Thay đổi toàn diện
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200.000 người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 14,1% dân số với đồng bào Hrê và Co chiếm đa số. Các DTTS sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi của tỉnh với 61 xã và 8 thôn, thuộc 5 huyện là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, có 10 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, 1 xã khu vực II, 50 xã khu vực III và có 241 thôn đặc biệt khó khăn.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III - năm 2019, tỉnh này đã đặt nhiều quyết tâm xây dựng và phát triển theo hướng tích cực. Đến nay, qua 5 năm thực hiện, vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đã thật sự phát triển vượt bậc, toàn diện. Thành quả ấy có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, cùng những giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
|
Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 200.000 người đồng bào DTTS, trong đó người Hrê và Co chiếm đa số. |
Đơn cử, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Việc phát triển kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, rõ nét.
Hàng loạt công trình dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đồng bào các DTTS tỉnh Quảng Ngãi sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ của KH&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp được tỉnh đẩy mạnh, các mô hình kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.
|
Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tích cực đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. |
Theo thống kê, khu vực miền núi trong tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; 94,8% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các công trình thủy lợi, chợ, cấp nước sinh hoạt, điện... từng bước được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ người dân sử dụng điện quốc gia đạt 98%; có 91% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt 100%; có 67,7% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sĩ, thôn có nhân viên y tế; 76% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trên địa bàn tỉnh giảm bình quân gần 5%/năm, dự kiến năm 2024 giảm 7%...
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc để bứt phá
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần IV, năm 2024.
Theo ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đại hội là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước là “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” với quan điểm “công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”.
|
Kinh tế ngày một phát triển, đời sống tinh thần của người dân cũng được chú trọng, nâng cao. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy cho biết, tỉnh luôn xác định phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đảng ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, người dân hăng hái hưởng ứng. Nhờ đó, qua thời gian triển khai các chính sách dân tộc, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều khởi sắc.
Theo ông Huy, kinh tế khu vực miền núi của tỉnh tiếp tục phát triển. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản được triển khai, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương. Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế; thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
|
Nhiều sản phẩm OCOP của miền núi được quảng bá, du lịch cũng ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, khám phá. |
“Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều loại hình tổ chức thương mại được hình thành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia”, ông Huy chia sẻ.
Ngoài ra, du lịch miền núi cũng có bước phát triển, một số khu, điểm du lịch mới được đầu tư, đưa vào khai thác. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, từng bước hoàn thiện; nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển trong thời gian đến. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ở vùng đồng bào các DTTS và miền núi được nâng lên.
Về văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc cơ bản được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế ngày càng được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Trong giai đoạn 2020 – 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân hằng năm giảm 4,99%.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy mong muốn cả hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng phát triển quê hương. |
“Trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các DTTS cùng với toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng hiện thực khát vọng xây dựng phát triển quê hương, đất nước giàu đẹp trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của của dân tộc”, ông Huy nhấn mạnh.
Trước những kết quả đáng mừng của tỉnh Quảng Ngãi, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà chúc mừng và nhấn mạnh, điều này có được là nhờ sự nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Những thành tựu này sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung trong thời gian tới”, bà Hà nói.
|
Bà Nông Thị Hà tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho các tập thể, cá nhân xuất sắc của tỉnh Quảng Ngãi trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nông Thị Hà cũng yêu cầu Quảng Ngãi thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề còn tồn tại để kịp thời khắc phục. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; khả năng tiếp cận dịch vụ còn thấp; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tốt mất ổn định; việc triển khai chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa thật hiệu quả. Đây chính là vấn đề đặt ra cần được tập trung, quan tâm giải quyết của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.