sử sau đó đã nhận định rằng vụ ám sát Thủ tướng Nhật là đỉnh cao của một âm mưu nhằm chặt phá các cấu trúc quyền lực đã thống trị Nhật Bản trong suốt những giai đoạn đói nghèo của thời kỳ Đại suy thoái. Tổ chức chịu trách nhiệm cho vụ “thích khách” có tên là Ketsumeidan (Huyết Huynh Đệ), được sáng lập bởi nhà sư Nissio Inoue, “sào huyệt” của tổ chức này đặt tại tỉnh Ibaraki, phía Bắc Tokyo, nơi cánh nông dân nghèo khó chịu ơn của các Bộ trưởng giàu có. Một trong những nơi nhóm họp của Huyết Huynh Đệ là khu căn cứ huấn luyện Không-Hải quân ở thành phố Tsuchiura nằm trên hồ Kasumigaura.
Các thành viên của tổ chức “Huyết huynh đệ” chờ đợi được điều trần tại tòa án |
Âm mưu của “Huyết huynh đệ”
Tổ chức “Huyết huynh đệ” đã lên một danh sách các mục tiêu cần phải bị thanh toán, bao gồm các chính trị gia, những nhà công nghiệp và các cựu quân sư cho Nhật hoàng. Mục tiêu của “Huyết huynh đệ” là tạo ra càng nhiều hỗn loạn càng tốt để từ đó quân đội Nhật sẽ tuyên bố tình trạng thiết quân luật, trao toàn quyền cho các tướng lĩnh kiểm soát đất nước. Ngay trong tổ chức “Huyết huynh đệ”, có một trong những cơ quan cứng rắn nhất, gồm một nhóm các sĩ quan hải quân mà đứng đầu là Đại úy Seishi Koga. Nhóm này chịu trách nhiệm “hành thích” Bộ trưởng Tài chính kiêm nhà công nghiệp nổi tiếng chỉ vài ngày trước đó. Việc sát hại Thủ tướng Tsuyoshi Inukai cùng với “vua hài” Charlie Chaplin có thể là cú đánh chót, đánh sập chính phủ.
Cuối cùng, “sát thủ” Koga bị tóm và từ đây đã làm lộ sáng vì sao “vua hài” Chaplin lại suýt bị sát hại, và tại sao ông lại bị dây vào? Theo tài liệu điều tra, các “sát thủ” hy vọng thời điểm tấn công vào Phủ Thủ tướng trong lúc Thủ tướng và Chaplin đang uống trà sẽ thành công. Koga khai rằng: “Chaplin là người của công chúng tại Mỹ và là con cưng của chủ nghĩa tư bản. Chúng tôi tin rằng việc thủ tiêu Chaplin có thể gây ra một cuộc chiến tranh giữa Nhật và Mỹ, kế hoạch này nếu thành công sẽ là “1 mũi tên, chết 2 con nhạn”.
Charlie Chaplin trong bộ phim “Gã lang thang”, chiếu năm 1915 |
Trong hồi ký của mình, Chaplin viết: “Tôi có thể tưởng tượng cảnh các tay “sát thủ” tiến hành kế hoạch của họ, liền đó khi họ nhận ra rằng tôi không phải là người Mỹ mà là một người Anh, họ đã thốt lên: “Ô, thế à? Chúng tôi xin lỗi!”…/.